Cho Min-kyong, 27 tuổi, lấy bằng kỹ sư từ một trong những trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc hồi năm 2016. Cô từng giành một giải thưởng thiết kế trong trường và sở hữu điểm tiếng Anh hoàn hảo.
Cho tưởng rằng sau khi ra trường, cô sẽ được các công ty lớn trải thảm đỏ đón mời. Nhưng không, 10 công ty mà cô gửi đơn xin việc - bao gồm hãng Hyundai Motor - đều lắc đầu từ chối. Cho rơi vào tình trạng chán nản và tuyệt vọng trong suốt 6 tháng.
Hàn Quốc hiện là một trong những nước phát triển nhất châu lục, quốc gia này chú trọng phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo. |
Sự cứu rỗi bất ngờ đến không phải từ một công ty trong nước, mà từ Nhật Bản. Cho nhận được lời mời từ Nissa và hai công ty Nhật Bản khác sau khi tham gia một hội chợ việc làm do chính phủ Hàn Quốc tổ chức để kết nối lao động chất lượng cao với đơn vị tuyển dụng nước ngoài.
"Không phải là tôi không đủ giỏi mà vì ở Hàn Quốc có quá nhiều người tìm việc có bằng cấp tương tự tôi, nên mọi người đều thất bại. Ở nước ngoài có nhiều cơ hội việc làm hơn Hàn Quốc", Reuters dẫn lời Cho. Cô hiện làm việc tại Nhật cho Nissan.
Không sợ chảy máu chất xám, chỉ sợ nghèo đói
Cho là trường hợp điển hình phản ánh cơn khát việc làm đang ngày càng trầm trọng tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Không thể tìm được việc tại quê nhà, rất nhiều người trẻ Hàn Quốc đổ xô đi tham gia các chương trình hỗ trợ tìm việc ở nước ngoài của chính phủ.
Các chương trình do chính phủ Hàn Quốc tổ chức như K-move - được thiết kế để giúp người trẻ Hàn Quốc tìm được công việc "chất lượng cao" ở nước ngoài - đã đưa người lao động trẻ Hàn Quốc tới 70 quốc gia.
Khoảng 5.783 sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp năm ngoái đã kiếm được việc làm bên ngoài Hàn Quốc, tăng gấp ba lần so với năm 2013, thời điểm chương trình bắt đầu.
Người lao động tại hội chợ việc ở Seoul hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters. |
Khoảng 30% trong số đó đến Nhật Bản, nền kinh tế đang chật vật với tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua. Khoảng 25% đến Mỹ.
Chính quyền Hàn Quốc không đặt ra bất cứ điều kiện nào với người lao động làm việc ở nước ngoài. Một số quốc gia như Singapore cũng tổ chức chương trình tương tự, nhưng đòi hỏi người lao động phải trở về nước, làm việc cho chính phủ sau 6 năm.
Ngược lại, người lao động xứ sở kim chi không phải đối mặt với những ràng buộc như vậy. "Chính quyền Hàn Quốc không lo ngại nguy cơ chảy máu chất xám. Vấn đề khẩn thiết đối với họ là ngăn chặn nguy cơ giới trẻ nước này rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói", Reuters dẫn lời chuyên gia Kim Chul-ju thuộc Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á.
Năm 2018, nền kinh tế Hàn Quốc chỉ tạo ra vỏn vẹn 97.000 việc làm, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tính đến tháng 3/2019, cứ 4 người trẻ Hàn Quốc trong độ tuổi 15-29 tuổi thì có một người không có việc làm.
Các sinh viên trẻ bước vào một hội chợ việc làm ở Seoul. Ảnh: Reuters. |
Tất nhiên Ấn Độ và một số nền kinh tế khác trong khu vực cũng chật vật với tình trạng tạo công ăn việc làm cho người lao động có trình độ. Tuy nhiên tại Hàn Quốc, sự thống trị của các tập đoàn gia đình (chaebol) càng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
10 tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc, bao gồm những cái tên như Samsung hay Huyndai, chiếm gần một nửa tổng giá trị vốn hóa thị trường của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn 13% lực lượng lao động nội địa làm việc cho các công ty có nhân sự trên 250 người.
Con số này thấp thứ hai trong khối các nước OECD, chỉ cao hơn Hi Lạp, và thua rất xa mức 47% của Nhật Bản. Giáo sư kinh tế Kim So-young thuộc Đại học Quốc gia Seoul cho biết các tập đoàn nước này đã hoàn thiện mô hình kinh doanh không cần quá nhiều nhân lực mới để đối phó với tình trạng chi phí lao động tăng cao và sa thải nhân viên thâm niên ngày càng trở nên khó khăn về mặt pháp lý.
