Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giao xe cho bên thứ ba, có chuyện gì thì ai đền?

Nhiều người vẫn thắc mắc trường hợp đưa xe vào garage để sữa chữa, bảo dưỡng, tức giao tài sản cho bên thứ ba, khi xảy ra sự cố ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Vụ cháy tại một garage ôtô với nhiều chiếc xe đắt tiền vào những ngày cuối năm làm nhiều người xót xa vì “sao sắp hết năm rồi còn xui rủi quá”.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cầu mong các bên như chủ garage, chủ xe có mua bảo hiểm để được bồi thường.

Về vấn đề bồi thường, nhiều câu hỏi được đặt ra như khi chủ xe giao xe cho bên thứ ba (là garage bảo dưỡng, sữa chữa) thì khi xe bị cháy, bảo hiểm có bồi thường hay không? Căn cứ vào đâu để xác định mức bồi thường?

Trách nhiệm của chủ garage trong trường hợp nguyên nhân cháy do khách quan ra sao, do chủ quan thì thế nào?

Chủ xe bị thiệt hại cần làm gì để việc bồi thường được nhanh chóng, thuận lợi?

Giao xe cho bên thứ ba, có được bảo hiểm bồi thường?

Tiến sĩ (TS), luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết khi chủ xe đã đưa xe vào garage để sữa chữa, bảo dưỡng thì chủ garage xe có trách nhiệm bảo toàn tài sản cho chủ xe.

LS Hoàng Thái Long (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng việc bồi thường phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân gây ra sự cố cháy nổ này.

Một chiếc xe bị hư hại gần như hoàn toàn trong vụ cháy ngày 30/1.

“Trong vấn đề bảo hiểm xe, thường những nguyên nhân như đang lưu thông mà xảy ra cháy ngoài ý muốn, nguyên nhân khách quan… thì cơ quan bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả theo những điều khoản quy định trong hợp đồng đã thỏa thuận giữa hai bên”, LS Hoàng Thái Long nói.

Trường hợp người chủ xe có mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm dân sự, bảo hiểm vật chất thì căn cứ vào hợp đồng của chủ xe và đơn vị bảo hiểm để xác định có được bồi thường hay không.

“Nếu trong hợp đồng quy định rõ trường hợp giao xe cho bên thứ ba mà xảy ra sự cố vẫn được bồi thường thì công ty bảo hiểm sẽ tiến hành chi trả cho khách hàng. Luật bảo hiểm điều chỉnh trong trường hợp này và quy định đó là sự thỏa thuận giữa các bên khi mua – bán bảo hiểm”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng sau khi tìm được chính xác nguyên nhân gây cháy nổ thì chủ xe phải lập tức liên hệ với cơ quan bảo hiểm của mình để tìm hướng giải quyết phù hợp theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết.

Nếu nguyên nhân chủ quan, chủ garage chịu trách nhiệm gì?

LS Nguyễn Đức Chánh nhận định khi chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp của các xe trên gửi vào garage và garage này đã nhận giữ xe thì giữa các bên đã giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản theo điều 559 BLDS.

Đối với ôtô đang sửa chữa mà xảy ra cháy nổ thì chủ garage hoặc doanh nghiệp sở hữu garage phải bồi thường cho chủ ôtô theo Điều 622 BLDS 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra hoặc theo Điều 618 BLDS 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. 

LS Nguyễn Đức Chánh

“Nếu nguyên nhân chủ quan do chủ garage xe không đảm bảo vấn đề an toàn cháy nổ khi hành nghề dẫn đến hư hại xe của khách và chủ garage cũng không tham gia bảo hiểm thì đương nhiên vấn đề bồi thường thiệt hại cho chủ xe thuộc trách nhiệm của chủ garage”, LS Hoàng Thái Long nói.

Bổ sung thêm, LS Nguyễn Đức Chánh cho rằng trong trường hợp xảy ra cháy xe mà không phải là do có người cố ý gây ra (như cố ý phóng hỏa,…) thì việc chủ garage bồi thường một phần hoặc toàn bộ phụ thuộc vào việc chủ garage này có mua bảo hiểm cháy nổ trong hoạt động kinh doanh của mình hay không.

“Nếu chủ garage có mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thiệt hại tài sản thì phần bồi thường (nếu có) sẽ tương xứng với số tiền mà đơn vị này bỏ ra để mua bảo hiểm”, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết.

Thêm nữa, nếu chủ xe có mua bảo hiểm cháy nổ thì trách nhiệm bồi thường chính là bên bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu số tiền bảo hiểm chi trả không đủ bồi thường cho chủ xe thì chủ garage có trách nhiệm chi trả phần còn lại. 

Nếu chủ xe không mua bảo hiểm cháy nổ thì chủ garage phải bồi thường thiệt hại theo khoản 4, Điều 562 BLDS cho các chủ xe, người đã gửi tài sản, LS Nguyễn Đức Chánh nói.

Theo LS Nguyễn Đức Chánh, trong trường hợp xảy ra cháy nổ thì trước tiên các bên cần xác định thiệt hại của mình. Nếu có mua bảo hiểm thì liên hệ, làm việc với doanh nghiệp bảo hiểm để xác định phạm vi, trách nhiệm bảo hiểm.

Nếu thiệt hại vượt quá số tiền bảo hiểm hoặc không có bảo hiểm, chủ xe và chủ gara nên thương lượng với nhau về mức bồi thường, phương thức thanh toán...

Khi thương lượng bất thành thì chủ xe có quyền khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình theo quy định của BLDS.

Anh: 65% vụ cháy xe hơi do cố ý

Mỗi năm ở Anh có đến hơn 100.000 vụ cháy xe hơi, tương đương 300 vụ mỗi ngày khiến khoảng 100 người chết. 65% trong số này là cháy do cố ý, để che giấu tội ác, lấy tiền bảo hiểm hay phá hoại tài sản.

Cháy xe hơi thường có các kiểu: cháy do cố ý, cháy trong garage, cháy động cơ và cháy do tai nạn giao thông. Trong đó, cháy xe trong garage không chỉ gây thiệt hại cho xe mà còn thiệt hại cả vật dụng trong nhà.

Nếu xe bị cháy trong garage, chủ xe chỉ có thể được bồi thường bởi bảo hiểm ôtô toàn diện. Bảo hiểm nhà ở không bồi thường cho khoản này.

Trong một số trường hợp, bảo hiểm nhà ở vẫn chi trả cho trường hợp cháy xe trong garage, ví dụ như cháy toàn bộ ngôi nhà. Tuy nhiên, nếu gặp bất kỳ vấn đề gì với xe hơi thì đại lý bảo hiểm xe vẫn là nơi nên liên hệ trước.

Bên cạnh đó, bảo hiểm xe cộ sẽ trả đầy đủ hơn thiệt hại của chủ xe dù cho xe có bị cháy vì cháy nhà.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20160201/giao-xe-cho-ben-thu-ba-su-co-xay-ra-ai-boi-thuong/1047430.html

Theo Đặng Tươi - An Nhiên - Mai Nguyễn/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm