Nhà báo Dan Balz của Washington Post lo ngại, đối với ông Trump, nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử dường như không có vùng cấm. Đối với nhà lãnh đạo 74 tuổi, không có hành động nào được xem là đi quá giới hạn.
Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong cuộc gọi ngày 2/1 giữa ông và Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger.
Trong cuộc gọi, ông Trump đã lặp đi lặp lại yêu cầu ông Raffensperger "tìm" thêm phiếu bầu để cơ quan bầu cử bang Georgia tính lại kết quả và chứng minh mình là người chiến thắng chứ không phải Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Đoạn ghi âm được Washington Post thu thập khiến nhiều người phẫn nộ lẫn lo sợ. Cuộc gọi ngày 2/1 và những kế hoạch trong vài ngày tới cho thấy Tổng thống Trump cùng các đồng minh đã quyết tâm tạo ra hỗn loạn ở khâu cuối cùng trong quy trình bầu cử Mỹ, ngay trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1.
Dù không thể thay đổi kết quả, hệ quả của cuộc chiến này có thể là làm suy yếu nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.
Cuộc gọi từ Nhà Trắng
Cuộc gọi diễn ra bất chấp thực tế bang Georgia đã kiểm phiếu lại nhiều lần và công nhận phần thắng cho ông Joe Biden, còn những vụ kiện gian lận bầu cử của phe ông Trump đều bị tòa án bác bỏ hoặc luật sư tự rút lui vì không đủ chứng cứ.
Washington Post nhận định cuộc gọi của Tổng thống Trump thể hiện sự tuyệt vọng khi nhà lãnh đạo Mỹ từ cầu xin, nài nỉ, đến thuyết phục và đe dọa một quan chức cấp bang, một người cùng đảng Cộng hòa, để ông thay đổi kết quả bầu cử.
Tổng thống Trump không tranh luận bằng chứng cứ hay thông tin đúng sự thật. Sau liên tiếp các thất bại trước tòa án từ cá nhân ông Trump lẫn các đồng minh nhằm thách thức kết quả bầu cử, tổng thống Mỹ không còn gì khác để thuyết phục Raffensperger ngoài những cáo buộc thiếu căn cứ mà ông đã nói rất nhiều kể từ khi nhận tin thất bại vào ngày 7/11/2020.
Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger. Ảnh: Reuters. |
Thay cho bằng chứng, ông dùng những lời đồn, đe dọa bóng gió và chứng tỏ quyền lực với cuộc gọi từ Nhà Trắng, nỗ lực dọa nạt để ông Raffensperger khuất phục.
"Điều tôi muốn là thế này: Tôi muốn tìm thêm 11.780 phiếu, chênh một phiếu thôi. Bởi vì chúng ta đã thắng bang này", tổng thống Mỹ ám chỉ mong muốn xóa bỏ chiến thắng với cách biệt 11.779 phiếu của tổng thống đắc cử Joe Biden ở Georgia.
Ông Trump còn nhắc lại những thuyết âm mưu về bầu cử mà ông đã lặp đi lặp lại suốt 2 tháng qua. Ông khẳng định mình thắng ở bang chiến trường miền Nam nước Mỹ với hàng trăm nghìn phiếu bầu nhưng bị cướp đi chiến thắng. Có lúc, ông lại nói về tin đồn phiếu bầu bị hủy bỏ ở hạt Fulton, nơi có thành phố Atlanta - vùng đô thị lớn nhất bang và là thành trì của đảng Dân chủ.
Trong suốt quá trình kiểm phiếu, kiểm phiếu lại và công nhận kết quả bầu cử năm 2020, Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger đã chịu đựng rất nhiều lời miệt thị và đe dọa đến sự an toàn của bản thân và gia đình.
Raffensperger vẫn kiên quyết không thay đổi lập trường tôn trọng kết quả bầu cử. Quyết tâm của ông vẫn không suy suyển trong cuộc gọi ngày 2/1.
Brad Raffensperger đã lịch sự phản pháo những tuyên bố từ Tổng thống Trump. Tổng thư ký bang Georia cùng luật sư của ông, Ryan Germany, còn nhiều lần thẳng thắn chỉ ra rằng các tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ và đồng minh là không đúng sự thật.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz vận động cử tri tại Georgia ủng hộ 2 đồng nghiệp đảng Cộng hòa tái đắc cử. Ảnh: Reuters. |
Nỗ lực chặn ông Biden ở quốc hội
Nhà báo Dan Balz của Washington Post lo ngại rằng ông Trump chắc chắn sẽ không bỏ cuộc cho đến ngày buộc phải từ bỏ quyền lực và tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, hay thậm chí cả sau khi ông đã rời Nhà Trắng.
