Theo báo cáo của DKRA, thị trường đất nền tại Đà Nẵng và vùng phụ cận (Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế) đang sụt giảm mạnh. Trong quý I chỉ có 5 nền được tiêu thụ mới, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ chỉ rơi vào khoảng 15%.
Nguồn cung và tiêu thụ mới trong quý I tại thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận. Ảnh: DKRA. |
Nguồn cung mới cũng không khả quan hơn khi giảm tới 92% so với quý I/2022. Cụ thể, thị trường chỉ ghi nhận 2 dự án mở bán, tương đương với 33 nền. Trong đó có một dự án mới và một dự án mở bán giai đoạn tiếp theo.
Các dự án mở bán mới tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, chiếm khoảng 90,9% nguồn cung. Trong khi đó, chỉ có 9,1% còn lại thuộc về Đà Nẵng. Ngược lại, khu vực Thừa Thiên - Huế không ghi nhận nguồn cung mới.
Bên cạnh đó, mặt bằng giá thứ cấp trong quý I giảm 8-12% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá biệt, một số dự án có mức giá chuyển nhượng bằng giá gốc hợp đồng năm 2018.
“Những giao dịch giảm giá tập trung ở nhóm dự án lâu năm chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý và nhóm khách hàng có sử dụng vốn vay ngân hàng”, báo cáo của DKRA cho biết.
Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu cũng cho rằng việc chậm cấp phép dự án mới cùng sự thanh tra đồng loạt các bất động sản tại Đà Nẵng và vùng phụ cận đã khiến nhiều dự án bị tạm ngừng hoặc phải chờ đợi giải quyết pháp lý. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cũng như thanh khoản của thị trường trong thời gian qua.
Trong quý tiếp theo, thị trường vẫn sẽ duy trì tình trạng khan hiếm nguồn cung mới. Lượng sản phẩm đưa ra thị trường trong quý II chỉ tăng nhẹ so với thời điểm 3 tháng đầu năm, dao động ở mức trung bình khoảng 90-120 sản phẩm. Trong đó, nguồn cung tập trung chủ yếu ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Thừa Thiên - Huế vẫn sẽ tiếp tục tình trạng trống vắng dự án mới.
“Thanh khoản toàn thị trường vẫn trầm lắng chưa có dấu hiệu khởi sắc khi mặt bằng giá dự án vẫn neo cao và lãi suất vay mua bất động sản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”, các chuyên gia của DKRA nhận định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.