Theo Bloomberg, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây ước tính nhóm 1% người Mỹ giàu nhất đã thiệt hại khoảng 701 tỷ USD trong quý trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 tài sản ròng của nhóm này tăng trưởng âm.
Việc thị trường chứng khoán lao dốc đã khiến nhóm này tổn thất 1.500 tỷ USD giá trị cổ phiếu. Song, trong vòng 2 năm qua, tổng tài sản của nhóm này vẫn tăng thêm 11.000 tỷ USD.
Chênh lệch tài sản lớn
Tuy chiếm thiểu số, giới nhà giàu vẫn sở hữu một nửa tổng lượng cổ phiếu do người dân Mỹ nắm giữ. Tính từ ngày 31/3, chỉ số S&P 500 đã giảm thêm 19% trong khi Nasdaq 100 mất 24%. Trong quý đầu tiên, hai chỉ số này giảm nhẹ lần lượt 5% và 9%.
“Ai nấy đều sợ hãi. Không ai muốn chứng kiến danh mục đầu tư cá nhân giảm từ 20% trở lên. Với những khách hàng giàu có, đà sụt giảm còn gây ra nhiều thiệt hại hơn do các khoản đầu tư thường là con số lớn”, Nicole Gopoian Wirick, nhà hoạch định tài chính kiêm Chủ tịch Prosperity Wealth Strategies, chia sẻ.
Nhóm 1% người Mỹ giàu nhất có tỷ lệ nắm giữ tài sản cao hơn 90% người Mỹ nghèo nhất. Ảnh: Bloomberg. |
Dữ liệu từ FED cho thấy diễn biến từ thị trường chứng khoán đã ăn sâu vào khối tài sản của nhóm 1% người Mỹ giàu nhất. Tuy nhiên, nhóm này vẫn nắm giữ gần 45.000 tỷ USD, nhiều hơn số tài sản 43.500 tỷ USD của 90% người dân còn lại.
Loại trừ năm ngoái, đây vẫn là tỷ lệ nắm giữ tài sản Mỹ lớn nhất theo ước tính của ngân hàng trung ương từ năm 1989.
Hiện giới nhà giàu Mỹ đang nắm ít hơn 12% lượng cổ phiếu. Điều này giúp họ tránh được phần nào cơn biến động của thị trường trong 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản, một trong những nhân tố quan trọng giúp người giàu và tầng lớp trung lưu phất lên trong thời đại dịch, đã hạ nhiệt thời gian gần đây. Phần lớn nguyên nhân do lãi suất thế chấp tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi FED tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giải quyết tình trạng lạm phát chạm đỉnh trong vòng 40 năm.
Thua lỗ chứng khoán
Du hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động của thị trường chứng khoán đến hết năm 2021, những tài phiệt giàu có cũng đối mặt nhiều thiệt hại trong giai đoạn gần đây do có vị thế quan trọng.
Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, giới nhà giàu Mỹ đã bốc hơi 760 tỷ USD trong năm nay, bao gồm 690 tỷ USD kể từ cuối quý đầu tiên. Trong đó, tài sản của tỷ phú Elon Musk đã giảm khoảng 64,5 tỷ USD từ cuối năm 2021, thu hẹp tổng giá trị tài sản ròng xuống còn 206 tỷ USD.
Mặt khác, nhóm 50% người Mỹ nghèo nhất chứng kiến sự gia tăng tài sản trở lại vào quý trước, tiếp tục xu hướng kể từ thời điểm chính phủ liên bang tung ra gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD đi kèm chính sách kích thích việc làm. Giá trị tài sản ròng của nhóm này đã tăng 164 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm lên 3.900 tỷ USD.
Tăng trưởng tài sản của nhóm 1% người Mỹ giàu nhất theo thời gian. Ảnh: Bloomberg. |
Tài sản của người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu, chiếm 40% còn lại, cũng gia tăng mạnh. Mặt khác, phần gần 9% người Mỹ giàu có còn lại thiệt hại nặng do cũng tiếp xúc với thị trường chứng khoán.
Trong 5 năm qua, những người giàu nhất nước Mỹ đã hưởng lợi từ đà gia tăng ngoạn mục của giá trị cổ phiếu và các tài sản khác. Trước khi S&P 500 tăng trưởng 18% vào năm 2020 và 29% vào năm 2021. Sau khi sụt giảm một con số vào năm 2018, chỉ số này phục hồi 31,5% vào năm 2019.
“Chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng bền vững trong vài năm với mức lãi khổng lồ. Tuy nhiên, những đợt tăng giá trong quá khứ không giúp ích gì cho tâm lý hiện nay của nhà đầu tư thua lỗ”, Tara Thompson Popernik, Giám đốc nghiên cứu của nhóm phân tích và lập kế hoạch tài sản tại Bernstein Private Wealth Management, nhận định.
Song, việc giá trị tài sản ròng suy yếu có thể giúp giới giàu giảm thiểu các hóa đơn thuế.