Trong bài báo học thuật được đăng tải trực tuyến vào cuối năm 2020, J Mark Ramseyer - giáo sư nghiên cứu luật pháp Nhật Bản tại Trường Luật Harvard - cho rằng 200.000 “phụ nữ mua vui" không bị ép buộc vào làm việc trong các nhà thổ để phục vụ quân đội Nhật Bản trong giai đoạn 1932-1945.
Ông tuyên bố những người phụ nữ này là những người hành nghề mại dâm và đã tự nguyện ký hợp đồng làm việc tại các nhà thổ đó.
Trong một bài viết khác cho một tờ báo cánh hữu của Nhật Bản, giáo sư này cho rằng quân đội Nhật "không lôi kéo phụ nữ Hàn Quốc làm việc trong các nhà thổ của họ".
Các học giả nổi tiếng phản đối quan điểm này của ông Ramseyer và nghi ngờ tính xác thực của nghiên cứu. Họ tuyên bố không tìm thấy bằng chứng lịch sử nào về các hợp đồng làm việc tại nhà thổ như ông Ramseyer mô tả.
Bức tượng "phụ nữ mua vui" phía trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Ảnh: Getty. |
Hàng trăm học giả đã ký thư lên án bài báo của ông Ramseyer, theo Guardian.
Tuần trước, tờ báo nhà nước Triều Tiên DPKR Today đăng bài viết gọi giáo sư này là “kẻ tham tiền đáng ghét” và “học giả rởm”.
Bài báo dự kiến được xuất bản trên Tạp chí Quốc tế về Luật và Kinh tế số ra tháng 3, nhưng bị đình chỉ do tranh cãi xoay quanh tuyên bố của giáo sư Ramseyer.
Tạp chí này "bày tỏ quan ngại" về vụ việc và cho biết đang điều tra bài báo của ông Ramseyer.
Thuật ngữ "phụ nữ mua vui" dùng để chỉ những người phụ nữ, chủ yếu là người Triều Tiên (khi bán đảo chưa bị chia cắt) - ngoài ra còn có người Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á - bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản thời Thế chiến 2.
Vấn đề này đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, kể từ khi những "phụ nữ mua vui" còn sống lên tiếng vào đầu những năm 1990. Theo chính phủ Hàn Quốc, hiện chỉ còn 16 phụ nữ trong nhóm này còn sống.