Theo đó, trong ngày 10/6, người dân từ thị trấn Phan Rí Cửa đổ ra quốc lộ 1, khu vực ngã 3 Cầu Nam, làm cản trở giao thông. Những người quá khích đã chặn xe để treo băng rôn, khẩu hiệu, khiến tuyến quốc lộ gần như tê liệt.
Người dân chặn xe trên quốc lô1 đoạn qua ngã 3 Cầu Nam làm giao thông tê liệt. Ảnh: Hưng Phan. |
CSGT đã có mặt để điều tiết giao thông; tuy nhiên, lực lượng này bị người quá khích tấn công, đập phá phương tiện. Sau đó, họ ném đá tấn công cả lực lượng CSCĐ.
Đỉnh điểm đến tối 10/6, những người quá khích lại đổ ra đường, chốt chặn tại Cầu Nam, làm quốc lộ 1 ùn tắc. Một số thanh niên tiếp tục chặn tại cầu Hòa Phú nối đường ven biển làm giao thông qua tỉnh Bình Thuận tê liệt hoàn toàn. Các tài xế phải tấp xe vào lề đường, nằm nghỉ.
Các phương tiện qua tỉnh Bình Thuận được điều tiết theo quốc lộ 27, lên Lâm Đồng, sau đó theo quốc lộ 20 về Đồng Nai và ngược lại. Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện quá lớn làm giao thông qua tuyến đường này khó khăn.
Tài xế dừng xe, chờ người dân "xả đường". Ảnh: Xuân Ánh. |
Đến rạng sáng 11/6, những người chặn xe tại thị trấn Phan Rí Cửa giải tán, giao thông mới được thông thoáng trở lại.
Như Zing.vn đưa tin, tối 10/6, hàng trăm người quá khích đã tràn vào trụ sở UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận. Họ tấn công lực lượng bảo vệ, đập phá, ném bom xăng, đốt một số xe máy, ôtô.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc biểu lộ nguyện vọng, bày tỏ quan điểm, phản đối quyết định mà người dân cho rằng ảnh hưởng đến đời sống, tương lai của họ mà không sử dụng vũ khí, không đập phá, ngăn cản hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước thì được luật cho phép, không gọi là gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, với "những hành động như dùng lửa đốt xe, đập phá tài sản, xông vào gây cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà nước là vi phạm luật Hình sự 2015 và sẽ bị xử lý nghiêm", luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.
Khu vực ngã 3 Cầu Nam (chấm đỏ) bị chặn làm giao thông qua tỉnh Bình Thuận bị chặn đứng. Ảnh: Google Maps. |