Giăng lưới lọc, thả vi sinh vật ăn dầu tại vùng nước sông Đà nhiễm bẩn
Thứ bảy, 19/10/2019 07:12 (GMT+7)
07:12 19/10/2019
Trong điều kiện chưa thể nạo vét triệt để lượng dầu thải gây ô nhiễm, lực lượng chức năng chọn cách đặt lưới thấm dầu dọc theo lưu vực dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà.
Tại một đoạn đường liên xã heo hút của huyện Kỳ Sơn, kẻ gian đã đổ trộm hàng tấn dầu thải trong sáng 8/10. Dầu thải chảy theo khe suối Trầm rồi dẫn thẳng đến hồ Đầm Bài. Hồ này dẫn nước vào Nhà máy nước sạch sông Đà khiến nước sinh hoạt của khoảng 250.000 hộ dân Tây Nam Hà Nội bị nhiễm bẩn.
10 ngày sau sự cố, suối Trầm được nạo vét hết lớp dầu thải, vị trí đổ dầu được phủ cát để ngăn ô nhiễm lây lan. Tuy nhiên dòng nước từ suối này vẫn chảy vào hồ Đầm Bài. Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã phải điều động hàng chục nhân viên đến khắc phục ô nhiễm bằng cách đặt màng lọc dầu và thả vi sinh để giải cứu nguồn nước.
Hàng chục màng lọc dầu được thả cách đều từ cửa hút nước của nhà máy và trải dọc theo suối Trầm. Thiết bị lọc được thiết kế gồm phao giữ nổi, màng vải chuyên dụng và xích sắt giữ cho lớp màng luôn chìm dưới mặt nước.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm, cho biết những ngày qua các lực lượng chức năng mới chỉ hớt được lượng dầu thải ở mặt nước, ngoài ra còn nhiều tạp chất cặn bã của dầu trôi nổi bên dưới buộc phải dùng màng lọc chuyên dụng để thu gom. Lực lượng chuyên viên xử lý sự cố được huy động khoảng 15 người, làm việc liên tục từ sáng đến tối 18/10.
Dọc theo kênh dẫn nước vào nhà máy, Công ty CP Nước sạch sông Đà đặt nhiều tấm biển cấm các hành vi xâm phạm, làm ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh việc lọc dầu, Trung tâm cũng tổ chức phun khử trùng địa điểm bị đổ trộm dầu thải và rải vi sinh để xử lý triệt để lượng dầu tồn đọng.
Chất thấm và phân hủy sinh học dầu Remediator có công dụng thấm và phân hủy sinh học dầu. Khi có nguồn thức ăn là các hydrocarbon và độ ẩm thích hợp, các vi sinh này sẽ phát triển nhanh chóng và “ăn” dầu, chuyển hóa các chất độc hại thành vô hại.
Trong quá trình nạo vét suốt Trầm, dòng nước đục ngầu của con suối này vẫn tiếp tục chảy vào hồ Đầm Bài. Nhà chức trách địa phương cho biết trong tương lai sẽ nghiên cứu làm hệ thống ống dẫn nước trực tiếp từ sông Đà vào nhà máy, cách ly nguồn nước này với các sông suối nhỏ xung quanh.
Ngày 9/10, người dân các xã Phúc Tiến và Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có váng dầu tại suối Bằng ở địa phương này. Tiếp tục rà soát ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trâm.
Vào cuộc điều tra, lực lượng liên ngành tỉnh Hòa Bình xác định có 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.
Sau đó, hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận ở Hà Nội. TP Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu và cung cấp miễn phí nước sạch.
Sự cố khiến Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phải ra thông báo tạm ngừng cấp nước để xúc xả tuyến ống truyền tải.
Ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, trú huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, trú huyện Văn Quan, Lạng Sơn) để làm rõ vụ đổ trộm dầu thải ra đầu nguồn gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà.
Liên quan vụ án, cảnh sát đang truy bắt Lý Đình Vũ (37 tuổi, ở cùng địa phương với Đại) để làm rõ vụ án.
Kiểm tra bất ngờ công ty giặt ủi công nghiệp ở huyện Nhà Bè, cơ quan chức năng phát hiện nước thải không được xử lý xả thẳng ra sông Soài Rạp gây ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND Hà Nội mong muốn Chính phủ có cơ chế đặc thù để Hà Nội làm tốt công tác bảo an ninh, an toàn nguồn nước, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân.