Ngày 27/7, China Daily có bài viết lên án các vấn đề tồn tại "kinh niên" trong showbiz. Tờ báo nhận xét những hiện tượng tiêu cực nảy sinh từ giới giải trí đang gặm nhấm và hủy hoại tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của các ngôi sao, gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường nghệ thuật nói riêng và xã hội nói chung.
Hét giá và sống ảo
Theo China Daily, mức thù lao nghệ sĩ Trung Quốc được trả có những thay đổi rõ nét trong hơn hai thập kỷ qua. Con số nhanh chóng tăng lên gấp ba, vượt ngưỡng 10 triệu USD từ năm 2010.
Theo Nhân Dân nhật báo, chỉ cần xuất hiện vài phút, nghệ sĩ dễ dàng bỏ túi hàng triệu USD. Cát-xê của ngôi sao hàng đầu Trung Quốc thậm chí vượt xa các ngôi sao ở Hàn Quốc và cả Hollywood.
Việc cát-xê tăng chóng mặt cho thấy sự phát triển của ngành giải trí, thành tựu lao động nghệ thuật của các ngôi sao được ghi nhận xứng đáng. Nhưng mặt khác, việc này cũng nảy sinh hiện tượng xấu, gây ra sự mất căn bằng trong ngành công nghiệp giải trí.
Cát-xê thời chưa bình ổn của Angelababy luôn vượt mức 10 triệu USD. Ảnh: Sina. |
Trong showbiz hình thành cuộc đua cát-xê giữa các ngôi sao, và dẫn đến hiện tượng hét giá thù lao bất chấp.
Việc nghệ sĩ Hoa ngữ nhận thù lao khổng lồ cũng làm gia tăng gánh nặng tài chính khiến chất lượng phim ảnh đi xuống khi nhà sản xuất thắt chặt hầu bao trong mọi quy trình sản xuất.
Không chỉ vậy, nó còn gián tiếp cổ súy lối sống vật chất, khiến giới trẻ theo đuổi thần tượng một cách mù quáng và làm sai lệch các chuẩn mực xã hội.
Năm 2018, giới chức Trung Quốc thực hiện Chính sách bình ổn thù lao. Theo đó, tổng mức lương chi trả cho toàn bộ các diễn viên trong đoàn phim không được vượt qua 40% tổng chi phí sản xuất. Thù lao của diễn viên chính cũng không được vượt quá 70% tổng thù lao của dàn diễn viên.
Nếu đơn vị nào bị phát hiện trả thù lao không đúng quy định và có hành vi che giấu sai phạm, sẽ bị đình chỉ sản xuất hoặc cấm phát sóng vô thời hạn đối với dự án đã quay xong.
Cách thức tính lương mới khiến thu nhập của ngôi sao giảm sâu. Theo thống kê của Hiệp hội Diễn viên Trung Quốc, 3 năm trở lại đây, mức thu nhập trung bình của diễn viên đã giảm 30-50%, ngưỡng giới hạn là 9 triệu USD.
Theo QQ, đóng vai Hải Thị trong Hộc Châu phu nhân, Dương Mịch chỉ nhận được gần 3,9 triệu USD. Vào vai chính trong An Gia, Tôn Lệ nhận khoảng 2,4 triệu USD. Angelababy giảm 80% mức lương xuống còn 1,4 triệu USD. Trước đó, các nghệ sĩ này đều nhận hơn 10 triệu USD/vai diễn.
Dù vậy, vẫn có người cố tình "lách luật". Mới đây, Trịnh Sảng bị tung chứng cứ hét giá cát-xê lên đến 150 triệu USD cho vai chính trong Thiến nữ u hồn. Vụ việc khiến công ty Văn hóa Bắc Kinh bị thanh tra giao dịch kinh tế toàn diện, dự án Thiến nữ u hồn bị hoãn phát sóng vô thời hạn.
Gian lận tài chính, phạm pháp
Theo China Daily, chính sách đánh thuế nặng tay, lên đến 40% tổng thu nhập với ngành giải trí khiến nhà đầu tư, nghệ sĩ phải sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để gian lận tài chính.
