Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giật mình với màu sơn của Bưu điện TP.HCM

Câu chuyện tòa nhà Bưu điện TP.HCM bị phủ lên màu vàng chói của “ngành bưu điện” đang vấp phải sự phản ứng của dư luận và giới chuyên môn.

Nhiều người cho rằng “dung nhan” hiện tại của Bưu điện TP.HCM cho thấy cách đối xử thiếu tính toán với công trình trên 100 năm tuổi gắn liền với bao thế hệ người dân thành phố.

Dường như những giải thích của Bưu điện TP.HCM về việc phủ màu sơn vàng chói lên tòa nhà Bưu điện TP.HCM (được xây dựng từ năm 1891) rằng “tiếp xúc với gió, ánh sáng màu sẽ dịu đi” và đây là “màu gốc”, “màu của ngành bưu điện”... chỉ làm những người quan tâm tòa nhà này thêm... bất bình.

Tòa nhà Bưu điện TP.HCM - công trình trên 100 năm tuổi gắn với bao thế hệ người dân thành phố - không nhận được sự đồng tình của nhiều người trong giới mỹ thuật, kiến trúc về màu sơn mới.

"Trước đây, khi xây dựng các công trình quan trọng, người Pháp cũng cân nhắc màu sơn: sang trọng và không lòe loẹt. Màu sơn từng được sử dụng cho tòa nhà bưu điện là màu vàng đất pha một tí trắng và dằn một ít màu đen, cho nên màu ấy không “bốc”, họa sĩ Uyên Huy (chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM).

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới - người có thâm niên hàng chục năm làm công tác bảo tồn bảo tàng, nói thẳng: “Nếu nói theo mưa, gió màu sẽ dịu đi, trở về như màu gốc là ngụy biện. Không thể nói màu sơn này có thể trở về đúng với màu sơn đầu tiên”.

Nhiều người trong giới kiến trúc sư (KTS) cũng khẳng định màu sơn mới của tòa nhà Bưu điện TP.HCM là “không thể chấp nhận được”. KTS Nguyễn Trường Lưu - Phó chủ tịch Hội KTS TP.HCM, vừa gặp đã chia sẻ ngay rằng những ngày này các KTS ông quen biết ai cũng tỏ ra “bị ức chế” với màu sơn mới của tòa nhà Bưu điện TP.HCM.

“Nhìn màu sơn đó anh em rất bức xúc. Nó không ổn, không “ăn” gì được với kiến trúc của Bưu điện TP, không giống như cách người ta hình dung về những tòa nhà cổ thời Pháp thuộc”, KTS Nguyễn Trường Lưu nói.

Cũng theo KTS Nguyễn Trường Lưu, lời giải thích với báo chí của Bưu điện TP.HCM rằng sau nắng, gió thì màu sơn sẽ dịu lại như màu gốc không có cơ sở để thuyết phục.

Theo phân tích của ông, những tòa nhà từ thời Pháp thuộc được quét vôi màu vàng đất để “ăn” với những cửa gỗ màu xanh. Còn màu sơn hiện tại của tòa nhà chỉ có thể bạc đi, chứ không thể trở về màu gốc vàng đất nguyên bản được.

KTS Lưu tiếp tục phân tích vôi là chất liệu không có độ bóng, chính điều đó tạo nên vẻ thâm trầm của các tòa nhà cổ. Khi trùng tu, chủ công trình có thể đặt riêng hãng sơn loại sơn phù hợp với các công trình kiến trúc cổ này, thay vì các loại sơn có độ chói của ngày nay.

Bưu điện Thành phố vào năm 2004.

Nhưng Bưu điện TP.HCM đã không làm điều đó. Về kinh nghiệm này, ông cho rằng các tòa nhà thời Pháp thuộc ở Hà Nội được trùng tu tốt hơn ở TP. HCM.

Những ý kiến rằng tòa nhà Bưu điện TP.HCM không phải là di tích, nên chủ quản là Bưu điện TP.HCM có toàn quyền sửa chữa, và màu vàng được sử dụng là màu của ngành bưu điện... bị KTS Lưu phản bác. Ông dẫn ra các tòa nhà bưu điện khác chỉ ốp đá, sử dụng nhôm... đâu phải sơn màu ngành bưu điện?

