Theo CNBC, dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy tài sản của những người giàu nhất nước Mỹ đã tăng tổng cộng 6.500 tỷ USD trong năm 2021.
Tính đến cuối quý IV/2021, tài sản của nhóm 1% người giàu nhất đạt kỷ lục 45.900 tỷ USD. Suốt thời kỳ đại dịch, tài sản của nhóm này đã tăng hơn 12.000 tỷ USD, tương đương hơn 1/3.
“Những con số này thật đáng kinh ngạc, Sự bùng nổ tài sản của những người giàu có trong đại dịch chắc chắn là một trong những đợt mạnh mẽ nhất trong 40 năm qua”, Edward Wolff, giáo sư kinh tế tại Đại học New York, cho biết.
Tuy chỉ chiếm 1%, giới giàu có ở Mỹ lại sở hữu 32,3% tài sản cả nước. Mặt khác, tài sản của 90% người Mỹ giảm nhẹ từ 30,5% xuống 30,2%.
Báo cáo của FED cho thấy khoảng 4.300 tỷ USD tăng thêm năm ngoái bắt nguồn từ lợi nhuận của cổ phiếu doanh nghiệp và quỹ tương hỗ. Theo Ngân hàng Trung ương Mỹ, nhóm 1% người giàu nhất sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 23.000 tỷ USD, tức khoảng 53,9% cổ phiếu lưu hành.
Thị trường tài chính phát triển giúp các tỷ phú Mỹ lãi đậm. Ảnh: Forbes. |
Bất chấp sự tham gia của hàng triệu nhà đầu tư mới, nhóm 10% người Mỹ giàu nhất sở hữu 89% cổ phần doanh nghiệp được nắm giữ riêng lẻ và cổ phiếu quỹ tương hỗ.
Theo Wolf, giá cổ phiếu tăng cao phản ánh sự giàu có và tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ. Phần lớn quyền sở hữu cổ phiếu nghiêng về tầng lớp thượng lưu, do đó, dòng tiền lợi nhuận của cổ phiếu lại tiếp tục chuyển sang họ.
Bên cạnh đó, khả năng tiết kiệm tiền và đầu tư vượt trội càng giúp giới thượng lưu nâng cao lượng tài sản tích lũy. Càng giàu có, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán càng nhiều và dòng lợi nhuận cũng thu về tương ứng.
“Bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng thúc đẩy thị trường chứng khoán, sau đó tiếp tục tạo ra bất bình đẳng giàu nghèo”, vị giáo sư cho biết.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng là nguồn sản sinh tài sản cho những người giàu có. FED cho biết nhóm 1% sở hữu khoảng 57% số công ty tư nhân.
Ngoài ra, giá trị của các doanh nghiệp tư nhân do nhóm này nắm giữ đã tăng 36%, tương đương 2.200 tỷ USD, vào năm ngoái.
Song song, bất động sản cũng là nguồn tiền giúp giới thượng lưu giàu thêm. Khối tài sản này trong năm 2021 đạt 5.270 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc giá nhà đất và quyền sở hữu bất động sản bị siết chặt khiến tầng lớp trung lưu chiếm ưu thế. Nhóm 1% nắm giữ 14% bất động sản ở Mỹ, giảm 0,5% so với mức tính đến năm 2019. Trong khi đó, 90% người Mỹ chỉ kiếm được 2.890 tỷ USD từ bất động sản.
“Sự bùng nổ nhà đất đã mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu. Nếu không có điều đó, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo sẽ còn tồi tệ hơn”, Wolf nhận xét.