Bố tớ thường nói: “Nếu không có mẹ, bố chắc chắn tiêu đời!” Bởi vì bố đãng trí nhất thế gian. Mỗi sáng trước khi đi làm, mẹ để sẵn ở trên bàn làm việc của bố đầy đủ các món: Ví, điện thoại, cục sạc, kính cận, chìa khóa xe, khẩu trang, nón bảo hiểm... để bố không bị trễ giờ làm vì lo đi tìm đồ.
Còn tớ là một cô bé bừa bộn. Mẹ bảo phòng của tớ nên có một tên gọi riêng, như Vương Quốc Bãi Rác chẳng hạn. Cái nhà này mà thiếu tay mẹ một ngày sẽ loạn lên mất.
Ấy thế mà đùng một cái, mẹ đi công tác nước ngoài một tuần liền. Ngày về đúng vào… mùng Một Tết. Bố con tớ lo xanh mặt. Mẹ thở hắt ra: “Việc gấp lắm, liên quan tới hợp đồng quan trọng của công ty, mẹ không thể không đi”.
Mẹ đi chợ mua đồ về sơ chế, đóng hộp, cất vào tủ lạnh. Bánh chưng, củ kiệu, mứt, trái cây thì mẹ đặt trước trên mạng, ngày cuối năm họ sẽ giao tận nhà. Quần áo của hai bố con được mẹ giặt ủi, treo sẵn trong tủ, đảm bảo đủ dùng một tuần. Nhà cửa mẹ đã hút bụi, lau sạch từng ngóc ngách. Cây cối ngoài ban công cũng được cắt tỉa gọn gàng...
Mẹ chuẩn bị gần như xong hết mọi thứ. Chỉ còn một việc không chuẩn bị trước được, đó là xếp đồ dùng cá nhân cho bố trước khi bố đi làm, vì đến ngày 29 Tết bố tớ mới được nghỉ. Mẹ giao nhiệm vụ này cho tớ. Mẹ thấy một người đàn ông mười tuổi (là tớ đây) còn đáng tin hơn cả một người đàn ông ba mươi bảy tuổi (là bố tớ).
Khi mẹ đi rồi, bố than thở: “Thật không thể chấp nhận nổi. Mẹ con xem thường bố quá!”. Tớ động viên bố: “Bố chứng minh cho mẹ thấy, bố có thể sống vui vẻ cho tới tận mùng Một Tết, bố nha".
Nhưng mọi việc không mấy dễ dàng. Trí nhớ của bố luôn “tạo phản”. Ngày đầu tiên, bố quên ví. Bữa trưa bố phải vay đồng nghiệp để trả tiền cơm.
Ngày thứ hai, bố quên kính, ra đường phải đi rất chậm. Ngày thứ ba, bố quên mũ bảo hiểm, bị một chú cảnh sát giao thông tuýt còi. Ngày thứ tư, bố quên điện thoại, cả ngày hôm đó công việc của bố cứ loạn hết cả lên vì không ai gọi cho bố được và bố cũng chẳng gọi cho ai được.
Ngày thứ năm, bố đi nhầm dép ở nhà lên công ty. Sau hôm đó, bố được cả công ty gọi là “anh Hải dép hồng”. Bố đau khổ lắm: “Tại sao mẹ mua dép tổ ong màu hồng cánh sen? Có thể mua màu đen hay màu xám kia mà?” Nhưng cả bố cả tớ đều biết mẹ và màu hồng cánh sen thực ra chẳng có tí lỗi nào. Lỗi rõ ràng là của bố.
Ngày ba mươi đã tới. Bố và tớ ngồi thừ trước cửa nhà và… nhớ mẹ. Mẹ đã chuẩn bị từng việc đâu ra đấy rồi. Đồ Tết đã đủ đầy trong nhà. Nhưng hai bố con vẫn chẳng cảm nhận được không khí Tết. Thở dài một tiếng, rồi bố bảo: “Đi luộc gà nào”. Con gà người ta giao hồi sáng, bố cẩn thận cất vào ngăn đá, và giờ trông nó không khác gì một cục đá. “Cứ quẳng vào nồi luộc lên là chín hết thôi!” Bố xoa tay.
Xôi mẹ cũng đặt người ta giao từ đầu giờ chiều, nhưng chẳng hiểu thế nào mà họ giao nhầm bánh trôi nước. Bố dễ dãi: “Ừ, bánh trôi nước cũng được!”. Nhưng không lẽ mâm cơm đêm Giao thừa chỉ có mỗi con gà, chén bánh trôi và vài miếng giò chả? Bố hào hứng: “Trong tủ lạnh có sẵn bịch há cảo. Chỉ cần bỏ vào nồi hấp là xong”.
Thế nhưng… bố tớ mà, đời nào bố nhớ hết được chính xác các khâu nấu nướng. Con gà bố luộc lâu lắc lâu lơ, da nát nhừ, bên trong sống nhăn. Há cảo bố hấp đến cháy cả nồi chỉ vì quên đổ nước.
Đó là đêm Giao thừa chưa từng thấy. Không gà luộc, không xôi gấc, không món xào này hay món kho kia khi có mẹ. Bố con tớ úp mì gói với giò lụa. Đó là món mì gói ngon nhất trên đời, vì lần đầu tiên bố bảo tớ tự đứng bếp. Ăn tối xong, bố lên mạng tìm hiểu xem người ta cúng Giao thừa thế nào.
Bên mâm cơm Giao thừa sơ sài, bố thì thầm rằng bố chẳng ước gì cao sang, chỉ cần mẹ sớm về nhà với hai bố con là được. Pháo hoa vụt sáng trên nền trời đen thẫm…
Sáng sớm mùng một, mẹ trở về. Nhà cửa gọn gàng, chén đĩa sạch sẽ. Mẹ thở phào: “Mọi thứ ổn cả, nhỉ? Chúc mừng năm mới nhà mình. Hai bố con vất vả thật!”. Bố khoe: “Gà luộc ngon, xôi ngon, gỏi ngon, canh măng ngon… Cái gì cũng ngon, con nhỉ?”. Tớ im re.
Đó là lời nói dối trắng trợn. Nhưng nếu điều đó khiến bố vui vì đã lấy được niềm tin nơi mẹ, thì tớ về phe bố. Tết mà. Với lại, chẳng phải bố tớ đã rất cố gắng rồi hay sao?
Mãi mãi sau này, tớ luôn tin rằng Tết thực sự là khi có mẹ. Mẹ tớ ở đâu, Tết ở đấy. Có mẹ là có Tết. Có mẹ là có tất. Phải vậy không?