Ông đang làm mọi cách để không bị gán lên mình hình ảnh "kẻ thua cuộc" sau một nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Dan Balz chỉ trích rằng "điều này cũng bình thường với kiểu hành xử của ông ấy xuyên suốt 4 năm nhiệm kỳ".
Theo nhà báo của Washington Post, Tổng thống Trump dường như chưa bao giờ lo rằng hành động của mình sẽ khiến nền dân chủ Mỹ chịu thiệt hại đến mức nào.
"Tuy nhiên, tổng thống không làm điều đó một mình. Ông tiếp tục lôi kéo sự ủng hộ từ thành viên đảng chính trị mà ông đã cải tạo theo hình ảnh của chính mình", Balz nhận định.
Ngày 6/1, các thành viên Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ họp lại để chính thức công nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn. Con số đã được công bố suốt 2 tháng qua, với ông Joe Biden dành được 306 phiếu đại cử tri và Tổng thống Trump chỉ được 232 phiếu.
Có nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa ở cả 2 viện lên kế hoạch "lật kèo". Một quy trình trước đây chỉ mang tính chất "làm lấy lệ" để chuyển giao quyền lực sẽ xảy ra tranh cãi, buộc 2 viện phải họp riêng và tổ chức biểu quyết.
Dù chiến lược này khó giành chiến thắng và chỉ trì hoãn được kết cục hiển nhiên thêm vài tiếng, các đồng minh của ông Trump vẫn quyết tâm thách thức số liệu kiểm phiếu từ nhiều bang trọng yếu.
Nhóm nghị sĩ này cho rằng cáo buộc bỏ phiếu hoặc kiểm phiếu sai trái cần được làm rõ. Họ yêu cầu quốc hội Mỹ chỉ định một ủy ban đặc biệt, mở cuộc kiểm phiếu ở các bang xảy ra tranh cãi trong 10 ngày, sau đó buộc các bang mở những phiên họp đặc biệt để đánh giá lại kết quả điều tra và "công nhận kết quả mới" nếu cần.
"Tuyên bố của những chính trị gia Cộng hòa này không nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử, mà chỉ muốn tạo tiếng vang cho những cáo buộc và mối lo ngại của bộ phận người dân nghi ngờ kết quả bầu cử - những người đã được ông Trump và các đồng minh liên tục bơm cho những suy nghĩ rằng cáo buộc bầu cử gian lận là đúng sự thật", Balz nhận định.
Tổng thống Trump không chấp nhận thua cuộc và không từ bỏ kế hoạch lật ngược kết quả bầu cử trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Ảnh: Reuters. |
Đảng Cộng hòa trong khủng hoảng
Đảng Cộng hòa đang chìm trong chia rẽ vì cuộc phiêu lưu của Tổng thống Trump và các đồng minh. Sau khi Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri tiên phong tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas cùng nhiều đồng nghiệp đã nhập cuộc.
Những nghị sĩ Cộng hòa chống lại kết quả bầu cử có thể bị thúc đẩy bởi nỗi sợ Tổng thống Trump trả đũa bằng sức ảnh hưởng lên cử tri đảng, hoặc họ muốn chớp lấy thời cơ chính trị.
Một số nhân vật chống đối đang cân nhắc tranh cử tổng thống vào năm 2024. Họ hiểu rằng họ nắm chắc phần thua nếu không đứng về phía ông Trump lần này.
Nhiều nhân vật có tiếng nói trong đảng Cộng hòa đã thể hiện thái độ bất bình. Thượng nghị sĩ Ben Sasse bang Missouri chỉ trích nhóm chống kết quả bầu cử là những người "phóng hỏa hiến pháp". Ông nhận định kế hoạch phản đối kết quả bầu cử vô căn cứ không khác gì "chơi với lửa".
Thượng nghị sĩ Mitt Romney, cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2012, chỉ trích ông Cruz và các đồng nghiệp đang "lập mưu nguy hiểm" và "đe dọa nền cộng hòa dân chủ".
"Tôi chưa từng nghĩ rằng những điều này sẽ xảy ra trong nền dân chủ vĩ đại nhất thế giới. Phải chăng tham vọng đã che khuất mọi nguyên tắc?", ông nói.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan của đảng Cộng hòa chỉ trích các đồng nghiệp của ông đang "đánh thẳng vào nền tảng của nền cộng hòa". Ông phản đối kịch bản chính quyền liên bang can thiệp thay đổi kết quả bầu cử vốn đã được các bang công nhận một cách độc lập, qua đó truất quyền bầu cử của hàng triệu người Mỹ.
Đối với Paul Ryan, kế hoạch bác bỏ kết quả bỏ phiếu đại cử tri ngay tại phiên họp chung của lưỡng viện Mỹ là điều "phi dân chủ và phi bảo thủ" nhất trong mọi kịch bản mà ông có thể nghĩ đến.