Bức tượng mới có tên “Sự đền tội vĩnh viễn” gồm hai phần, một cô gái đang ngồi và một người đàn ông quỳ gối trước mặt cô. Nó được đặt trong khuôn viên của Vườn Bách thảo Hàn Quốc ở Pyeongchang, phía đông bắc Hàn Quốc.
"Phụ nữ giải khuây” ám chỉ những phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục trong hệ thống nhà thổ của quân đội Nhật Bản thời Thế chiến II.
Kim Chang Ryeol, người đứng đầu vườn bách thảo, hôm 27/7 khẳng định công trình không có ý nghĩa biểu trưng cho nhà lãnh đạo Nhật Bản và việc dựng tượng cũng không mang bất kỳ mục đích chính trị nào.
“Người đàn ông có thể tượng trưng cho bất kỳ người đàn ông nào phải xin lỗi trước cô gái”, ông Kim nói, theo Kyodo. “Người đó có thể là cha cô ấy hay bất kỳ người đàn ông nào mà bạn có thể tưởng tượng”.
Tuy nhiên, giới truyền thông Hàn Quốc đã lập tức liên tưởng bức tượng người đàn ông với Thủ tướng Shinzo Abe sau khi dẫn lời nhà điêu khắc làm ra các bức tượng.
“Tác phẩm điêu khắc ám chỉ rằng việc tha thứ chỉ có thể xảy ra nếu Nhật Bản tiếp tục yêu cầu được đền tội cho đến khi Hàn Quốc chấp nhận”, nhà điêu khắc nói.
Bức tượng "phụ nữ giải khuây" phía trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seou. Ảnh: Getty. |
Trên mạng xã hội, dư luận Hàn Quốc thể hiện nhiều ý kiến trái chiều về bức tượng. Một số người cho rằng bức tượng phản ánh hoàn hảo vấn đề trong quá khứ. Số khác chỉ trích bức tượng mang ý nghĩa khiếm nhã khi mô tả nhà lãnh đạo láng giềng ngồi quỳ gối.
Vườn bách thảo dự kiến tổ chức lễ khánh thành bức tượng vào tháng 8 nhưng đã hủy vì bị phản đối dữ dội.
Nhiều bức tượng “cô gái giải khuây” với kích thước bằng người thật đã được xây dựng ở Hàn Quốc, trong đó có bức tượng phía trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Một số tượng được dựng lên ở nước ngoài, như Mỹ.
Nhật Bản nhiều lần phản đối và cho rằng việc trưng bày các bức tượng như vậy ở nơi công cộng là trái với tinh thần của thỏa thuận mà hai nước đã ký vào năm 2015 nhằm giải quyết cuộc tranh cãi về vấn đề nhạy cảm một cách “dứt khoát và không thể thay đổi”.