Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giỗ Tổ năm đầu độc lập: Dâng bản đồ Việt Nam thống nhất lên ban thờ Tổ

Việc làm này không chỉ thể hiện chí nguyện vì một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất mà còn là nhiệm vụ của chính quyền các cấp và của quốc dân đồng bào.

Từ lâu, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng - những người có công dựng nước - được các thế hệ người Việt thường xuyên duy trì và được các triều đại quân chủ chăm lo, hương khói. Tuy nhiên, cũng phải đến năm Khải Định thứ 2 (1917) thì ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm - mới được chính thức hóa bằng luật pháp.

Gio To Hung Vuong anh 1
Khung cảnh nhộn nhịp tại cổng đền Hùng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương, năm 1920. Ảnh tư liệu.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách từ giặc nội xâm và giặc ngoại xâm, nhưng Nhà nước Việt Nam mới với chính thể Dân chủ Cộng hòa vẫn đặc biệt quan tâm tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với những nghi thức trang nghiêm. Việc làm này không chỉ nhằm nêu ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ, mà còn thể hiện chí nguyện vì một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và nhiệm vụ của chính quyền cùng với quốc dân đồng bào vì chí nguyện đó. Những tư liệu báo chí đương thời (nhất là báo Cứu quốc) phản ánh tương đối rõ nét điều này.

Tuy nhiên, trước khi đề cập những tư liệu báo chí nêu trên, cũng cần nhắc tới việc Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc được quy định tại Sắc lệnh số 22/SL - CTN, ngày 18/2/1946, có tiếp ký của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Nội dung Sắc lệnh như sau:

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo; sau khi Hội đồng Chính phủ đã thỏa hiệp, ra sắc lệnh: Điều 1: Những ngày Tết, Kỷ niệm lịch sử và tôn giáo ấn định trong bảng theo sắc lệnh này sẽ được coi là ngày Lễ chính thức. Trong những ngày ấy, các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa và sẽ cử nhân viên để phụ trách công việc thường trực”; Điều 2: Trong ngày nghỉ lễ “những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương”; Điều 3: Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch các Ủy ban hành chính Bắc, Trung, Nam Kỳ phụ trách thi hành sắc lệnh này”.

Gio To Hung Vuong anh 2
Sắc lệnh số 22/SL – CTN, ngày 18/2/1946. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Theo các bài đăng trên báo Cứu quốc, số 213 ra ngày 12/4/1946 và số 214, ra ngày 13/4/1946, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm đầu độc lập được Trung ương tổ chức tại hai địa điểm Hà Nội và Đền Hùng.

Trong bài Toàn quốc nhớ ơn Tổ: Lễ kỷ niệm Đức Hùng Vương, PV báo Cứu quốc cho biết, ngày 11/4/1946 (Âm lịch: 10/03/1946 - Ngày Ất Mão, tháng Nhâm Thìn, năm Bính Tuất), Lễ Giỗ Tổ được tổ chức trang nghiêm tại Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa) với hàng vạn người (thành hàng lối, nghiêm chỉnh) tham gia (báo Độc lập, phát hành 5h chiều ngày 12/4/1946 cũng đưa thông tin về buổi lễ này).

Bàn thờ thiết lập ở giữa bãi. Một tấm bài vị đề một hàng chữ “Hùng vương khai quốc”. Quanh đài, cờ ngũ hành, đồ lộ bộ bày xen lẫn với cờ đỏ sao vàng. Hơn 4 giờ (chiều), Hồ Chủ tịch đến với nhiều nhân viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội. Sau lễ chào cờ, một hồi trống nổi lên, Hồ Chủ tịch lên đài, thắp hương. Một đại biểu Quốc hội và một đại biểu Trung - Nam bộ nối tiếp nhau nói với công chúng về ý nghĩa ngày Giỗ Tổ, về nhiệm vụ của con cháu Hùng Vương (khi đó). Sau đó, toàn thể người tham dự hô vang 2 khẩu hiệu của buổi Lễ: “Trung - Nam - Bắc thống nhất” và “Toàn dân đoàn kết”.

Trong bài Ngày giỗ Tổ tại Đền Hùng, PV báo Cứu quốc cho biết ngày Giỗ Tổ năm nay (1946) được tổ chức trong toàn cõi Việt Nam, tỉnh nào cũng làm lễ long trọng và phần nhiều theo một nghi thức mới. Tại đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi có lăng tẩm của ngài, ngày hội cũng khác mọi năm nhiều.

Gio To Hung Vuong anh 3

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố và ông Nguyễn Xiển tại Phú Thọ (1946). Nguồn: Ảnh tư liệu Kiều Mai Sơn cung cấp.

Cờ đỏ sao vàng, phòng triển lãm tranh ảnh chiến tranh và nạn chống mù chữ, những gian hàng sách và rất nhiều khẩu hiệu: Việt Nam thống nhất, Tổ quốc muôn năm, sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh Hồ Chủ tịch… treo ngang khắp các ngả đường từ chân núi lên đỉnh núi.

Ngày mùng 9 (11/4/1946), đoàn đại biểu Quốc hội và Chính phủ lên tới nơi. Một lễ mít tinh được tổ chức dưới chân núi với sự tham gia của hàng vạn người. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội lên diễn đàn nói về ý nghĩa của Giỗ Tổ và hô hào nhân dân đoàn kết, thống nhất, ông Nguyễn Xiển, Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ hô hào nhân dân toàn tỉnh tham gia việc sửa chữa đê điều, nhất là quãng đê ở Lâm Thao, Hà Kỳ yêu cầu phải có sự nỗ lực cả Chính phủ mới có thể ngăn được sức nước đe dọa.

Sáng ngày mùng 10, ngày chính giỗ, lễ rước, lễ quốc tế được cử hành long trọng với sự tham gia của đại diện Chính phủ và Quốc hội (dù chưa thực sự đượm một tinh thần của một nước Việt Nam mới).

Đề cập điểm nhấn (quan trọng nhất của nghi lễ quốc tế), PV báo Cứu quốc cho biết: Trước bàn thờ Tổ quốc trên đỉnh núi cao, bốn bề cây cối âm u từ đền trung lên đền thượng, cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Chủ tịch Thường trực Quốc hội và ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ làm bồi tế. Nhưng trong nghi lễ này, ta nhận được cử chỉ rất ý nghĩa là đại biểu Chính phủ và Quốc hội dâng bức bản đồ Việt Nam thống nhất Bắc - Trung - Nam và lá cờ đỏ sao vàng lên ban thờ Tổ quốc làm cho mọi người tràn ngập một ý nghĩ thiêng liêng về đất nước. Và có lẽ ai cũng thề nguyền: Quyết giữ vững non sông, bảo vệ ngọn cờ.

O chu ngay ca hinh anh

Ô chữ ngày cá

0

Tại Lễ Tạ ơn năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ân xá cho Bread và Butter để chúng không trở thành món ăn trong ngày lễ. Hai con vật đó là? 

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm