Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo dục Việt Nam vẫn ‘tốt nhất thế giới'?

Nền giáo dục Việt Nam được xếp hạng trong số những nước có thành tích tốt nhất trên thế giới về tổng điểm học tập, vượt trội so với học sinh từ Malaysia, Thái Lan, Anh và Canada.

Tác giả Lance G. King cho rằng giáo dục Việt Nam đang có biến chuyển tích cực nhưng vẫn còn một số thách thức cần giải quyết. Ảnh: Phương Lâm.

TS Lance G. King là cha đẻ của chương trình "Nghệ thuật học tập", giảng dạy cho hơn 250.000 học sinh trên toàn thế giới. Ông cũng là diễn giả thường dạy các kỹ năng thế kỷ 21. Ông thiết kế nội dung "Phương pháp tiếp cận học tập" (ATL Skills) cho chương trình Tú tài quốc tế (IB) đang được triển khai tại hơn 5.000 trường IB ở 160 quốc gia. TS King đã làm việc tại hơn 300 trường học ở 37 quốc gia.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Sachiko Kataoka (Ngân hàng Thế giới) từng đánh giá hệ thống giáo dục của Việt Nam có những đặc điểm giống các nền giáo dục thành công ở Đông Á, như việc Chính phủ chú trọng phát triển giáo dục; ngân sách cho giáo dục cao, tập trung đầu tư vào giáo dục phổ thông với đầu vào cơ bản, công bằng.

Các gia đình cũng chăm lo việc học của con. Địa phương quan tâm thu hút, hỗ trợ giáo viên có trình độ. Việt Nam đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục mầm non. Cùng với đó là việc chú trọng đánh giá kết quả giáo dục.

giao duc Viet Nam anh 1

Ông Lance G. King là tác giả của nhiều đầu sách, giáo trình về kỹ năng cho học sinh.

“Cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ trong cải thiện việc học tập của người dân cùng với trách nhiệm giải trình, quyền tự chủ cao của các trường với cơ chế báo cáo, giám sát nội bộ cũng như bên ngoài đã thúc đẩy việc liên tục mở rộng, cải tiến hệ thống giáo dục”, bà Kataoka nhận định.

Hồi tháng 7, tạp chí The Economist có bài viết về giáo dục Việt Nam. Theo đó, tác giả cho rằng bí quyết thành công nằm ở lớp học.

“Trẻ em Việt Nam học ở trường nhiều hơn, đặc biệt trong những năm đầu đời. Một lý do là giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn. Nghiên cứu cho thấy giáo viên ở Việt Nam giảng dạy tốt vì họ được quản lý tốt, đào tạo thường xuyên, soạn bài giảng hấp dẫn hơn”, trích bài viết.

Giáo dục Việt Nam đứng ở đâu?

Điểm PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) là thước đo chất lượng hệ thống giáo dục bất kỳ quốc gia nào. Năm 2012, trong lần đầu tiên tham gia đánh giá, Việt Nam nằm tốp đầu trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đứng thứ 17 về Toán, thứ 8 về Khoa học và thứ 19 về Đọc trong tổng số 65 quốc gia tham gia.

Ba năm sau, tức PISA 2015, điểm trung bình của Việt Nam cao hơn 32 điểm so với mức bình quân của OECD (đồng thời vẫn nằm trong top 10 thế giới về Khoa học).

“Nhìn chung, với vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng điểm trung bình PISA và các cuộc thi học thuật quốc tế, Việt Nam đại diện cho câu chuyện thành công ấn tượng về tác động của đầu tư hiệu quả vào giáo dục”, bà Kataoka đánh giá.

Tuy nhiên, thật không may, trong thập kỷ qua, hệ thống giáo dục Việt Nam liên tục tụt hạng trên bảng xếp hạng PISA. Trong khảo sát PISA 2022, Việt Nam xếp thứ 31 về Toán, thứ 34 về Đọc và thứ 35 về Khoa học.

Dù vậy, Việt Nam vẫn xếp trên Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Những nước này vẫn nằm ở nhóm cuối bảng. Ngoài ra, thành tích của Malaysia tại các cuộc thi, đánh giá quốc tế khác cũng sụt giảm.

Quốc gia duy nhất trong khu vực luôn đạt thành tích cao hơn Việt Nam là Singapore. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc chú trọng tư duy phản biện, tính sáng tạo, chương trình đào tạo giáo viên hiệu quả.

giao duc Viet Nam anh 2

Việt Nam từng có thứ hạng tốt trên bảng đánh giá PISA nhưng những năm gần đây lại đang tụt hạng. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Lý do Việt Nam có điểm PISA tương đối cao so với hầu hết nước láng giềng là chủ đề gây tranh luận. Một số người cho rằng nó xuất phát đặc điểm văn hóa Việt Nam chú trọng giáo dục và động lực nội tại của học sinh. Điều này thể hiện qua việc Chính phủ quan tâm giáo dục, các chính sách liên quan được bàn bạc cẩn thận, phụ huynh cũng áp lực lớn về tiêu chuẩn học tập tại trường. Những điều này giúp Việt Nam vươn lên so với phần lớn quốc gia lân cận.

