Avi Loeb là nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực thiên văn học, vật lý thiên văn và vũ trụ. Ông là tác giả của hàng trăm bài báo học thuật về các chủ đề như lỗ đen và thời kỳ đầu của vũ trụ. Ông cũng hợp tác trong các dự án về khoa học với Stephen Hawking và lãnh đạo khoa thiên văn của Đại học Harvard trong gần 10 năm - lâu hơn bất kỳ ai trong lịch sử của khoa này.
Tuy nhiên, bất chấp bản lý lịch ấn tượng mà bất cứ nhà khoa học nào cũng phải tôn kính, Loeb vẫn cảm thấy mâu thuẫn với hầu hết nhà khoa học chính thống hiện nay về một giả thuyết gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Trong khi các nhà khoa học khác nhận định vật thể ngoài không gian nổi tiếng có tên Oumuamua chỉ là một tảng đá hình thù kỳ dị thì Loeb ngày càng tin đó là sản phẩm của nền văn minh ngoài Trái Đất.
Avi Loeb có quan điểm trái ngược với hầu hết nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới trong việc kết luận về nguồn gốc của Oumuamua. Ảnh: Getty. |
“Tôi tin rằng lời giải thích đơn giản nhất cho vật thể này là nó được tạo ra bởi một nền văn minh không thuộc Trái Đất này”, ông viết trong phần giới thiệu trong cuốn sách mới của mình về Oumuamua.
Vào năm 2017, các nhà thiên văn học (không có Loeb trong đó) đã phát hiện một vật thể lạ bay ngang qua Trái Đất với hình dạng khác thường. Nó nhào lộn và tăng tốc khi ra khỏi Hệ mặt trời. Đáng chú ý hơn, nó dường như có nguồn gốc bên ngoài Hệ mặt trời và chỉ đi ngang qua chúng ta. Đây là vật thể đầu tiên loài người phát hiện ra có nguồn gốc từ ngoài vũ trụ.
Vật thể này được đặt tên là Oumuamua - tiếng Hawai có nghĩa là “người do thám”. Vì Oumuamua chỉ được phát hiện sau khi nó đã đi qua mặt trời, Trái Đất và bắt đầu thoát ra khỏi Hệ mặt trời nên rất ít kính thiên văn có thể thu thập được hình ảnh đủ tốt về nó. “Nó giống như việc có một vị khách đến ăn tối nhưng chúng ta chỉ kịp nhận ra khi anh ta ra khỏi cửa và đi vào con phố tối”, Loeb nói với Cnet.
Điểm kỳ lạ nhất của Oumuamua là cách nó tăng tốc khi rời khỏi Hệ mặt trời - giống với một sao chổi phóng điện. Vấn đề là người ta không nhìn thấy đuôi sao chổi nào từ nó. Về cơ bản, nó giống với một tiểu hành tinh nhưng hoạt động như một sao chổi.
Điều này đã gây hấp dẫn với các nhà khoa học. Công chúng chỉ thực sự chú ý khi Loeb và một trong những sinh viên của ông đăng bài một bài báo vào cuối năm 2018 khẳng định Oumuamua có thể là một “cánh buồm nhẹ” (loại tàu vũ trụ được đẩy bởi các hạt ánh sáng trong không gian).
Đã có không ít tranh cãi về Oumuamua - vật thể có nguồn gốc ngoài vũ trụ lần đầu tiên bay ngang qua Hệ mặt trời. |
Đến năm 2019, một nhóm các nhà thiên văn học, bao gồm những người phát hiện ra Oumuamua đã xuất bản một bài báo riêng bác bỏ tất cả các lý thuyết về người ngoài hành tinh. “Những khẳng định rằng Oumuamua là sản phẩm nhân tạo không có cơ sở”, bài báo kết luận.
“Tôi không ngạc nhiên về điều này”, Loeb nói với Cnet. “Nếu bạn đưa điện thoại cho một người thượng cổ cả đời chỉ biến nhìn đá, họ sẽ kết luận đó chỉ là một tảng đá được mài nhẵn. Bạn cần phải cởi mở để tìm kiếm những điều kỳ diệu”, ông nói.
Đây cũng là thông điệp chính trong cuốn sách mới của ông. Ông cho biết trong vài năm qua, phản ứng của các nhà khoa học khác càng khiến ông tin tưởng vào giả thuyết “cánh buồm nhẹ” cho Oumuamua là đúng. Ông tin rằng các chuyên gia trong lĩnh vực này đã không đưa ra được các kịch bản có ý nghĩa để khẳng định Oumuamua là sản phẩm tự nhiên.
Tuy nhiên, Loeb và những người phản đối ông có chung quan điểm về một vấn đề quan trọng: rất khó để giải thích về sự kỳ lạ của Oumuamua nếu không tìm thấy thêm những hiện tượng thú vị mà loài người chưa từng khám phá ra. Loeb hy vọng Oumuamua có thể “ghé thăm” Trái Đất một lần nữa. Ông tin rằng với các thiết bị tối tân hiện nay, các nhà khoa học có thể tìm thấy một vật thể tương tự Oumuamua mỗi tháng.
“Nếu một trong những vật thể này tiếp cận chúng ta, chúng tôi có thể gửi một máy ảnh đến gần nó, chụp ảnh. Nếu đó là một tảng đá, sẽ chẳng còn gì để bàn. Nhưng nếu tôi thấy điều gì bất thường, chúng ta cần kiểm tra kỹ lưỡng”, ông nói.