"Tồi tệ, tồi tệ và tồi tệ. Đó là tất cả từ ngữ có thể dùng để mô tả đợt bán tháo khủng khiếp trên thị trường chứng khoán ngày 3/9 (theo giờ Mỹ)", ông Neil Wilson, Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com (London) trả lời Zing.
Trong hai phiên giao dịch ngày 3 và 4/9, các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu công nghệ khiến chỉ số chứng khoán Phố Wall lao dốc. Nhóm cổ phiếu của những đại gia công nghệ như Apple, Microsoft, Amazon, Tesla và Nvidia sụt giảm rất mạnh.
Nền kinh tế gượng dậy
"Tệ hại cũng là từ ngữ để mô tả tình trạng chung của nền kinh tế và chính trị Mỹ. Cuộc chiến giành ghế vào Nhà Trắng đang xấu đi, kéo theo những tác động đến thị trường khi niềm tin bị xói mòn", ông Neil Wilson nhận định.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn tăng cao. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, tổng số người yêu cầu hỗ trợ ở tất cả chương trình trợ cấp trong tuần 8-15/8 là 29,2 triệu người, tăng 2,2 triệu người so với tuần trước đó. Theo ông Wilson, nền kinh tế Anh cũng không khá khẩm hơn với làn sóng thất nghiệp sắp ập đến.
"Khi cuộc khủng hoảng diễn ra, những gì mà các ngân hàng trung ương có thể làm là thổi phồng bong bóng hơn nữa", vị chuyên gia tại Markets.com bình luận.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Đợt bán tháo ồ ạt hôm 3 và 4/9 là hệ quả của việc mua vào quá nhiều số ít cổ phiếu trong một thời gian ngắn. Các nhà đầu cơ đua nhau đổ tiền vào thị trường trong khi số lượng cổ phiếu trên sàn ngày một ít đi.
"Sự biến động lớn vừa qua cho chúng ta thấy rằng mọi thứ đang không ổn. Gió đã đổi chiều", ông Wilson bình luận.
Chỉ trước đó một ngày, hôm 2/9, S&P 500 tăng phiên thứ 9 trong 10 phiên gần nhất, còn Nasdaq có thời điểm cao hơn 23% so với mức đỉnh trước khi đại dịch bùng phát. Nguyên nhân chủ yếu là sự hỗ trợ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trong khi đó, giới chức trách Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng tài khóa và mở rộng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Hồi cuối tháng 8, Chủ tịch FED Jerome Powell thông báo điều chỉnh chính sách để hướng đến mục tiêu lạm phát 2% trong Hội nghị chuyên đề Jackson Hole. Mục đích là hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và gia tăng việc làm.
Lạm phát hay giảm phát?
Theo ông Rick Rule, Chủ tịch Sprott U.S., để hỗ trợ nền kinh tế, Mỹ buộc phải duy trì lãi suất thấp và từ đó đẩy giá vàng lên cao hơn. "Lãi suất âm thực chất là một cuộc chiến với những người tiết kiệm", ông bình luận.
Theo vị chủ tịch của Sprott U.S., lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sẽ có một cái giá phải trả trong dài hạn khi bơm quá nhiều vốn vào thị trường. Ông dự đoán cuộc chiến này có thể đẩy giá vàng lên mức cao hơn nhiều so với ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra, những gì mà các ngân hàng trung ương có thể làm là thổi phồng bong bóng hơn nữa.
- Neil Wilson (Markets.com)
Kitco News đã thực hiện một cuộc thăm dò với các độc giả và chuyên gia về việc liệu nền kinh tế sẽ trải qua lạm phát hay giảm phát trong vòng 12 đến 18 tháng tới. 2.044 trên tổng số 2.837 độc giả, tương đương 72%, bỏ phiếu cho lạm phát.
Các chuyên gia được khảo sát cũng nghiêng nhiều hơn về phía lạm phát. Trong số 26 nhà kinh tế và chuyên gia phân tích, chỉ có 5 người, tức 19%, cho rằng giảm phát sẽ xảy ra vào những năm tới.
Đa số chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ xảy ra vào 12 đến 18 tháng tới. Ảnh: Kitco News. |
Đối với các nhà đầu tư vào kim loại quý, tầm quan trọng của lạm phát nằm ở mối tương quan chặt chẽ với giá vàng. Từ năm 1990 đến nay, lạm phát cao hơn và đà tăng của giá vàng có mối quan hệ tích cực. Theo giới phân tích, lạm phát tăng làm giảm lãi suất thực, điều này giúp thúc đẩy những tài sản an toàn như vàng.
Đầu tháng 8, giá vàng chạm ngưỡng cao kỷ lục 2.075 USD/ounce. Đây cũng là thời điểm lãi suất thực giảm xuống dưới âm 1%, mức thấp nhất trong lịch sử.
Cuộc suy thoái đầu năm nay ban đầu đã đẩy giá cả vào tình trạng giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên đến nay, giá cả tăng trở lại. Trong tháng 7 qua, CPI tăng cao hơn một năm trước đó 0,6%.
Giá năng lượng tiếp tục giảm do nhu cầu di chuyển và sản xuất lao dốc. Chỉ số giá đối với các mặt hàng năng lượng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7. Nếu loại trừ nhóm lương thực và năng lượng, CPI vẫn được duy trì ở mức tăng trưởng dương. Tỷ lệ tăng so với năm ngoái lên đến 1,6%.
Sean Fieler, CIO của Equinox Partners, cho rằng lạm phát sẽ tăng cao hơn trong dài hạn. "Tôi nghĩ FED đã khá rõ ràng về việc muốn tỷ lệ lạm phát cao hơn", ông bình luận.
Các chuyên gia tranh cãi nền kinh tế sẽ phải đối mặt với lạm phát hay giảm phát. Ảnh: Kitco News. |
Trong khi đó, ông Peter Schiff, CEO của Euro Pacific Capital, cho rằng lạm phát thực chất đã hiện diện. "Giá cả sẽ tăng đáng kể vì đồng USD còn tiếp tục được in thêm cho đến khi không còn giá trị nữa", ông bình luận.
Ở chiều ngược lại, tác giả Jim Rickards cho rằng dù FED muốn lạm phát tăng cao nhưng chính sách tiền tệ đã và sẽ tiếp tục thất bại trong việc đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn nữa.
"Tôi đồng ý với ông Peter rằng FED muốn lạm phát, nhưng họ không biết làm thế nào để đạt được nó. Họ đã không làm được trong suốt 12 năm qua", ông Rickards nhấn mạnh. Theo ông, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế vào thời điểm hiện tại là giảm phát.
Đồng quan điểm, ông Joe Foster, Giám đốc danh mục đầu tư của VanEck International Investors Gold Fund, cũng nhận thấy giá sẽ giảm trong ngắn hạn. "Trong vòng 12 đến 18 tháng tới, tôi cho rằng nền kinh tế có nhiều khả năng ở trong một môi trường giảm phát. Nếu xảy ra lạm phát, cũng phải đợi hai đến ba năm nữa".