Tiếp nối làn sóng #MeToo từ Mỹ, xã hội Trung Quốc bùng nổ với hàng loạt cáo buộc liên quan tới hành vi tấn công tình dục của nhiều người nổi tiếng. Vụ việc gần đây nhất liên quan tới nhà nhân chủng học người Thái Non Arkaraprasertkul. Ông từng theo học tại Harvard, giảng dạy ở Đại học Sydney, Australia, và Đại học New York Thượng Hải, Trung Quốc.
Không phải lần đầu vướng cáo buộc
Người phụ nữ Trung Quốc nói với SCMP rằng vụ việc xảy ra cách đây một năm tại Đại học Sydney. “Linda” (tên tạm gọi do nhân vật giấu tên), lúc đó là sinh viên, kể rằng thầy hướng dẫn Arkaraprasertkul mời cô đến văn phòng. Tại đây, giảng viên tỏ tình và hôn cô dù cô từ chối.
“Tôi hoảng sợ và bối rối. Não tôi lúc đó ngừng hoạt động. Theo bản năng, tôi đẩy ông ta ra và chạy đi”, Linda kể. Cô nói rằng Arkaraprasertkul liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối trong vài ngày tiếp theo cho đến khi cô chặn số.
Sau khi trượt nhiều kỳ thi và hơn 2 tháng trầm cảm, Linda tìm đến dịch vụ tư vấn trong trường để được giúp đỡ nhưng không tiết lộ tên giảng viên. “Ông ta lúc đó đang làm việc ở trường và tôi sợ rằng lời tố cáo sẽ khiến tôi bị trả thù. Tôi cũng đã xóa các tin nhắn và không thể cung cấp bằng chứng ghi âm hay ghi hình vì vụ việc xảy ra trong văn phòng ông ta”.
Giảng viên đại học Non Arkaraprasertkul là tâm điểm của các cáo buộc. Ảnh: Handout. |
Ít nhất 4 phụ nữ khác cũng đã lên tiếng tố giác sau khi danh tính của Arkaraprasertkul tình cờ được xác định nhờ một bài báo trên Southern People Weekly. Trong bài này, một phụ nữ giấu tên tố bạn trai cũ bạo hành. Dựa vào trình độ học vấn và kinh nghiệm giảng dạy được đề cập, nhân vật chính được xác định là Arkaraprasertkul.
Trong bức thư gửi SCMP, nam giảng viên nói bản thân “không có tâm lý để có thể bạo hành” người khác.
“Tôi chưa từng sử dụng vũ lực với bất kỳ ai trong 36 năm sống trên đời”, Arkaraprasertkul phủ nhận mọi cáo buộc, nói thêm rằng đang chuẩn bị “bằng chứng và dữ liệu cứng rắn” để yêu cầu được bồi thường nếu cần.
Đồng nghiệp cũ của Arkaraprasertkul tại Đại học New York Thượng Hải, nơi thầy giáo này giảng dạy từ năm 2014 đến 2016, cho biết bản thân cô cùng nhiều nữ đồng nghiệp khiếu nại lên trường đại học vào tháng 2/2016 sau khi biết chuyện nam giảng viên quấy rối sinh viên.
Tuy nhiên, trường không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía sinh viên. Theo nữ đồng nghiệp của Arkaraprasertkul, các nạn nhân có thể đã sợ rằng việc này sẽ ảnh hưởng tới thành tích học tập.
Phong trào #MeToo lan rộng tại Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Theo kế hoạch, Arkaraprasertkul sẽ giảng dạy tại Viện Xây dựng và Quy hoạch Sau đại học thuộc Đại học Đài Loan vào tháng 8. Tuy nhiên, tuần trước, viện này xác nhận rằng quá trình tuyển dụng đã bị hoãn sau khi truyền thông địa phương đưa tin về vụ lùm xùm, khiến sinh viên phản đối quyết định tuyển dụng. Trường đại học cho hay đang tiến hành điều tra nhưng không tiết lộ tiến trình cụ thể.
“Tôi tôn trọng quyết định và nỗ lực điều tra của Đại học Đài Loan. Tôi sẽ hợp tác đầy đủ để có thể đưa việc này ra ánh sáng”, Arkaraprasertkul nói.
Nạn nhân trong thế bất lợi
Nam giảng viên là một trong số nhiều người bị chỉ điểm trên mạng xã hội trong phong trào #MeToo. Một số người bị cáo buộc đã đáp trả bằng các hành động pháp lý, trong đó có Châu Quân, người dẫn chương trình nổi tiếng trên truyền hình quốc gia CCTV.
Ngày 15/8, Châu thông báo khởi kiện những người công khai chia sẻ bài đăng tố giác ông trên Weibo. 5 ngày sau, chủ nhân bài viết, với biệt danh Xianzi, tuyên bố sẽ làm chứng cho những người chia sẻ bài đăng.
“Đoạn video này cho thấy những gì tôi trải qua. Tôi sẽ cố gắng chứng minh vụ việc thực sự đã xảy ra”, Xianzi nói trong đoạn video 23 phút hôm 27/8.
Theo các chuyên gia, khó khăn trong thu thập bằng chứng, việc thiếu luật điều chỉnh hành vi quấy rối tình dục và sự thiếu sót trong cơ chế trình báo thường đẩy nạn nhân vào thế bất lợi.
Châu Quân, người dẫn chương trình của đài CCTV, bị cáo buộc quấy rối tình dục. Ảnh: China Daily. |
Lu Xiaoquan, luật sư tại công ty luật Qianqian, trụ sở ở Bắc Kinh, khuyên các nạn nhân chủ động thu thập chứng cứ, phối hợp với những người tố giác khác và đệ đơn yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, theo luật sư, số nạn nhân thắng kiện là rất ít, nếu có thì họ cũng chỉ nhận được khoản bồi thường ít ỏi. Trong vụ của Châu Quân, “khả năng cao ông ta sẽ thắng kiện dựa trên những bằng chứng tôi biết được tới nay. Những người dùng mạng xã hội phải xóa bài chia sẻ, công khai xin lỗi và trả tiền bồi thường nếu họ thua”, luật sư nói.
Theo báo cáo về nạn quấy rối tình dục ở nơi làm việc do Trung tâm Phát triển Giới Yuanzhong Bắc Kinh công bố vào tháng 6, chỉ 34 vụ kiện xoay quanh nạn quấy rối tình dục, trong khi các tòa án Trung Quốc đưa ra hàng chục triệu phán quyết từ năm 2010 đến 2017. Trong 34 vụ đó, chỉ 5 vụ có nguyên đơn là nạn nhân tố giác và duy nhất một vụ thành công với kết quả nguyên đơn được bồi thường.
Trở lại với Linda, cô cho biết trong nhiều trường hợp, nạn quấy rối xảy ra ở nơi riêng tư và mỗi bên lại kể những phiên bản khác nhau về những gì đã diễn ra.
“Mặc dù thu thập bằng chứng là một trở ngại lớn đối với việc đấu tranh chống quấy rối tình dục, tôi hy vọng luật pháp sẽ bảo vệ nạn nhân”, cô nói.
“Mọi người hài lòng khi nhìn thấy sự xuống dốc của một giáo viên đồi trụy thay vì nghĩ xem có thể làm gì tiếp theo. Vấn đề chính nằm ở cơ chế giám sát và môi trường xã hội. Ẩn bên dưới việc nạn nhân không sẵn sàng lên tiếng là sự mất niềm tin đối với một hệ thống và môi trường không tạo điều kiện cho họ”, Linda nói thêm, kêu gọi mọi người chú ý nhiều hơn đến việc cải thiện chính sách chống quấy rối và xâm hại tình dục.