Hơn nữa, Bưu điện TP.HCM nằm ngay trung tâm TP, đối diện nhà thờ Đức Bà. Những kiến trúc, màu sắc phải hài hòa với không gian trung tâm. Khi xây tòa nhà Metropolitan năm 1995, Hội đồng KTS trưởng TP.HCM yêu cầu hình khối, màu sắc tòa nhà phải hợp không gian kiến trúc xung quanh.

Hay tòa nhà Diamond Plaza xây năm 1999, Hội đồng KTS trưởng yêu cầu bắt buộc phải giữ lại kiểu kiến trúc phần đế của tòa nhà cũ. Tuy tòa nhà Bưu điện TP.HCM chưa được xếp loại di tích, nhưng thông báo số 46/TB-UB-QLĐT ngày 17/5/1996 về việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP.HCM, tòa nhà Bưu điện TP được xếp thứ 20;

Và trong QĐ 5360/QĐ-UBND ngày 25/11/2010 của UBND TP.HCM về việc kiểm tra di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP, tòa nhà Bưu điện TP.HCM được xếp vào hạng mục làm hồ sơ xét duyệt di tích cấp quốc gia. Dẫn ra những văn bản đó, KTS Lưu khẳng định: “Họ không thể nói của tôi thì tôi muốn sơn gì là sơn được!”.

Màu vàng nhạt trước đây của tòa nhà Bưu điện Thành phố (chụp năm 2002).

Nhìn tòa nhà Bưu điện TP.HCM nằm ngay trung tâm TP, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, thu hút bao nhiêu du khách quốc tế đến tham quan nay khoác chiếc áo bóng bẩy, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cảm khái: “Đừng để TP chúng ta có nhiều “công trình giật mình”, nghĩa là khi xảy ra chuyện mới giật mình vì trình độ thẩm mỹ hay tình trạng bảo tồn còn quá kém!”.

Bưu điện TP “không chế ra màu sơn mới”

Giải thích về màu sơn hiện nay của tòa nhà Bưu điện trung tâm TP.HCM, ông Lê Kiêm Hòa - Trưởng phòng đầu tư Bưu điện TP.HCM cho biết bưu điện chỉ khôi phục hiện trạng cũ, màu sơn cũ chứ không “chế” ra màu sơn mới.

Màu ban đầu của bưu điện là màu “vàng pha” nhưng trải qua hơn 120 năm đã ngả ra màu hồng mà người dân thường thấy. Hiện giờ có một số điểm chưa sơn vẫn còn màu vàng do chưa tiếp xúc với ánh mặt trời.

Theo ông Hòa, Bưu điện TP coi đây là một công trình văn hóa quan trọng nên khâu khảo sát, chuẩn bị rất kỹ lưỡng và cố gắng bảo tồn từng chút một. Đơn vị thi công là một công ty chuyên nghiệp đã đến cạo lớp sơn cũ ra phân tích, “bắn” màu ra bảy màu sắc, sau đó mới chọn màu phù hợp nhất.

“Màu sắc xấu hay đẹp là do con mắt thẩm mỹ của mỗi người, hơn nữa người dân đã quen với màu hồng cũ của bưu điện, cái gì người ta quen thì người ta thấy đẹp. Màu sơn mới ban đầu là như vậy, nhưng sau một thời gian trả về màu tự nhiên thì sẽ hài hòa. Màu của Phủ chủ tịch hiện cũng giống như vậy”, ông Hòa giải thích.

Ông Hòa cũng cho biết thêm sơn lại màu chỉ là một hạng mục trong việc cải tạo, sửa chữa công trình bưu điện mà chủ yếu là chống dột, chống thấm, thay ngói, thay gỗ.

Khi đục ra, nhiều vị trí gạch vữa đã mục hết, đơn vị thi công phải gia cố. Công trình này được một công ty của Pháp hoàn tất thi công vào năm 1891 và từ lúc xây dựng đến nay chưa được trùng tu. Vào thời điểm 100 năm lịch sử của tòa nhà (năm 1991), công ty tại Pháp gửi một thông báo cho biết tòa nhà đã hết hạn bảo hành.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150106/giat-minh-voi-mau-son-cua-buu-dien-tp/695133.html

Theo Q.Thi - Vũ Thủy/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm