Gianni Rodari sinh năm 1920 tại Omegna, một thị trấn nhỏ miền bắc nước Ý, cách thành Turin cổ kính khoảng 100km. Ông là con trai của Giuseppe Rodari, một người thợ làm bánh nổi tiếng trong vùng. Gia đình ông có hiệu bánh nằm ngay trên con phố lớn của thị trấn. Cùng với hai người anh em trai là Mario và Cesare, Gianni Rodari lớn lên trong hương vị ngọt ngào của bơ sữa.
Nhưng tai họa ập đến với gia đình Rodari khi cha của ông qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1929. Biết mình không thể duy trì hiệu bánh và nuôi ba con, mẹ của Gianni, bà Aricocchi Maddalena đã bán nhà và chuyển tới sống ở quê ngoại, thị trấn Gavirate vùng Lombady, tây bắc Italia. Do không đủ tiền để chi trả học phí cho các con, bà Aricocchi đã gửi hai cậu con trai của mình là Gianni và Cesare vào Chủng viện thánh Phero trong vùng. Đây là nơi đào tạo linh mục của Giáo hội Công giáo La Mã.
Chúng viện vốn là một môi trường giáo dục hà khắc, nó không phù hợp với một đứa trẻ nhạy cảm và có thể chất yếu đuối như Gianni. Trong suốt quá trình học tập ở nơi này, cậu bé thường xuyên bị bạn cùng lớp bắt nạt. Nhưng đây không phải là khoảng thời gian hoàn toàn vô ích với Rodari. Khi còn học ở Chủng viện, Gianni đã khám phá ra tình yêu với âm nhạc và say mê luyện chơi violin. Không chỉ có vậy, thư viện của ngôi trường này là nơi đưa cậu đến với các kiệt tác văn học thế giới.
Sau những lần đến thăm con trai, mẹ của Gianni thấy cậu bé ngày một gầy yếu và buồn bã. Bà chợt nhận ra rằng đây không phải là ngôi trường thích hợp cho con trai mình và quyết định đưa con rời khỏi chủng viện vào năm 1934. Nếu không có quyết định này của bà Aricocchi, chắc hẳn nền văn học Ý đã mất đi một tên tuổi lớn.
Nhà văn Gianni Rodari và búp bê mô phỏng theo nhân vật chú Hành- Cippllino. |
Rời khỏi chủng viện, Gianni Rodari bắt đầu theo đuổi niềm đam âm nhạc. Ông cùng vài người bạn thường chơi violin trong các quán rượu trong thị trấn và mẹ của ông phản đối việc này. Đến năm 1937, Gianni Rodari, bắt đầu dạy tiểu học ở Gavirate. Khoảng thời gian này cho ông nhiều cơ hội để tiếp xúc với trẻ nhỏ và thấu hiểu chúng. Đây cũng là khởi nguồn cho các sáng tác dành cho thiếu nhi sau này của nhà văn.
Gianni Rodari đã thử sức với báo chí trước khi đến với công việc sáng tác chuyên nghiệp. Từ trước chiến tranh ông đã tham gia làm báo cho đảng Cộng sản Ý. Sau khi chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Gianni Rodari làm việc cho tờ báo L’Unita. Ở đây, ông làm biên tập viên cho một chuyên mục dành cho thiếu nhi.
Tác phẩm Cuộc phiêu lưu của chú Hành. |
Trong các tác phẩm nổi tiếng Gianni Rodari viết cho thiếu nhi phải kể đếnCuộc phiêu lưu của chú Hành (tựa gốc: Le avventure di Cipollino). Tác phẩm là cuộc hành trình đi tìm công lý của một củ hành tên là Cipollino. Họ hàng nhà Hành luôn bị vua Chanh ức hiếp và bóc lột. Thậm chí, bố của Cipollino còn bị nhà vua bắt vào ngục một cách đầy oan ức. Đứng trước tình thế đó, chàng trai dũng cảm của họ hàng nhà Hành đã quyết định đi tìm công lý.
Cuộc phiêu lưu của chú Hành đã được hàng triệu bạn nhỏ trên toàn thế giới yêu thích từ khi tác phẩm ra đời vào năm 1957. Đặc biệt, cuốn sách được coi là một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi được yêu thích trong thời kỳ Liên Xô cũ. Người ta còn cho rằng hành trình của Cipollino tượng trưng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại sự bóc lột hà khắc. Thậm chí, nhân vật Cipollino còn được in lên tem thư. Năm 1970, Gianni Rodari vinh dự được nhận giải thưởng Hans Christian Andersen, một trong những giải thưởng cao quý nhất của văn học thiếu nhi. Ông mất tại Rome năm 1980.
Vượt qua những thăng trầm của số phận, Gianni Rodari vẫn lạc quan và nhìn cuộc sống với những gam màu tươi sáng nhất. Bằng ngòi bút dí dỏm, nghệ thuật kể chuyện tài tình kết hợp cùng những hình ảnh nhân hóa đầy ấn tượng, nhà văn người Ý đã mang đến cho các bạn nhỏ trên toàn thế giới những câu chuyện bổ ích mà giàu chất thơ.
Gianni Rodari có cách tiếp cận rất hài hước về những vấn đề tưởng chừng to tát và rất khó hiểu đối với trẻ nhỏ như: di cư, chiến tranh, vũ khí hạt nhân, bất công, bình đẳng và tự do. Ngoài Cuộc phiêu lưu của chú Hành, độc giả nhí Việt Nam còn biết đến một số tác phẩm khác của ông như: Cuộc phiêu lưu của Mũi tên Xanh, Giữa trời chiếc bánh ga-tô, Gelsomino ở xứ sở nói dối.