Ngày 4/11/2013, Việt Nam thông qua Nghị quyết 29 hướng tới tương lai nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới giáo dục ở mọi cấp độ, từ hệ thống đến cá nhân. Nó đề cập đến vấn đề giáo dục cảm xúc - xã hội (SEL), kỹ năng mềm, giáo dục công dân, đồng thời thúc đẩy các chính sách phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống, luật pháp và nhận thức.

Nghị quyết 29 nhằm giáo dục con người Việt Nam có tố chất, năng lực phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của Việt Nam

Một nội dung quan trọng của đổi mới giáo dục là xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ chương trình giảng dạy dựa trên kiến thức sang dựa trên năng lực. Chương trình này được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ từ năm 2016, chính thức phê duyệt năm 2018 và triển khai tại các trường tiểu học từ năm 2020.

Chương trình giảng dạy quốc gia mới này nhằm thay đổi phương pháp dạy - học lỗi thời, xoay quanh việc truyền tải kiến thức, ghi nhớ sự kiện, sang giáo dục dựa trên công nghệ để trang bị cho học sinh những kỹ năng thực hành cần thiết trong thế kỷ 21. Chương trình giảm bớt các môn học bắt buộc, bổ sung môn học tự chọn, tích hợp cùng hoạt động theo chủ đề.

Từ khi thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013, giáo dục Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, với sự cải thiện chất lượng giáo viên, cập nhật chương trình giảng dạy, tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo.

Nghị quyết cũng giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, xây dựng chính sách đặc thù cho các nhóm yếu thế, thúc đẩy nghiên cứu giáo dục đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đổi mới công tác quản lý, điều hành giáo dục.

Thách thức với giáo dục Việt Nam

Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức đáng kể để thực hiện tốt Nghị quyết 29 và quay trở lại vị trí trước đây trên bảng xếp hạng PISA.

1. Cung cấp đủ lựa chọn về trường học cho tất cả phụ huynh - cả trường công và trường tư. Tương tự hầu hết quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ trường công cao hơn trường tư.

Như ở Singapore, phần lớn trường học do chính phủ tài trợ, trường tư chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong khi đó, Malaysia, Philippines có hệ thống trường công - trường tư và trường tư phục vụ nhiều đối tượng học sinh, bao gồm cả những em muốn học ở trường quốc tế. Ở Indonesia, phần lớn trường học là công lập nhưng số lượng trường tư ngày càng tăng.

Theo Education Destination Asia, ở bậc tiểu học, Việt Nam có hơn 15.000 trường công và hơn 2.000 trường tư. Còn theo báo cáo của Statista năm 2017, số học sinh học trường tư ở Việt Nam là 68.240 em bậc tiểu học, 56.700 em bậc THCS.

giao duc Viet Nam anh 3

Việc quá chú trọng vào các bài kiểm tra chuẩn hóa, dẫn đến môi trường dạy - học hầu như chỉ xoay quanh các kỳ thi là một trong những thách thức của nền giáo dục Việt Nam. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

2. Dù đã gần đạt mục tiêu phổ cập tiểu học, THCS, tỷ lệ học lên THPT lại giảm đáng kể. Tăng số lượng tuyển sinh vào cấp THPT là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Vấn đề này xuất phát từ một số nguyên nhân, bao gồm tình trạng học sinh có ít lựa chọn về trường học, chênh lệch trong khả năng tiếp cận giáo dục giữa khu vực nông thôn và thành thị cũng như chi phí giáo dục tư nhân cao, có thể là rào cản đối với nhiều gia đình.

Ngoài ra, xã hội vẫn còn lo ngại về chất lượng, sự phù hợp của giáo dục cấp THPT. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục học lên của học sinh.

Những thách thức trên tác động lớn đến nỗ lực của đất nước trong việc đảm bảo tất cả học sinh được tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao, chuẩn bị tốt cho nhu cầu của thế kỷ 21.

3. Hệ thống giáo dục Việt Nam cũng phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn kiểm tra và chất lượng. Một trong những vấn đề chính là việc quá chú trọng vào các bài kiểm tra chuẩn hóa, dẫn đến môi trường dạy - học hầu như chỉ xoay quanh các kỳ thi hơn là truyền đạt kỹ năng, đạo đức lối sống cho học sinh.

Hệ lụy của nó là nền giáo dục ít chú trọng đến tính sáng tạo, tư duy phản biện - những kỹ năng cần thiết để thành công trong thế kỷ 21.

Ngoài ra còn có những lo ngại về chất lượng và hiệu quả giáo dục ở Việt Nam, với hệ thống giáo dục thiếu tính liên tục giữa các cấp học, phương pháp giáo dục, thiên về lý thuyết hơn là thực hành và sử dụng các phương pháp giáo dục, kiểm tra và đánh giá lỗi thời, thiếu chính xác.

4. Những thách thức khác bao gồm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, nhu cầu đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng giáo dục và giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giáo dục.

Việc giải quyết những thách thức này rất quan trọng để Việt Nam cải thiện hệ thống giáo dục, đảm bảo tất cả học sinh đều được tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao, chuẩn bị tốt cho nhu cầu của thế kỷ 21, cũng như thăng hạng trở lại trên PISA.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Việt Nam đứng thứ 7 châu Á về độ thông thạo tiếng Anh

Trong số 113 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia bài kiểm tra, Việt Nam đứng thứ 58. Nếu xét riêng trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 7 châu Á và thứ 4 Đông Nam Á.

TS Lance G. King

Bạn có thể quan tâm