Tuần qua, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này "ở mức thấp nhất thế giới".
Tuyên bố của người đứng đầu ngành y tế trái ngược hoàn toàn với hàng loạt hình ảnh và câu chuyện chấn động về những giàn hỏa thiêu cháy suốt ngày đêm vì thi thể quá tải, những bệnh nhân chết ngay trên đường vì không được thở dưỡng khí, theo Guardian.
Nghi vấn che giấu dữ liệu người chết?
Ghi nhận chính thức của nhà chức trách Ấn Độ cho thấy số người mắc bệnh và tử vong vẫn tăng không ngừng. Hôm 1/5, quốc gia Nam Á trải qua thêm một ngày phá kỷ lục với 401.993 ca mắc mới và 3.523 người tử vong vì Covid-19.
Nhưng các chuyên gia y tế có chung nhận định con số chính thức không phản ánh đầy đủ quy mô số người tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ.
Lúc này, bởi các cơ sở y tế đã quá tải và thiếu thốn nguồn nhu yếu phẩm y tế, nhiều bệnh nhân không thể nhập viện và chết ngay tại nhà, thậm chí không được xét nghiệm đầy đủ.
Trong khi đó, chính quyền các địa phương bị cáo buộc không thống kê chính xác, thậm chí che giấu số người chết thực sự tại khu vực nơi họ chịu trách nhiệm.
Thân nhân đứng bên cạnh khi thi thể người thân qua đời được hỏa táng. Ảnh: Reuters. |
Trong tháng qua, tại thành phố Karnataka, Bangalore - nơi số ca nhiễm tăng thuộc hàng nhanh nhất cả nước - số thi thể được đăng ký hỏa táng vì mắc Covid-19 cao gấp đôi số ca tử vong được nhà chức trách ghi nhận.
Cáo buộc che giấu thông tin đặc biệt đáng chú ý ở Uttar Pradesh, nơi chính quyền tiểu bang nằm dưới sự quản lý của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.
Ông Adityanath, thống đốc Uttar Pradesh, khăng khăng rằng bang này không thiếu nguồn cung dưỡng khí, đồng thời đe dọa truy tố bất cứ ai lan truyền thông tin gây hoảng loạn. Nhà chức trách Uttar Pradesh phủ nhận cáo buộc che giấu thông tin.
Giàn hỏa thiêu cháy suốt ngày đêm
Tại thành phố Muzaffarnagar của bang Uttar Pradesh, dữ liệu do tuần báo Observer thu thập cho thấy sự chênh lệch giữa thống kê người chết của nhà chức trách địa phương với số thi thể được hỏa táng tại các cơ sở hỏa táng và nghĩa trang của thành phố.
Dữ liệu chính thức ghi nhận chỉ 10 ca tử vong vì Covid-19 trong 4 ngày cuối tháng 4. Nhưng theo Ajay Kumar Agarwal, chủ một cơ sở hỏa táng của thành phố, đó chỉ là số lẻ so với những thi thể được hỏa thiêu ở cơ sở này mỗi ngày.
"Bình thường chúng tôi hỏa thiêu 3 thi thể mỗi ngày. Nhưng trong 10 ngày qua, số thi thể hỏa táng tăng lên nhiều lần. Có ngày thì 18, có ngày thì 20, rồi 22 và 25. Trong 10 ngày qua, chưa ngày nào chúng tôi có ít hơn 12 thi thể, 90% trong đó là người chết vì virus corona", ông Agarwal nói.
Cơ sở hỏa táng của ông Agarwal chỉ có 7 giàn thiêu, vì thế các nhân viên phải hỏa táng thi thể ngay trên mặt đất. Một số thi thể được gửi tới một cơ sở khác cách thành phố 35 km.
Những giàn thiêu cháy suốt ngày đêm ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Ông Agarwal cáo buộc nhà chức trách địa phương đang công bố những dữ liệu "không chính xác", bác bỏ khả năng thành phố này từng trải qua ngày không có, hoặc chỉ có một hoặc hai người chết vì Covid-19 trong tuần qua.
"Nhà chức trách không công bố số liệu người chết chính xác. Tôi không hiểu vì sao họ che giấu điều đó. Có thể họ không muốn mọi người hoảng loạn", ông Agarwal nói.
