Ngày 29/7 (rạng sáng 30/7 giờ Việt Nam), sự chú ý của cộng đồng công nghệ sẽ đổ dồn về phiên họp điều trần của “Big Four” - 4 công ty công nghệ có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ là Apple, Amazon, Facebook và Google. Buổi điều trần sẽ xoay quanh vấn đề chống độc quyền của các tập đoàn công nghệ lớn.
Phiên điều trần đã được Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ xếp lịch vào ngày 27/7, tuy nhiên phải dời lại để tránh ảnh hưởng tới hoạt động tưởng niệm cựu Hạ nghị sĩ John Lewis.
Đây là sự kiện hiếm hoi dự kiến quy tụ những gương mặt quyền lực nhất trong ngành công nghệ như CEO Apple Tim Cook, CEO Facebook Mark Zuckerberg, CEO Amazon Jeff Bezos và CEO Google Sundar Pichai.
Quá nhiều vấn đề cần giải quyết trong một buổi họp
“Phiên điều trần được tổ chức về vấn đề chống độc quyền. Tuy nhiên, những thắc mắc về can thiệp vào kết quả bầu cử hay chống tin tức giả cũng sẽ được thảo luận”, Doug Gansler, cựu Tổng chưởng lý bang Maryland và Chủ tịch Hiệp hội luật sư quốc gia nói với The Street.
Mục đích của buổi điều trần là kiểm tra xem liệu 4 công ty công nghệ trên có sử dụng những cách thức đặc biệt nhằm loại bỏ các đối thủ nhỏ và chiếm giữ vị thế độc quyền trên thị trường hay không.
CEO của 4 công ty công nghệ có sức ảnh hưởng nhất tại Mỹ sẽ có mặt tại phiên điều trần. Ảnh: Shutterstock. |
Cụ thể, Apple sẽ phải trả lời những câu hỏi xung quanh tới sự độc quyền quản lý App Store và thu phí tới 30% đối với các nhà sản xuất ứng dụng.
CEO của Amazon sẽ phải đối mặt với những câu hỏi lớn về việc ra mắt những sản phẩm riêng mang thương hiệu Amazon và tự do phát hành trên trang thương mại điện tử của họ. Ngoài ra, Bezos cũng sẽ phải trả lời về cáo buộc sử dụng dữ liệu người dùng và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu.
Trong khi đó, Facebook và Google sẽ phải trình bày về cách họ phân phối nội dung thù địch, sai sự thật và các chính sách về dữ liệu người dùng. 2 công ty này cũng phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng về việc độc quyền phân phối quảng cáo, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các công ty sản xuất nội dung khác.
Sự xuất hiện cùng lúc của 4 CEO từ các công ty công nghệ hàng đầu có thể thu hút rất nhiều sự chú ý từ truyền thông. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của buổi điều trần.
"Họ là những người đứng đầu mỗi tổ chức, họ đã được đào tạo để nói những thứ nên nói. Các nhà lập pháp sẽ khó khăn trong việc tổng kết ra một quy định chung vì đây là 4 công ty rất khác nhau nên tác động về sự độc quyền cũng rất khác", Gansler nhận định.
Sức mạnh đang nghiêng về các "big tech"
Theo số liệu của Business Insider ghi nhận vào tháng 1/2020, công ty mẹ của Google là Alphabet được định giá 1.000 tỷ USD, bằng với mức vốn hóa thị trường của Apple. Trong khi đó, Amazon có tổng vốn hóa thị trường 930 tỷ USD và Facebook khoảng 630 tỷ USD.
Với thống kê từ đầu năm, phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện đang cố gắng xử lý cùng lúc 4 công ty có vốn hóa thị trường hơn 3.560 tỷ USD.
Theo Washington Post, các công ty công nghệ lớn đủ khả năng xây dựng một thị trường độc quyền mà ở đó họ sẽ dùng năng lực tài chính để "đàn áp" các doanh nghiệp nhỏ. Sự cạnh tranh không công bằng đã làm giảm số lượng các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế, tác động đến sự phát triển của cả ngành.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải thực hiện chính sách sa thải nhân sự để cắt giảm chi tiêu. Theo số liệu của công ty nghiên cứu Layoffs.fyi, hơn 30.000 nhân sự đã bị sa thải từ 250 startup tại Mỹ, tính tới ngày 11/3.
Khác với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ, Facebook cho biết công ty sẽ tạo ra hơn 10.000 công việc kỹ sư trong năm 2020. Ngày 24/7, Amazon thông báo họ đang có đợt tuyển dụng lớn nhất trong năm với hơn 175.000 vị trí.
"Chúng ta đang có 2 nước Mỹ, các công ty công nghệ lớn và những người còn lại. Họ có thể làm những thứ mà rất ít doanh nghiệp khác có thể làm", Scott Galloway, giáo sư kinh tế tại Đại học New York nói về 4 công ty Amazon, Apple, Facebook và Google.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện đang cố gắng xử lý cùng lúc 4 công ty có vốn hóa thị trường hơn 3.630 tỷ USD. Ảnh: WSJ. |
Theo The Times, cuộc điều tra của quốc hội đã trải qua 8 cuộc thảo luận, 93 văn bản yêu cầu cung cấp thông tin với sự góp mặt của 43 chuyên gia để làm chứng và 5 phiên điều trần.
"Rất nhiều người trên thế giới đang theo dõi cách những nhà lập pháp Mỹ đối phó với các công ty công nghệ", David Cicilline, một thành viên của Đảng Dân chủ cho biết.
"Đây là sự kiện quan trọng chống lại sự độc quyền kéo dài trong 50 năm nay, chúng tôi vẫn chưa thể kết luận chính xác về kết quả trước khi các nhà lập pháp ra quyết định", Cicilline nói thêm.