Các nhà đầu tư có tài sản đầu tư trên 1 triệu USD vẫn lạc quan về thị trường chứng khoán trong tương lai. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, thị trường đang đi xuống, xung đột leo thang, suy thoái kinh tế lan rộng, nhưng các nhà đầu tư giàu có vẫn lạc quan về tương lai thị trường.
Theo cuộc khảo sát của UBS Group được công bố hôm 2/11, 59% nhà đầu tư giàu có vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Tỷ lệ này tăng từ mức 50% của tháng trước.
Từ ngày 28/9 đến ngày 17/10, UBS đã thực hiện khảo sát với 2.913 nhà đầu tư trên toàn cầu. Tổng tài sản đầu tư của họ đều trên 1 triệu USD.
Mức độ lạc quan của các nhà đầu tư | ||||
Nguồn dữ liệu: Các cuộc khảo sát của UBS | ||||
Nhãn | Hiện tại | Cách đây 3 tháng | Cách đây 1 năm | |
Lạc quan | % | 59 | 50 | 63 |
Trung lập | 16 | 20 | 24 | |
Bi quan | 25 | 30 | 13 |
Lạc quan về triển vọng thị trường
Các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng vì nhu cầu hàng hóa và dịch vụ vẫn mạnh mẽ, nền kinh tế đang phục hồi từ dịch Covid-19 và thu nhập của doanh nghiệp khả quan.
Tuy nhiên, tâm lý của các nhà đầu tư thay đổi theo từng khu vực. Bất chấp lạm phát kỷ lục, khủng hoảng năng lượng và cuộc chiến ở Ukraine, các nhà đầu tư ở châu Âu có tâm lý tích cực nhất. 69% người được hỏi nói rằng họ lạc quan về nền kinh tế của khu vực trong 12 tháng tới.
Tiếp theo là châu Á, 62% nhà đầu tư châu Á lạc quan về triển vọng của khu vực trong năm nay. Còn ở Mỹ, 51% có tâm lý tích cực, nhưng 2/3 tin rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Cuộc suy thoái có thể đi từ một cuộc suy thoái rất nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào tình hình chiến sự. Hãy chuẩn bị tinh thần
Ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase
Theo các dự báo mới của Bloomberg Economics, nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Lạm phát dai dẳng, việc thắt chặt các điều kiện tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Mới đây, ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase - cho rằng lạm phát, lãi suất tăng cao hơn dự kiến, ảnh hưởng từ những chính sách thắt chặt và xung đột Nga - Ukraine "có thể đẩy Mỹ và thế giới vào một cuộc suy thoái trong 6-9 tháng nữa".
Ông Dimon nhận định không rõ cuộc suy thoái của Mỹ sẽ kéo dài bao lâu. "Nó có thể đi từ một cuộc suy thoái rất nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào tình hình chiến sự", ông bình luận.
Vị CEO cho rằng sẽ rất khó để dự đoán. "Hãy chuẩn bị tinh thần", ông cảnh báo.
Nguy cơ suy thoái
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 3 điểm phần trăm kể từ đầu năm, đưa lãi suất lên 3-3,25%, mức cao nhất trong vòng 14 năm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7 và tháng 9, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã sụt giảm 10,14%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11, chỉ số này mất 79,75 điểm, tương đương 0,24%, về 32.653 điểm.
Chỉ số S&P 500 lao dốc 19,09% kể từ đầu năm, còn chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ lao dốc tới 30,39%. Trong phiên giao dịch ngày 1/11, hai chỉ số này mất lần lượt 15,08 điểm (0,41%) và 97,3 điểm (0,89%).
Các cổ phiếu công nghệ bị đè nặng bởi lo ngại tăng trưởng giảm tốc và lãi suất tăng. Chỉ số Nasdaq đã lao dốc hơn 30% kể từ đầu năm. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc khảo sát của UBS, dù lạc quan về tương lai, hơn 50% trong số các nhà đầu tư được hỏi tin rằng một cuộc suy thoái đã bắt đầu, hoặc chuẩn bị xảy ra trong năm 2022.
Gần 2/3 cho rằng lạm phát sẽ đi lên trong năm tới. Gần 50% đã cắt giảm chi tiêu. Những mối lo ngại hàng đầu của họ là lạm phát, rủi ro địa chính trị và suy thoái.