20 năm trước, bến Bình Đông (quận 8, TP.HCM) chỉ có cây cỏ. Muốn bán mai dịp Tết, những người trồng mai phải dẹp cỏ. Nhưng mai bên bến Bình Đông lại đắt hàng hơn những nơi khác bởi giá rẻ hơn, mà theo lời anh Duy nói là “giá ngon nhất”.
Những chiếc ghe xa xứ
Như một truyền thống, những người bán mai trên bến Bình Đông chủ yếu đến từ Bến Tre. Mỗi năm đợi nước lên, mai theo ghe về thành phố từ trước ngày cúng ông Công ông Táo. Mai Bến Tre trồng trong đất, hoa lớn nhưng cánh mỏng, nhuộm vàng một bến sông.
Anh Duy không nhớ hết tên những con sông, con lạch mà ghe anh đi qua. Chỉ nhớ từ Cái Mơn (Bến Tre) xe đi dọc sông Tiền, đi qua kênh nước mặn rồi vào sông Cần Giuộc, trôi về kênh Tân Hoá – Lò Gốm. Một hành trình dài 10 giờ đồng hồ nếu thuận nước. Gặp lúc không thuận, anh đi mất nửa ngày.
Những cây mai của người Bến Tre vẫn theo ghe về nhuộm vàng bến Bình Đông ngày giáp Tết. Ảnh: Hải An. |
Hỏi anh Duy có bao giờ nghĩ sẽ ở nhà đón Tết cùng vợ và con cho trọn vẹn. Anh nói bằng kiểu của người Bến Tre: “Mình ngồi nhà mà thấy người ta đi buôn bán thì 'nôn' lắm”. Vậy là cứ sau 20 tháng Chạp, anh với vợ xếp mai, cây cảnh lên ghe rồi đi. Tết của anh gói gọn trên bến Bình Đông này, 20 năm qua không đổi.
Với anh, cây mai hay các loại cây cảnh khác, nếu được đi bằng ghe, bằng thuyền sẽ đẹp hơn bằng xe ôtô. “Đi ghe thoải mái, có gió sông, có nắng trời mà không phải chèn ép gì nhiều”.
Anh Nguyễn Văn Duy đã có 20 năm ăn ngủ cùng mai trên bến Bình Đông ngày giáp Tết. Ảnh: Hải An. |
Có những năm hàng bán xong sớm, trưa 30 Tết hai vợ chồng thu dọn ra về. Nhưng năm nào bán hoa muộn, gần giao thừa mới nhổ neo. Vậy là 20 năm qua, anh đón giao thừa cùng chiếc ghe trôi trong đêm.
Về tới nhà, đã là ngày đầu tiên của năm mới. Vợ chồng anh vẫn làm mâm cúng đơn giản. “Quan trọng vẫn là chân thành, ông bà chứng cho cái tâm của mình có thật hay không”, anh nói.
Mùa mai thương nhớ trên bến Bình Đông
20 năm mang hoa từ Bến Tre về bến Bình Đông cũng là 20 năm anh Nguyễn Văn Duy đón giao thừa trên chiếc ghe đang xuôi dòng.
“Có bao giờ anh thấy chạnh lòng khi nhìn hai bên bờ rộn rã tiếng cười, đèn điện lấp lánh đêm giao thừa không?”, người viết đã hỏi như vậy trong lần gặp anh trên bến ngày giáp Tết.
Câu trả lời của anh Duy giản dị đến ngỡ ngàng: “Nếu có nhiêu đó mà nghĩ ngợi và chạnh lòng, thì lẽ nào mình sẽ chạnh lòng cả đời”. Người đàn ông xứ miệt vườn Bến Tre cười hiền trong cái nắng đầu mùa khô ở Sài Gòn.
Dĩ nhiên, anh nói, thi thoảng nhìn dòng người hối hả sắm Tết, nhìn cảnh đoàn viên, lòng có chút xao xuyến. Nhưng nếu không mang hoa về bến này ngày giáp Tết, anh cũng sẽ nhớ nó như một phần máu thịt của mình.
Rời bến Bình Đông vào chiều 30 Tết, khi về tới nhà cũng đã sang ngày đầu tiên của năm mới. Ảnh: Hải An. |
Anh nói chỉ cần vô tư, suy nghĩ đơn giản thôi thì sẽ sống vui vẻ. “Nghĩ tới ở nhà không buôn bán, không có tiền, Tết không dám đi ra đường còn thảm hơn. Mình đi buôn bán, cũng là ăn Tết với mọi người”.
Những ngày Tết, cô con gái 7 tuổi của anh Duy ở với ông bà nội. Vắng bố mẹ nhưng được các bác đưa đi chơi Tết. “Con nít mà, đi chơi là vui”, anh Duy kể.
Mua bán hên xui, bận rộn ngày Tết vẫn không thể khiến người đàn ông này bỏ chiếc ghe và những chuyến xuôi ngược. Anh nói cả đời anh chỉ thích đi ghe, hóng gió sông, dựa theo con nước mà đi hay ở. Dừng ghe ở bến Bình Đông cũng là duyên phận của anh. Tết không neo ghe ở bến là cuộc sống cũng buồn đi ít nhiều.
Sau rằm tháng Chạp, đứng tuốt lá mai, rồi đêm bê mai xuống ghe, bản thân anh cũng không biết năm nay sẽ lời hay lỗ. Nhưng thấy ghe từ Bến Tre cứ rần rần về phố, anh chẳng đành lòng ở nhà.
Năm nay, mai nở sớm. Chiều 30 Tết, mai cười rực rỡ trong nắng còn người bán thì "khóc". Những chiếc ghe chở đầy mai rời bến Bình Đông về quê. Tính theo giờ, có thể lúc cập bến thì đã sang một ngày mới. Vợ chồng anh Duy và những người đồng hương lại có thêm một giao thừa tĩnh lặng trên sông, dù Tết này là một mùa mai buồn.