Giao tranh ác liệt tại Libya làm 16 người chết
Giao tranh giữa quân chính phủ và các chiến binh bộ tộc ở thị trấn Kufra, phía Nam Libya tiếp tục kéo dài sang ngày thứ 2 và làm ít nhất 16 người chết.
>>Libya bỏ tù 24 người nước ngoài vì giúp Gaddafi
>>Kẻ đánh bom máy bay sát hại 270 người qua đời ở Libya
>>NATO sát hại 72 thường dân trong các cuộc không kích ở Libya
>>Phát hiện xác cựu bộ trưởng dầu mỏ Libya trên sông Danube, Áo
Theo BBC, giao tranh bắt đầu từ ngày 9/6 và tiếp tục kéo sang ngày hôm qua. Trong số người chết có phụ nữ và trẻ em. Một số nguồn tin cho rằng, số người chết thực sự còn cao hơn.
Chính phủ Libya cho hay, giao tranh ở Kufra xảy ra khi một số thành viên của bộ tộc Toubou tấn công một trạm kiểm soát và cố gắng trộm một số phương tiện. Tuy nhiên, đại diện của bộ tộc Toubou lại nói rằng, họ bị lực lượng an ninh là lữ đoàn Derra tấn công và cáo buộc, lữ đoàn này đang cố tiêu diệt họ. Các vụ giao tranh giữa Toubou và quân chính phủ còn làm hàng chục người khác bị thương.
Nhiều cuộc giao tranh được cho là liên quan đến cuộc chiến lãnh thổ giữa các bộ tộc, nhằm kiểm soát một số tuyến đường buôn lậu vào thành phố. Một quan chức an ninh cho biết, nhiều cửa hàng và trường học ở Kufra đang bị đóng cửa, trong khi điện bị cắt.
Lữ đoàn Deraa là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Libya, có nhiệm vụ giám sát một thỏa thuận ngừng bắn lỏng lẻo được đưa ra đầu năm nay, sau các vụ giao tranh chết người trong thời gian đó giữa bộ tộc Toubou và một bộ tộc khác. Deraa được cử tới thị trấn Kufra, sau khi xảy ra cuộc chiến giữa bộ tộc Toubou va Zwei hồi tháng 2. Ngoài ra, thành viên của quân đội quốc gia đang đóng quân tại sân bay Kufra nhưng không tham gia các vụ giao tranh.
Giao tranh kéo sang ngày thứ 2 giữa quân chính phủ và các bộ tộc ở Kufra, Libya. |
Trong khi đó, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vừa xác nhận, một phái đoàn của tổ chức này đã đến Tripoli để đàm phán với chính quyền Libya và tổng công tố viên về việc thả người của ICC. Ngày 9/6, ICC nói rằng một nhóm gồm 4 người của cơ quan này bị giam giữ sau một cuộc gặp với Saif al-Gaddafi ngày 7/6 và kêu gọi việc phóng thích. Tuy nhiên, một phái viên của Liyba nói với AFP rằng, chỉ có 2 người đang bị giam, trong khi 2 người khác ở lại theo ý muốn của họ.
ICC muốn xét xử Saif al-Islam (39 tuổ), vì vai trò của ông ta trong một cuộc trấn áp biểu tình năm ngoái, mà sau đó dẫn đến viêc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Chính phủ lâm thời Libya đến nay vẫn từ chối giao Saif al-Islam để ICC đưa ra xét xử tại Hà Lan. Libya khăng khăng là ông ta phải bị xét xử tại một tòa án của nước này.
Hôm qua, các quan chức Libya nói rằng, cuộc bầu cử để chọn ra một hội đồng hiến pháp dự kiến ngày 29/6 đã bị hoãn và chuyển sang ngày 7/7, vì một số vấn đề hậu cần và kỹ thuật. Trong một cuộc họp báo, chủ tịch ủy ban bầu cử Libya cho hay, cuộc bầu cử chưa thể diễn ra đúng lịch vì thời gian chuẩn bị quá ngắn, đặc biệt là với đất nước chưa bầu cử trong gần nửa thế kỷ qua.
Bình An
Theo Infonet.vn