Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27/9/1920, ông để lại một khối di sản khá đồ sộ với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
Tác giả gắn liền với nhiều thế hệ cùng tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/7, thọ 95 tuổi.
Ngay sau khi thông tin này được chia sẻ, giới văn nghệ sĩ đã thể hiện niềm tiếc thương chia buồn sâu sắc. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thông báo trên Facebook cá nhân: "Nhà văn Tô Hoài, cha đẻ của chú Dế Mèn nổi tiếng, đã qua đời trưa (6/7) tại Hà Nội, thọ 95 tuổi".
Dịch giả Đoàn Tử Huyến cùng hàng loạt giới văn nghệ sĩ đồng loạt chia sẻ dòng trạng thái “Vĩnh việt nhà văn Tô Hoài” trên Facebook.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến thông báo về sự ra đi của nhà văn Tô Hoài. |
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ kỷ lại những kỷ niệm gắn bó cùng gia đình nhà văn Tô Hoài: "Cách đây mấy năm, Hội nhà văn Hà nội tổ chức hội thảo, khi ra cổng chờ xe đón bác, bác nhẹ nhàng nhắc tôi: "Bây giờ còn trẻ, chưa thấy tiếc thời gian và trí nhớ, nghĩ ra cái gì chưa viết tưởng vẫn còn trong đầu. Không phải thế đâu. Quên hết đấy nếu không ghi chép hay là viết luôn ra. Phải viết hàng ngày, không phải viết cái gỉ cũng hay cũng vừa ý, nhưng phải viết hàng ngày".
Hai bác cháu đứng phơi nắng lạnh, tôi lè lưỡi, bảo cháu toàn nghĩ, không mấy khi viết lại. Một người bạn văn thấy tôi lè lưỡi, chụp nhanh tấm ảnh, bảo "bị bác mắng chuyện gì mà lè lưỡi thế?”. Bác nhìn ra ngoài nắng, nghe tôi chống chế cái tội lười ghi chép, lười viết...
Hôm nay, bác đã rời cõi tạm. Có nhiều kỷ niệm của nhà bác và nhà cháu, trong những trang nhật ký bố mẹ viết cho cháu từ khi cháu 2 tuổi đã gắn với tên bác. Sau này cháu và chị Sông Thao, anh Tân thân thiết, nhiều chuyện ngày bé của cháu được anh chị kể lại luôn làm cháu vui.
Cháu và triệu người yêu quý bác luôn nhớ và nhắc đến bác nhiều hơn mỗi ngày, thấm thía những kinh nghiệm nghề văn, kinh nghiệm của một người thấm sự đời, và chuyển qua trang viết.
Năm ngoái, mẹ cháu cũng bắt đầu chuyến công tác mới, rộng dài hơn những chuyến đi xưa. Hôm nay, cháu nghĩ bác cũng vừa lên đường đi công tác, thong thả nhẩn nha phiêu du với ánh mắt hóm hỉnh, lấp lánh của người biết hết, hiểu hết, nhân hậu và bao la tình yêu với con người.
Cháu nhớ bác".
Dịch giả Đoàn Tử Huyến thông báo về sự ra đi của nhà văn Tô Hoài. |
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh ví Tô Hoài như “chú Dế Mèn” phiêu lưu vào cõi cực lạc: “Vĩnh biệt ông – nhà văn Tô Hoài yêu quý với hàng ngàn trang sách ông hiến chữ và trí cho nhiều thế hệ. Có một Hà Nội trong lòng độc giả: Tô Hoài”.
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội tâm sự: “Sự ra đi của cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ. Được biết trong suốt quá trình trị bệnh cụ vẫn đi về giữa nhà và bệnh viện thế nhưng giờ nhà văn đã nằm xuống”.
Nhà thơ trẻ Lữ Thị Mai viết: "Thế là "chú Dế Mèn" đã bước vào một cõi phiêu lưu khác, chỉ còn "Cát bụi chân ai"... Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài đáng kính".
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh ngậm ngùi tiếc thương. |
Phóng viên Hoàng Đan kể lại kỷ niệm đã từng phỏng vấn ông, nhớ từng cử chỉ tận tình: “Nhà văn tô Hoài - Cha đẻ của Dế Mèn phiêu lưu ký vừa qua đời. Còn nhớ năm 2012 gặp cụ ở nhà riêng tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cụ vẫn còn rất khỏe, minh mẫn. Đến lúc trả lời phỏng vấn mình xong ra về cụ còn tiễn ra tận cửa.và hẹn khi nào rảnh lại qua chơi. Vậy mà, do nhiều chuyện chưa kịp đến lần nữa thì thuận theo lẽ vô thường cụ đã ra đi. Thành kính tưởng niệm, tri ân công lao của cụ với nền văn học nước nhà”.
Bạn Hiệp cũng đồng cảm khi kể lại lần tiếp xúc với nhà văn: "Đã có lần đến phỏng vấn ông viết bài và ấn tượng với sự gần gũi và nụ cười hiền hậu của ông. Vĩnh biệt ông".
Trên mạng, giới trẻ cũng chia sẻ cảm xúc về sự ra đi của nhà văn gắn liền với thời thơ ấu. Thành viên Dương Quốc Hwng nhớ đến ông nhớ từng câu chữ trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Anh viết viết: “Được tin nhà văn Tô Hoài mất, tuổi thơ vài thế hệ ai mà chả nhớ đến anh Dế Mèn. Với đoạn mở đầu của câu chuyện dài: "Tôi sống độc lập từ thủa bé, ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: "Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu".
"Mèn sống hào sảng. Cuộc phiêu lưu kỳ thú. Còn nhớ đoạn cuối cảm động, sau cuộc phiêu lưu trở về nhà: "Nhưng buồn nhất, mẹ tôi cũng đã khuất núi. Tôi ra viếng mộ người bên đầm nước. Nhớ đến lời người, khi sinh thời. Mẹ ơi, lá vàng, thì lá rụng, sự xoay vần tự nhiên, muôn loài chưa ai cưỡng lại được, con vì thế mà buồn, nhưng con vẫn ân hận rằng lần này trở về không còn được quỳ ôm đôi càng gầy yếu của mẹ kính mến mà kể lại những ngày luân lạc và những công việc con đã làm ích lợi cho đời để mẹ nghe".
Anh ví nhà văn Tô Hoài như Dế Mèn ngoài đời và ông đã ra đi: "Vĩnh việt ông".