Lao động trẻ có trình độ gia tăng do sự đầu tư mạnh cho giáo dục, nhưng lượng việc làm tạo ra của Hàn Quốc chưa tương xứng. |
Nhưng có một thực trạng đáng mỉa mai tại Hàn Quốc là trong khi người lao động trẻ có trình độ bỏ chạy ra nước ngoài thì các công ty trong nước phải tuyển dụng người nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu hụt công nhân phổ thông.
Mâu thuẫn này xuất phát từ việc giới trẻ Hàn Quốc có học vấn cao vào loại hàng đầu OECD. Có tới 3/4 số học sinh tốt nghiệp trung học vào đại học, vượt xa mức trung bình 44,5% của các nước OECD.
"Hàn Quốc đang phải trả giá cho cơn sốt giáo dục đại học. Có quá nhiều người học cao trong khi số lượng công việc chất lượng cao chỉ có giới hạn", chuyên gia Ban Ga-woon thuộc Học viện nghiên cứu thị trường lao động Hàn Quốc cho biết.
Đa phần người trẻ Hàn Quốc có bằng cấp tốt đều mơ ước công việc xịn, lương cao. "Chẳng ai muốn làm những công việc chân lấm tay bùn cả", Reuters dẫn lời ông Lim Chae-wook, quản lý của một nhà máy sản ở Ansan, than thở. "Họ nghĩ những việc đó không xứng đáng với họ, làm họ bị mất giá. Do đó chúng tôi phải thuê nhiều người lao động nước ngoài".
Công ty của ông Lim thuê hơn 20 công nhân đến từ Philippines, Việt Nam và Trung Quốc. Ở Gwangju, ông Kim Yong-gu, giám đốc Hyundai Hitech, cho biết giá thuê lao động nước ngoài là khá cao vì công ty phải trả cả tiền thuê nhà, tiền ăn... cho nhân viên.
Ra nước ngoài cũng không hạnh phúc
Với nhiều người "chạy trốn" khỏi thị trường lao động Hàn Quốc, nước ngoài không phải là miền đất hứa. Một số cho biết phải nhận những công việc lao động chân tay chứ không phải là chất lượng cao như chính phủ Hàn Quốc hứa hẹn, ví dụ như rửa bát ở Đài Loan hay làm việc trong nhà máy chế biến thịt ở Australia.
Qua chương trình K-move, Lee Sun-hyung, 30 tuổi, đến Sydney (Australia) để làm huấn luyện viên bơi lội từ năm 2017. Nhưng cô chỉ kiếm được khoảng 419 USD/tháng, chỉ bằng 30% mức được hứa hẹn.
Không có đủ tiền thuê nhà, Lee phải làm thêm việc lau cửa sổ các tòa nhà và cuối cùng quay về nước sau gần một năm trong tình trạng không một xu dính túi. Trước những thông tin này, nhà chức trách Hàn Quốc cho biết đang thành lập các trung tâm hỗ trợ người lao động ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều người lao động không còn tha thiết liên lạc với chính quyền Hàn Quốc sau khi ra nước ngoài. Có tới 90% người lao động ra nước ngoài trong giai đoạn 2013 - 2016 từ chối yêu cầu cung cấp thông tin cập nhật về nơi ở, điều kiện và thông tin cá nhân cho Bộ Lao động Hàn Quốc.
Số lượng người trẻ thất nghiệp gia tăng (biểu đồ trái) và số lượng lao động xuất khẩu theo chương trình của chính phủ qua các năm (biểu đồ phải). Ảnh: Reuters. |
Dẫu vậy, tình hình trong nước u ám khiến người trẻ Hàn Quốc tiếp tục ra nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc cũng tăng ngân sách cho các chương trình này từ 57,4 tỷ won (tương đương 48,9 triệu USD) trong năm 2015 lên 76,8 tỷ won trong năm 2018.
Ông Huh Chang, quan chức Bộ Tài chính Hàn Quốc, khẳng định Seoul phải tiếp tục thực hiện các chương trình này vì có quá nhiều cử nhân thất nghiệp tại Hàn Quốc. Hơn nữa, Hàn Quốc chưa lo ngại nguy cơ chảy máu chất xám.
Ông Huh bày tỏ hi vọng người lao động Hàn Quốc sau khi trở về nước sẽ đóng góp kinh nghiệm nước ngoài cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cô Lee Jae-young, 28 tuổi, ra nước ngoài theo chương trình K-move, không lạc quan như vậy.
Sau một năm làm đầu bếp ở khách sạn cao cấp JW Marriott tại Texas (Mỹ), cô cho biết tất cả thu được chỉ là thêm một dòng trong hồ sơ xin việc. Trở về Hàn Quốc, cô Lee lại tiếp tục hành trình tìm việc đầy gian nan.
.