Điển hình là thủ đoạn dùng hợp đồng âm dương với mục đích bỏ túi hàng chục triệu USD mỗi năm theo cách phi pháp. Đây là chiêu thức phổ biến được nhiều nghệ sĩ có thu nhập cao áp dụng để đánh lừa cơ quan thuế.
Chiêu bài dùng hợp đồng âm dương để trốn thuế khiến Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng nhận hậu quả mất trắng sự nghiệp lẫn danh tiếng. Ảnh: Weibo. |
Theo Sina, hợp đồng âm dương gồm hai hay nhiều bản hợp đồng của cùng một dự án ký kết giữa các nghệ sĩ và nhà sản xuất. Hợp đồng dương được dùng để khai thuế với giá trị nhỏ hơn thực tế, còn hợp đồng âm che đậy giá trị khổng lồ nghệ sĩ nhận được nhằm "qua mắt" giới chức.
Vụ bê bối trốn thuế của Phạm Băng Băng và Trịnh Sảng cho thấy thủ đoạn né thuế thu nhập cá nhân tinh vi, có sự cấu kết thành một hệ thống từ nhà đầu tư cho đến nghệ sĩ trong showbiz.
Sau bị phát hiện, Phạm Băng Băng phải nộp phạt số tiền lên tới 130 triệu USD. Trong khi đó, Trịnh Sảng bị Cục thuế điều tra, toàn bộ thẻ ngân hàng của cô và gia đình bị đóng băng cho đến khi có kết luận chính thức. Với việc vi phạm pháp luật, cả hai nghệ sĩ mất trắng sự nghiệp, hứng chịu sự chỉ trích, tẩy chay từ dư luận.
Tài năng ít, scandal dày đặc
Theo Tân Hoa Xã, ngành giải trí Trung Quốc đang tồn tại nghịch lý là các ngôi sao lưu lượng (có nhiều người hâm mộ, giá trị truyền thông cao) nhận được mức lương hậu hĩnh dù không mang lại tác phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khán giả. Thậm chí trong số họ, không ít người có trình độ văn hóa thấp, gặp vấn đề đạo đức, chỉ nổi lên nhờ vẻ ngoài và chiêu trò.
Theo Sina, thành công của Dương Siêu Việt đến nay vẫn gây tranh cãi. Cô được xem là sản phẩm tạo ra từ chính thị hiếu dễ dãi, lệch lạc của khán giả trong thời đại văn hóa thần tượng lên ngôi.
Dương Siêu Việt không có tài năng, nhưng được o bế trong ngành giải trí. Ảnh: Sohu. |
Gây thất vọng với vũ đạo tệ hại, giọng hát chênh phô, phát ngôn ngô nghê, Dương Siêu Việt bị ca thán chỉ đẹp và biết khóc.
Nữ nghệ sĩ trẻ vẫn nhận hơn 138 triệu phiếu bầu ở vòng chung kết Sáng Tạo 101. Người đẹp nằm trong Top 3 thí sinh có sự ủng hộ cao nhất, được ra mắt trong đội hình của nhóm nhạc Hỏa Tiễn Thiếu Nữ.
Vừa qua, tại cuộc thi Sáng tạo doanh 3, Lelush - thí sinh ngoại quốc không có tài năng âm nhạc - cũng được nhà sản xuất nhiệt tình lăng xê, khán giả yêu thích chỉ nhờ hình tượng hài hước.
Theo Sina, Dương Siêu Việt, Ngu Thư Hân hay Lelush nổi tiếng nhờ số phiếu bầu chọn và sự yêu thích nhất thời của khán giả. Nghệ sĩ đi lên bằng con đường "thực dụng" như họ không thể kéo dài hào quang trong ngành nếu không có tài năng. Như trường hợp của Dương Siêu Việt, cô luôn bị công chúng chỉ trích là thảm họa. Sự xuất hiện của cô ở các hoạt động giải trí đều trở thành tâm điểm chỉ trích.
