Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, Giờ trái đất 2020 được tổ chức trực tuyến thay vì các sự kiện hưởng ứng với nhiều người tham gia. Tuy nhiên, Ban tổ chức cho biết chiến dịch này vẫn được đông đảo người dân, doanh nghiệp ủng hộ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin trong một giờ tắt đèn (từ 20h30 đến 21h30 ngày 28/3), cả nước đã tiết kiệm được 436.000 kWh điện, tương đương khoảng 812,9 triệu đồng. Sản lượng điện tiết kiệm được trong năm 2018 và 2019 lần lượt là 485.000 kWh và 492.000 kWh.
Đường Đinh Tiên Hoàng chỉ được chiếu sáng bằng đèn của phương tiện giao thông. Ảnh: Việt Hùng. |
Ghi nhận của Zing.vn vào Giờ trái đất năm nay tại Hà Nội, các dịch vụ không cần thiết đều đóng cửa, cửa hàng đã ngừng kinh doanh nên việc tắt đèn càng khiến phố phường chìm vào bóng tối. Một số đoạn đường chỉ được chiếu sáng bằng đèn của phương tiện giao thông.
Người dân cũng hạn chế ra đường để tránh dịch bệnh lây lan.
Chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam được tổ chức từ năm 2009. Giờ trái đất năm nay do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Với chủ đề “Mất đa dạng sinh học”, Giờ trái đất 2020 báo động về tình trạng suy kiệt các nguồn tài nguyên, thay đổi các môi trường sống trên trái đất đã gây ra sự mất đa dạng sinh học trên diện rộng; tiêu dùng gia tăng chưa từng có, dẫn đến gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng năng lượng, đất, nước...
Qua đó, chương trình kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng hành động để góp phần thúc đẩy những sáng kiến thay đổi hành vi tiêu dùng như tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng đồ nhựa, nói không với tiêu thụ động vật hoang dã,... chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.