Sáng 11/6, thiếu tướng Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, khẳng định không có tử vong trong vụ người quá khích đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vào tối 10/6.
Tuy nhiên, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết có nhiều người thi hành công vụ bị thương. Trụ sở UBND tỉnh bị hư hại nhiều, dù vậy, hôm nay cơ quan này vẫn hoạt động bình thường.
“Chúng tôi đang khắc phục hậu quả, tăng cường bảo vệ cơ quan, làm tốt công tác tuyên truyền vận động”, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho hay.
Hàng trăm người quá khích tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận trong đêm 10/6. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, người phát ngôn của Công an tỉnh Bình Thuận, cho hay đến sáng 11/6, đã có 102 người quá khích tham gia đập phá các trụ sở công quyền, công trình công cộng bị tạm giữ. Công an tỉnh Bình Thuận đang phân loại đối tượng và hành vi gây rối để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, sáng 11/6, bên lề hành lang Quốc hội, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận, cho biết địa phương sẽ xử lý nghiêm những người quá khích gây rối trật tự, đập phá tài sản tại trụ sở UBND một ngày trước.
"Đảng, Nhà nước nói chung và tỉnh Bình Thuận luôn luôn lắng nghe người dân biểu thị ôn hòa. Tuy nhiên, những hành vi quá khích, đập phá, manh động như thế, côn đồ như thế là hoàn toàn không chấp nhận được", ông Cảnh nói.
"Phải xử lý một cách nghiêm khắc nhất để giữ vững ổn định, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Không khoan nhượng với hành vi như thế này được", Phó bí thư Bình Thuận nhấn mạnh.
Theo ông Cảnh, địa phương đang tiếp tục tuyên truyền để người dân, cử tri Bình Thuận hiểu được tính cần thiết của dự án luật đặc khu theo hướng vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Bệnh cạnh đó, tỉnh sẽ theo dõi, xử lý kịp thời các đối tượng cầm đầu, manh động, kích động người dân.
Như Zing.vn đưa tin, tối 10/6, hàng trăm người quá khích đã tràn vào trụ sở UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận. Họ tấn công lực lượng bảo vệ, đập phá, ném bom xăng, đốt một số xe máy, ôtô.
Đến rạng sáng 11/6, Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng lực lượng hỗ trợ đã giải tán đám đông này.
Người dân chặn xe tại Phan Rí Cửa làm giao thông trên quốc lộ 1 tê liệt. Ảnh: Hưng Phan. |
Cũng trong ngày 10/6, lấy cớ phản ứng dự thảo luật Đặc khu, những người dân tại Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, cũng đổ ra đường chặn xe, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Ngoài ra, họ còn đập phá một số xe CSGT, tấn công lực lượng công an.
Giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Bình Thuận bị tê liệt. CSGT phải điều tiết xe theo hướng quốc lộ 27 từ Ninh Thuận lên Lâm Đồng rồi theo quốc lộ 20 về Đồng Nai và ngược lại.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc biểu lộ nguyện vọng, bày tỏ quan điểm, phản đối quyết định mà người dân cho rằng ảnh hưởng đến đời sống, tương lai của họ mà không sử dụng vũ khí, không đập phá, ngăn cản hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước thì được luật cho phép, không gọi là gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, với "những hành động như dùng lửa đốt xe, đập phá tài sản, xông vào gây cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà nước là vi phạm luật Hình sự 2015 và sẽ bị xử lý nghiêm", luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.
Trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Google Maps. |