Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo sư dạy gói bánh chưng

Nhà thơ Ý Nhi kể kỷ niệm GS Trần Đình Hượu dạy gói bánh chưng trong Sách Tết Quý Mão 2023.

Thầy Trần Đình Hượu ở cùng Tổ bộ môn Cổ - Cận - Dân, Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội với nhà tôi - giáo sư Nguyễn Lộc. Tổ bộ môn này có các thầy Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Võ Quang Nhơn, Chu Xuân Diên và các bạn thế hệ sau như Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Nguyễn Hùng Vĩ.

Ngoài các cuộc họp chuyên môn của nhóm, người ghé nhà tôi nhiều nhất là thầy Trần Đình Hượu.

Nhà thầy ở Gia Lâm, có một thẻo vườn, chắc chỉ đủ để trồng một cây ổi và một cây na dai. Tôi đoán vậy vì thỉnh thoảng thầy lại đem cho bọn nhỏ nhà tôi vài trái ổi, vài quả na - món quà tình nghĩa và thực sự quý hiếm thời bấy giờ.

Thầy Trần Đình Hượu và nhà tôi là tri âm, tri kỷ. Họ trao đổi với nhau không chỉ về Tư tưởng Nho giáo, Triết học Phương Đông, Văn học Việt Nam thời trung đại… Thầy cùng con gái út Trần Bích Vi tham gia chuyến đi điền dã về vùng quê Quảng Nam do nhà tôi tổ chức.

Thầy cùng nhà tôi đến vùng đất hát Bội Bình Định, chuẩn bị cho một chuyên luận về môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Có dịp, thầy một mình về tận quê nhà tôi ở Quảng Ngãi - một vùng quê nghèo, xa xôi, việc đi lại khó khăn, khi vào Sài Gòn thăm con, thầy vẫn cùng nhà tôi bàn soạn về việc thành lập trường Đại học Dân lập Khoa học Xã hội đầu tiên…

Trong một dịp cận Tết, nghe tôi than không biết gói bánh chưng, thầy hào hứng hứa sẽ giúp. Tôi thực sự ngạc nhiên vì bấy lâu vẫn nghĩ thầy - một ông đồ Nghệ, du học tại Liên Xô - chắc chỉ biết chuyện sách vở, bút nghiên. Vì nghĩ thầy nói đùa nên tôi gặng hỏi: Thầy nói thật ạ. Thầy cười: Thật chứ. Tôi sẽ mang khuôn sang.

noi banh chung anh 1

Tranh minh họa: Hoàng Phượng Vỹ.

[...]

Thầy hẹn, trưa hăm chín tết sẽ ghé qua nhà.

Tối hăm tám tôi lo ngâm đậu, nếp, rửa lá dong. Sáng ra dậy sớm ướp thịt, đãi đậu. Đãi đậu là việc vất vả, phải nhặt từng chiếc vỏ đậu, kỳ cho đến khi cả rá đậu vàng ươm một màu

Gần tám giờ thầy đến, mang theo một chiếc khuôn gỗ vuông vức, mỗi chiều khoảng hai mươi phân.

Hai thầy trò trải chiếu giữa nhà, bày đủ “nguyên liệu” trên mặt chiếu. Hai cậu nhóc nhà tôi háo hức ngồi xem như xem một trò chơi mới lạ.

Thầy cắt hai đầu lá, rọc bớt sống lá, nhanh tay gấp góc lá và đặt lá nọ chồng lên lá kia vào khuôn, lấy các mẩu đầu lá vừa cắt, chêm vào các góc, rồi lấy bát xúc nếp đổ vào, rồi đỗ xanh, rồi thịt, rồi lại nếp… Rồi, thầy nhấc khuôn, để lộ ra một chiếc bánh chưng vuông vức, được giữ chặt bằng sợi lạt đã đặt sẵn dưới khuôn. Tôi nhìn chăm chú những động tác của thầy như xem một trò ảo thuật vậy. Thấy hay thấy đẹp mà không sao có thể làm theo.

Thầy biết vậy. Khi gói được dăm bảy chiếc, thầy dừng lại, cười bảo tôi, bây giờ thì tự tay làm nhé. Cô chỉ ngồi nhìn thì không bao giờ có thể tự mình gói được bánh.

Và bài học thực tế bắt đầu. Tôi tự tay cắt lá, gấp góc, đổ nguyên liệu vào khuôn, nhấc khuôn ra, buộc lạt cho bánh dưới sự chỉ bảo của thầy và dưới ánh nhìn thán phục của bọn nhỏ… Mấy năm sau, tôi đã có thể tự mình lo liệu món bánh chưng ngày tết.

Bấy giờ, tôi quên hỏi thầy, thầy đã học gói bánh chưng ở đâu, từ ai và trong hoàn cảnh nào. Giờ đây thầy đã đi xa, rất xa rồi.

Nhiều học trò của thầy, trong đó có những nhà khoa học ưu tú, đang tiếp tục thành tựu nghiên cứu của thầy, mở rộng những tín điều của thầy. Phần mình, tôi xin giữ kỷ niệm riêng tư, thân ái này từ thầy - giáo sư Trần Đình Hượu.

Ý Nhi / NXB Văn học & Đông A

SÁCH HAY