Trao đổi với Zing, ông Vũ Minh Khương - giáo sư từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Ông lý giải đây chính là dịp hai nước nhìn lại 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 30 năm kể từ khi bắt đầu hợp tác kinh tế sâu rộng, và 10 năm quan hệ hợp tác chiến lược. Vị giáo sư kỳ vọng chuyến thăm lần này sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác giữa 2 nước trong 5 năm, 10 năm và thậm chí xa hơn là 50 năm.
Ông Vũ Minh Khương còn cho rằng sự hợp tác thành công giữa Singapore và Việt Nam có thể là hình mẫu trên thế giới, khi chứng minh cho thế giới thấy hợp tác hòa bình và tin cậy là lời giải cho tất cả thách thức chúng ta phải đối mặt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tại Singapore từ ngày 8-10/2. Đây là chuyến thăm Singapore đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới và là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Singapore sau 5 năm.
Chuyến thăm là sự kiện mở màn cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Singapore nhìn thấy khả năng cộng hưởng từ Việt Nam
- Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore lần này?
- Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này đặc biệt quan trọng. Đây là dịp nhìn lại 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, 30 năm kể từ khi 2 nước bắt đầu hợp tác kinh tế sâu rộng, và 10 năm quan hệ hợp tác chiến lược.
Những thành quả đã đạt được rất lớn, nhưng kỳ vọng 2 nước mong muốn còn lớn hơn nhiều, nhất là khi 2 nước đã vượt qua được đại dịch Covid-19 với sức mạnh mới, tâm thế mới.
Theo tôi được biết, Singapore kỳ vọng rất cao vào chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bởi điều này đặt nền móng cho 50 năm tới, đặc biệt là 5-10 năm tới.
(Chuyến thăm) lần này đặt nền móng không chỉ cho hợp tác đầu tư truyền thống, mà còn để cùng nhau giải quyết những bài toán tương lai của khu vực, đặc biệt là kinh tế xanh, kinh tế số. Ngoài ra, 2 nước còn cùng nhau giải quyết bài toán thách thức do biến động về địa chính trị và biến đổi khí hậu.
Giáo sư Vũ Minh Khương từ NUS. Ảnh: XD. |
Singapore nhìn thấy khả năng cộng hưởng của Việt Nam rất lớn.
Điều này không chỉ dừng lại về mặt kinh tế - khi nền kinh tế Việt Nam từ 400 tỷ năm nay lên dự kiến 1.600 tỷ USD năm 2050 hoặc trước đó - mà còn là mặt biểu tượng.
- Theo ông, Singapore là hình mẫu cho sự phát triển của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có thể học hỏi gì từ Singapore của hiện tại và điều Singapore đang chuẩn bị cho tương lai?
- Singapore là quốc gia đã chứng minh cho cả thế giới thấy họ có thể từ một quốc gia thứ 3 lên thứ nhất, nhờ vào sự nỗ lực tận tâm của hệ thống công quyền ưu tú và khả năng hội nhập với thế giới, tức là giá trị của mình tạo ra nhờ giá trị tạo ra cho thế giới.
Từ cách nhìn nhận của Singapore, Việt Nam có chuyển động rất tốt, có bóng dáng của một Singapore tương lai. Nhưng những thách thức có tính cấu trúc còn rất lớn, Việt Nam phải vượt qua.
Trong đó là việc xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, đến xây dựng hệ thống tàu điện ngầm cho TP.HCM và Hà Nội, bên cạnh việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở hạ tầng, khi hệ thống tàu điện ngầm là thước đo phát triển. Việc nắm bắt kinh tế xanh, kinh tế số cũng cần có những chuyển đổi toàn diện.
Bài toán Singapore mà chúng ta cần học tập rất đơn giản. Thứ nhất, là phải luôn được lòng tin của nhân dân. Thứ hai, chiến lược phát triển có thực tế hay không, có đem lại những thành quả thiết thực hay không. Không bao giờ đem tiền đổ vào những dự án hoang tưởng, phải thực tế.
Thứ ba là khả năng thu hút nhân tài. Nhân tài giống như bỏ một đồng thì tạo ra hàng triệu đồng. Thu hút nhân tài là bài toán Singapore luôn đau đáu. Đó chính là yếu tố tạo ra cộng hưởng.
Việt Nam có thể học được những bài toán này của Singapore thì chắc chắn sẽ có bước tiến kỳ diệu trong thời gian tới.
- Theo ông, quan hệ Việt Nam - Singapore có điểm gì đặc biệt?
- Trước hết, 2 bên có sự tin tưởng chiến lược, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu và nhận thấy rõ. Niềm tin chiến lược là việc 2 bên hình dung về tương lai khá giống nhau.
