Theo Reuters, đoạn băng ghi lại cảnh này nhanh chóng lan truyền trên mạng, và sự từ chối của giáo hoàng cũng tạo nên một làn sóng tranh luận, một cuộc chiến văn hóa giữa phe bảo thủ và cấp tiến trong cộng đồng Công giáo.
LifeSiteNews, một trang mạng Công giáo với xu hướng bảo thủ, thường xuyên chỉ trích Giáo hoàng Francis đã đặt dòng tít "Lộn xộn" cho một bài viết giải thích về tầm quan trọng của chiếc nhẫn mà giáo hoàng đang đeo.
Rorate Caeli, một trang web bảo thủ khác, đăng dòng tweet: "Giáo hoàng Francis, nếu ông không muốn làm người đại diện Chúa Kitô, thì hãy rời khỏi vị trí đó".
Trong khi đó người viết tiểu sử giáo hoàng Austen Ivereign, vốn là người ủng hộ Giáo hoàng Francis, đáp trả bằng một dòng tweet khác: "Giáo hoàng đang chắc chắn rằng mọi người tham gia cùng ông, chứ không coi ông như một thánh tích. Giáo hoàng là người đại diện Chúa Kitô, chứ không phải một hoàng đế La Mã".
Chiếc nhẫn bạc trên tay Giáo hoàng Francis. Ảnh: Reuters. |
"Đã đến lúc thói quen hôn lên nhẫn của các giám mục biến mất. Điều này thật lố bịch và không liên quan gì đến truyền thống. Nó được lấy lại từ các hoàng gia. Hầu hết sự khoa trương xung quanh các giám mục nên bị xóa bỏ", ông Russell Pollitt, giám đốc Học viện Dòng Tên Nam Phi nhận định.
Nhiều nhà quan sát Vatican cho biết kể cả người tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis là Giáo hoàng Benedict, người vốn đề cao các giá trị truyền thống, và cả giáo hoàng trước đó là John Paul, đều không muốn bị hôn lên tay, nhất là khi có một hàng dài người muốn làm vậy vì điều đó rất mất thời gian.
Một người dùng Twitter kể lại kỷ niệm gặp gỡ Giáo hoàng John Paul cùng 50 người khác, và cả nhóm được yêu cầu đặc biệt là không quỳ xuống hoặc hôn tay giáo hoàng.
Vatican không cho biết tại sao giáo hoàng không cho phép các tín đồ hôn lên nhẫn hôm 26/3. Tuy nhiên một trợ lý thân cận của Giáo hoàng Francis tiết lộ với Reuters: "Đôi khi giáo hoàng thích điều đó, và đôi khi không. Chỉ đơn giản là như vậy".