Giáo sư Đặng Hùng Võ: 'Mua nhà không cần tìm đáy thị trường'
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, người mua nhà nên xem xét tới hệ thống tiện ích đi kèm.
Bên lề hội thảo "Triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản" được tổ chức ngày 13/6 tại TP.HCM, báo giới đã có cuộc phóng vấn ngắn với Giáo sư Đặng Hùng Võ về giá và chất lượng nhà ở cũng như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản đang được triển khai.
- Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng “đây là thời điểm để mua nhà”, liệu thị trường bất động sản đã xuống đáy chưa?
- Tôi cho rằng chúng ta cứ loay hoay dò đáy của thị trường bất động sản là không cần thiết. Bởi đáy của thị trường là vô hình. Thêm vào đó, chúng ta dò đáy thị trường để làm gì, trong khi một người muốn có nhà không chỉ muốn căn nhà đó mà muốn cả điều kiện sống xung quanh căn nhà, dịch vụ xung quanh.
Vì vậy nhà nước phải làm là quy hoạch để cho hoàn cảnh sống/điều kiện sống tốt hơn. Nhà đầu tư cũng tìm cách quảng bá điều kiện sống, tiện ích và cơ hội phát triển của khu vực dự án. Tôi nghĩ, mọi người đang không quan tâm đến đáy của thị trường mà mọi người loay hoay xem giá nhà thế nào là có lợi nhất.
Nếu mua để ở, giá nhà là một tham số; trường học, bệnh viện,... là một tham số quan trọng khác. Bởi thực tế cho thấy thành phố Vạn Tường tại khu Dung Quất xây rất đẹp nhưng không có trường học, nên nhiều cư dân ở thành phố này phải về nông thôn ở để có chỗ học cho trẻ con. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta đừng loay hoay tìm đâu là đáy, tìm đáy thêm mệt mỏi mà cần thiết xem xét điều kiện ở, tiện ích xung quanh cho cả khu vực đáp ứng nhu cầu của mình.
- Nhiều người cho rằng giá nhà thấp đi kèm là chất lượng không tốt. Theo ông Nhà nước có nên can thiệp vào chất lượng nhà ở?
- Giá và chất lượng là điều đáng suy nghĩ ở Việt Nam. Bởi ở Việt Nam mọi người có suy nghĩ giá thấp thì chất lượng không tốt. Chất lượng nhà ở phần lớn phụ thuộc vào kênh quản lý của Nhà nước - nhà chỉ được bán sau khi đã được thẩm định chất lượng. Khi đó người dân sẽ không còn lo lắng đến chất lượng nhà ở.
Nhưng hiện nay, khâu quản lý chất lượng nhà ở Việt Nam làm chưa tốt, trừ khi có phát hiện chất lượng không đạt ở những dự án nào thanh tra mới vào cuộc, kiểm định chất lượng. Theo tôi, mọi hàng hóa, bao gồm bất động sản khi xuất xưởng đều phải có dấu kiểm định chất lượng. Vì vậy quản lý chất lượng nhà ở - điều kiện đảm bảo để hàng hóa đó được xuất xưởng khác hoàn toàn quản lý giá cả nhà - câu chuyện thị trường.
Tất nhiên người mua đánh giá chất lượng là một kênh, nhưng trách nhiệm của nhà quản lý là đầu tiên. Bởi người mua để đánh giá được chất lượng công trình nhiều khi phải mất đến 5 năm sau. Chủ đầu tư cũng phải cam kết về chất lượng - chất lượng không đúng như cam kết chủ đầu tư phải đền bù bao nhiêu. Đây cũng là một cơ chế quản lý của Nhà nước. Nhà nước trong giai đoạn đầu để tạo thành thói quen, thường nhà nước phải can thiệp, cơ quan quản lý can thiệp - đảm bảo chất lượng, khẳng định chất lượng. Chủ đầu tư cam kết chất lượng là cách vẫn làm ở các nước trên thế giới.
- Liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, ông có cho rằng, điều kiện để được vay quá khắt khe hay không?
- Thực sự nhiều người cũng nói là quá khắt khe, có thể mở rộng. Thực tế chúng ta cũng không biết được có bao nhiêu người nằm trong diện đạt tiêu chí được vay hỗ trợ. Khi chưa biết được con số này, chúng ta không thể nói khắt khe hay không khắt khe. Bởi vì nó phụ thuộc tỷ lệ/tổng số người nằm trong diện được mua nhà chúng ta mới biết được tỷ lệ là bao nhiêu phần trăm người lao động thấp.
Giả sử tỷ lệ 20% là hợp lý, cao hơn lên khoảng 50% chúng ta cần xem xét lại, nếu tỷ lệ thấp 10%, chúng ta cần xem xét giãn điều kiện vay để đạt được mức 20%. Tôi cho rằng, mức 20% là con số hợp lý. Vì chúng ta chưa có thống kê cụ thể nên chưa thể nói điều kiện cho vay của gói tín dụng này là chặt hay là lỏng.
Theo Trí Thức Trẻ