Thứ hai, (2 nước) có những quyết tâm chiến lược để khai thác thế mạnh của nhau để tạo ra cộng hưởng lớn. Thứ ba, trước những thách thức, hai bên có thể ngồi lại với nhau để có sự cùng giải quyết chứ không có sự nghi kỵ.
Đây là những nền tảng rất tốt giúp Việt Nam có thể làm được, cho nên không có sự áy náy hay lo lắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 9/2. Ảnh: Nhật Bắc. |
Nhưng năng lực cần hợp tác đến đâu thì đây vẫn là bài toán mà Việt Nam phải có bước tiến vượt bậc trong thời gian tới. Tôi rất mong đợi từ sự quyết tâm của Thủ tướng Phạm Minh Chính - người có sự quyết đoán, thể hiện qua các bài phát biểu chi tiết và phản ánh khát vọng đưa dân tộc đi lên.
Từ đó, mình sẽ làm những gì để vượt mức kỳ vọng nước bạn, tạo ra yếu tố “surprise” (ngạc nhiên). Tôi tin chúng ta có thể làm được điều lớn trong thời gian tới.
Minh chứng cho sự hợp tác chân thành gắn bó chiến lược
- Chính phủ Việt Nam phải có những chương trình hành động ra sao để hợp tác với nước bạn, để làm cho nước bạn ngạc nhiên?
- Tôi cho rằng sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng sẽ có chuyến thăm rất quan trọng tới Việt Nam trong thời gian tới.
Hai bên cần có lộ trình rõ ràng, có ủy ban hợp tác đặc biệt thúc đẩy quan hệ. Khi đó, Singapore sẽ có những đóng góp rất quan trọng về trí tuệ, xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, thiết kế hệ thống giáo dục. Họ có rất nhiều kinh nghiệm.
Nếu Việt Nam có thể tham khảo được - không bàn chuyện nước nhỏ hay nước lớn, mà về mặt thiết kế, chiến lược, nguyên tắc, xây dựng các chính sách chiến lược - thì sẽ đi được rất xa.
Tôi mong muốn lãnh đạo của 2 nước, đặc biệt Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lý Hiển Long cùng những thủ tướng tương lai của Singapore, sẽ có các cuộc gặp thường niên điểm lại những gì đã làm được, chưa làm được và tại sao (không làm được).
Những cuộc họp ấy không chỉ có ban bộ ngành, mà cần có chuyên gia cùng cộng tác và thảo luận. Trước những cuộc họp này thì chuyên gia thảo luận và đề xuất.
Thứ 2, ủy ban hợp tác 2 nước cần khuyến nghị và gặp gỡ thường xuyên, có các đối tác từ doanh nghiệp, cá nhân đến học giả để thấy được những vấn đề cần giải quyết.
Thứ 3, cần có báo cáo hàng năm để biết chúng ta đang đi tới đâu, tạo hình mẫu với thế giới về sự hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam và Singapore.
Singapore - đang ở vị thế rất cao trong phát triển với thế giới - và Việt Nam sẽ là minh chứng cho sự hợp tác chân thành gắn bó chiến lược. (Thông qua điều này), Việt Nam có thể sớm trở thành quốc gia phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Singapore sáng 10/2. Ảnh: Nhật Bắc. |
- Nếu nhìn vào các con số, có thể thấy Singapore đang có quan hệ kinh tế với Việt Nam rất sâu rộng. Họ đang vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Theo ông, có lý do nào đằng sau điều này?
- Thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore không lớn, nhưng đầu tư của Singapore vào Việt Nam là rất lớn. Việt Nam có vị trí chiến lược rất đặc biệt và có lợi thế về ổn định chính trị.
Quyết sách về đổi mới của Việt Nam trong 4 thập kỷ qua có sức thuyết phục. Nguồn nhân lực của Việt Nam rất ấn tượng. Singapore cảm nhận rõ dân tộc này sẽ đi được xa.
Do đó, Singapore sẽ tận dụng mọi cơ hội khai thác. Bài toán của Singapore chính là họ phát triển và giúp cho các nước khác phát triển, hưởng lợi từ đó.
Việt Nam - từ nền kinh tế 400 tỷ USD thành 1.600 tỷ USD - mà có sự đóng góp của Singapore thì rõ ràng 2 bên đều được hưởng, tạo ra minh chứng cho các nước Đông Nam Á về hợp tác gắn bó tin cậy lẫn nhau.
Đông Nam Á và châu Á cùng các nước trên thế giới hợp tác với nhau vì mẫu hình đặc biệt Việt Nam - Singapore. Họ nhìn thấy những bóng dáng Singapore đã trải qua, như cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách doanh nghiệp xã hội, xây dựng hạ tầng giáo dục. Nếu Việt Nam lắng nghe sẽ đi được những bước nhanh và dài trong thập kỷ tới.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.