Sanjay Mittal, nhân viên tại một cơ sở hỏa táng khác ở Muzaffarnagar, cũng đưa ra bình luận tương tự.
"Trong đời tôi chưa từng chứng kiến điều gì như hiện nay. Chúng tôi đốt giàn hỏa thiêu từ sáng sớm đến tối mịt", ông Mittal nói.
Trước đại dịch, cơ sở hỏa táng của Mittal xử lý khoảng 5 thi thể mỗi ngày. Nhưng vào 27/4, họ tiếp nhận 21 thi thể. Sang ngày 28/4, số thi thể giảm còn 15, trước khi một lần nữa tăng lên 19 vào ngày 29/4.
"Giờ là giữa trưa, và chúng tôi đã nhận 12 thi thể rồi. Không biết đến cuối ngày thì sẽ là bao nhiêu nữa", ông Mittal nói hôm 30/4.
Số thi thể được đưa đi chôn cất cũng tăng mạnh ở nghĩa trang Hồi giáo tại Muzaffarnagar.
"Trước virus corona, chúng tôi chôn 2-3 thi thể một tuần, nhưng giờ là 6-7 thi thể mỗi ngày. Chỉ ba trong số họ đến từ bệnh viện, còn lại là chết ở nhà hoặc không được xét nghiệm", ông Abdul Quadir, người quản trang, cho biết.
Dữ liệu của chính quyền cho thấy Muzaffarnagar có tỷ lệ xét nghiệm rất thấp. Hôm 27/4, cả thành phố không tiến hành xét nghiệm. Ngày 29/4, chỉ 561 người được xét nghiệm, tất cả có kết quả dương tính với virus corona.
Số người chết thực tế có thể cao gấp 3 lần
Một bác sĩ giấu tên từ Hiệp hội Y tế ở bang Uttar Pradesh cho biết nhiều người chết bởi viêm phổi, xơ phổi - những triệu chứng điển hình của việc mắc Covid-19 dạng nặng.
"Chúng ta phải chấp nhận rằng số người chết vì virus corona cao hơn rất nhiều so với dữ liệu thống kê chính thức. Những thi thể chúng ta thấy ở lò hỏa táng đa phần là người tự chữa trị ở nhà, và họ qua đời ở nhà. Số người chết như vậy rất cao, nhưng phần lớn họ không được ghi nhận. Tỷ lệ xét nghiệm ở đây thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu", vị bác sĩ nói.
Murad Banaji, nhà toán học đã lập mô hình tình trạng dịch bệnh ở Ấn Độ, cho biết nhiều luồng bằng chứng cho thấy việc thống kê thiếu sót số ca tử vong vì dịch bệnh là một vấn đề nghiêm trọng.
Chuyên gia này cho rằng số ca tử vong ở Ấn Độ cao hơn thống kê chính thức ít nhất 3 lần. Kết luận này dựa trên tính toán từ các thành phố lớn như Mumbai, nơi trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên mà ông đã tính toán số "ca tử vong vượt mức" so với số người chết hàng năm.
Khu hỏa táng tập thể ở New Delhi. Ảnh: Reuters. |
Tính toán này có thể đưa ra số trường hợp chết vì Covid-19 ở Mumbai từ mức 13.000 lên đến khoảng 21.000.
Ông Banaji nhấn mạnh tại các vùng nông thôn kém phát triển hơn, như tại các bang Bihar và Uttar Pradesh, với điều kiện cơ sở vật chất y tế hạn chế, số ca tử vong vì Covid-19 không được ghi nhận "có lẽ lớn hơn nhiều lần so với ở thành phố như Mumbai".
Hệ quả của tình trạng thống kê không chính xác số người chết có thể rất nghiêm trọng.
Nó sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả việc phân bổ các nguồn lực, hạn chế khả năng xây dựng một chiến lược tiêm chủng phù hợp giúp ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.
"Nếu chúng ta không có dữ liệu để hiểu toàn cảnh điều gì đang xảy ra trong đại dịch hiện nay, làm thế nào Ấn Độ có thể chuẩn bị cho tương lai?", ông Banaji nói.