Theo China Daily, trình độ học vấn của các nghệ sĩ đang có dấu hiệu đi xuống một cách báo động. Thực tế trình độ học vấn không đại diện cho năng lực, cũng không thể hiện hàm lượng kiến thức tích lũy nhưng trong các chương trình giải trí, không ít ngôi sao lại thể hiện sự yếu kém, mù mờ kiến thức cơ bản, trình độ thua cả học sinh trung học cơ sở.
Thậm chí, nhiều người còn làm giả học hàm để xây dựng hình tượng đẹp. Theo Sina, các nghệ sĩ có học lực giỏi, IQ cao, bằng cấp tốt luôn nhận được sự yêu mến và ưu ái của khán giả, như trường hợp của Triệu Vy. Người hâm mộ tự hào về thần tượng và lấy đó làm động lực phấn đấu.
Gần đây, nam ca sĩ Mã Gia Kỳ có điểm số thi đại học thấp, không đủ điểm chuẩn của khu vực. Thần tượng sinh năm 2002 chỉ được 25 điểm Toán, 44 điểm Ngoại ngữ..., tổng điểm 307/750 điểm. Anh bị đài truyền hình Hồ Bắc chỉ trích vì trước đó xây dựng hình tượng ham học, học giỏi để lừa dối người hâm mộ.
Trương Triết Hạn bị Lý Băng Thanh - cựu biên tập tạp chí Vogue - tố giả tạo khi thường xuyên chia sẻ những tựa sách hay lên trang cá nhân, nhưng lại không biết gì.
Trước đó, trong Đêm hội Weibo khi được hỏi về "Cuốn sách gần đây đang đọc", mỹ nam Sơn Hà lệnh tỏ ra bối rối và từ chối chia sẻ với lý do không phù hợp với sự kiện.
Không chỉ vậy, Trương Triết Hạn còn bị soi lỗ hổng kiến thức trầm trọng khi thường viết sai chính tả từ vựng tiếng Anh cơ bản, phát âm không sõi tiếng Trung.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ sa đà vào việc chạy theo thành tích, bằng cấp và xây dựng hình tượng ham học. Đến khi bị phát hiện giả dối, họ khiến fan thất vọng, tạo thành vết nhơ trong sự nghiệp như Đồng Trác, Địch Thiên Lâm.
Scandal tình dục nhấn chìm sự nghiệp của Ngô Diệc Phàm. Ảnh: Sohu. |
Bên cạnh vấn đề về trình độ học vấn, theo Sina, vụ bê bối của Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng và nghệ sĩ tên tuổi trong showbiz xảy ra liên tiếp cũng cho thấy tình trạng đạo đức suy đồi của người làm nghệ thuật. Điều này khiến cơ quan quản lý văn hóa siết chặt hoạt động, tăng cường giám sát các ngôi sao.
Tân Hoa Xã cho biết giới chức Trung Quốc hiện xây dựng chiến lược chuẩn mực đạo đức xã hội, nhấn mạnh tư tưởng tích hợp luật pháp và đạo đức, mà người nổi tiếng là những nhân tố đi đầu. Có thể hiểu rằng những người có hành vi sai trái về mặt đạo đức dù không phạm pháp cũng bị trừng phạt nặng.
Sự siết chặt của nhà nước khiến nghệ sĩ chịu áp lực lớn, buộc phải thay đổi hoặc kiềm chế hành vi trái đạo đức và thuần phong mỹ tục. Từ năm 2019, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình ban chỉ thị yêu cầu đoàn làm phim, nhà sản xuất không được sử dụng các diễn viên có vết nhơ, gặp vấn đề về đạo đức, khả năng nhận thức tư tưởng thấp. Tôn chỉ được đưa ra là "đạo đức đi trước nghệ thuật".
Với việc vướng tai tiếng đời tư chấn động như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm hay trước đó là Phạm Băng Băng đều đã nhận hình phạt cứng rắn từ giới chức là cấm sóng. Khán giả cũng có động thái bài trừ, không chấp nhận việc họ trở lại showbiz.