"Người ta thường săn đón những thứ khan hiếm. Bằng chứng là giá nước rửa tay và khẩu trang tăng vọt trong những ngày đầu đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái", phóng viên Mercedes Ruehl (có trụ sở tại Singapore) của Financial Times viết.
"Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc này vào đầu tư, với những kỳ lân công nghệ (startup được định giá trên 1 tỷ USD) ít ỏi của Đông Nam Á", bà Ruehl viết.
Tuần này, Grab - công ty khởi nghiệp chưa niêm yết lớn nhất Đông Nam Á - thông báo đã tăng khoản vay (có kỳ hạn vào tháng 12) từ 750 triệu USD lên 2 tỷ USD. Hơn một nửa trong số các nhà đầu tư là những tổ chức có trụ sở tại Mỹ, bao gồm BlackRock, Carlyle, Eaton Vance và Anchorage.
Nhu cầu đầu tư tăng vọt thậm chí khiến công ty xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Mỹ trong năm nay.
Nhiều nhà đầu tư của Grab là các tổ chức có trụ sở tại Mỹ. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Nhu cầu đầu tư tăng vọt
Nếu IPO, Grab sẽ gia nhập đội ngũ với Sea Group - công ty thương mại điện tử và trò chơi được Tencent chống lưng - trở thành một trong số ít gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á niêm yết công khai.
Trong năm 2020, giá cổ phiếu của Sea tăng gần 400% khi nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền, đưa Sea trở thành một trong những cổ phiếu hoạt động tốt nhất năm 2020.
Theo phóng viên Ruehl, cổ phiếu là một trong số ít cơ hội đầu tư của 655 triệu người Đông Nam Á. Đây là khu vực có số người mới sử dụng di động tăng nhanh nhất thế giới.
Theo báo cáo hồi năm 2020 của Google, Temasek và Bain & Co., khoảng 40 triệu người ở Đông Nam Á bắt đầu sử dụng Internet vào năm 2020. Để so sánh, có 100 triệu người dùng Internet mới trong giai đoạn 2015-2019 và 10 triệu ở 2018-2019.
Điều đó có nghĩa là khoảng 70% dân số khu vực, tương đương 400 triệu người ở Đông Nam Á sử dụng Internet.
Đông Nam Á là khu vực có số người mới sử dụng di động tăng nhanh nhất thế giới. |
Theo ông Kenny Liew, nhà phân tích công nghệ tại Fitch Solutions, sau một thập kỷ tập trung vào các công ty công nghệ Mỹ và Trung Quốc, giới đầu tư đã chuyển chú ý sang những công ty như Grab và Sea.
Việc sử dụng các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Special Purpose Acquisition Company – SPAC) có thể san bằng sân chơi và cung cấp cho nhà đầu tư nhiều lựa chọn hơn. Trong những tháng gần đây, một số SPAC đã xuất hiện và nhắm vào ngành công nghệ của Đông Nam Á.
SPAC còn được gọi là những tấm séc trống. Một nhóm nhỏ nhà đầu tư sành sỏi hoặc chuyên gia đầu ngành (gọi chung là nhà sáng lập SPAC) niêm yết SPAC, sau đó tìm kiếm các công ty chưa niêm yết để mua lại hoặc sáp nhập.
Qua đó, SPAC có thể đưa doanh nghiệp ra đại chúng mà không cần thông qua quy trình IPO truyền thống tốn kém và mất thời gian.
Tiềm năng lớn
Các sàn giao dịch châu Á, bao gồm Singapore Exchange, đang xem xét cơ chế SPAC để tận dụng nhu cầu và giữ chân các kỳ lân khu vực không đổ xô sang thị trường Mỹ.
Một số công ty công nghệ khác có thể đi theo con đường này. Gojek - đối thủ có trụ sở tại Indonesia của Grab - đang đàm phán với kỳ lân thương mại điện tử Tokopedia (có trụ sở Jakarta) để thành lập tập đoàn công nghệ trị giá 17 tỷ USD.
Nếu các cuộc đàm phán có kết quả, công ty hợp nhất sẽ được niêm yết vào cuối năm nay.
Theo Financial Times, rất nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á trong phạm vi quy mô 500 triệu USD đến 1 tỷ USD cũng có thể là ứng cử viên.
SPAC có thể đưa các công ty công nghệ ra đại chúng mà không cần thông qua quy trình IPO truyền thống. Ảnh: Nikkei. |
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn nghi ngại về định giá của các công ty công nghệ. Nhiều người cho rằng định giá 110 tỷ USD của Sea là quá cao. Grab, Gojek và Tokopedia cũng nằm trong số những công ty công nghệ tư nhân được định giá cao nhất khu vực. Cả ba đều chưa có lãi.
Dù vậy, điều này không cản được sự quan tâm của các tên tuổi lớn. Tỷ phú Thung lũng Silicon Peter Thiel và doanh nhân Hong Kong Richard Li đã khởi động hai SPAC công nghệ Đông Nam Á kể từ tháng 10. Tokopedia được cho là một trong những mục tiêu của họ.
"Vào thời điểm này năm sau, Grab và Sea có thể chỉ là hai trong số nhiều lựa chọn khác nhau cho các nhà đầu tư cạnh tranh để tiếp cận với sự tăng trưởng Internet của Đông Nam Á", cây bút của Financial Times viết.