Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gian nan đường trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới

Nga cho rằng cần biện pháp mới để phản ứng trước vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, thay vì cấm vận. Trong khi đó, chưa rõ Trung Quốc có đồng ý các biện pháp cấm vận nặng hơn không.

"Tình hình hiện tại cho thấy chúng ta cần phản ứng thông minh hơn, thay vì cứ áp đặt trừng phạt, trừng phạt và làm trầm trọng thêm vấn đề", Reuters dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/9.

"Vẫn còn quá sớm để từ bỏ hy vọng về cuộc đàm phán sáu bên. Chúng ta nên tìm cách để sớm nối lại đàm phán (về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên)", ông Lavrov phát biểu từ Geneva (Thụy Sĩ).

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Mỹ đã liên tục đề nghị đàm phán với Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng phải chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Triều Tiên hôm 9/9 tuyên bố đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ 5. Theo AFP, cùng ngày Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp kín để bàn khẩn cấp về tình hình bán đảo Triều Tiên. 

Trieu Tien thu hat nhan anh 1
Thông tin về vụ thử hạt nhân được phát trên truyền hình nhà nước Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đều lên án vụ thử hạt nhân . Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là "một đe dọa nghiêm trọng cho an ninh khu vực, hòa bình và ổn định trên thế giới".

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon gọi hành động của Bình Nhưỡng là "hành vi vi phạm trắng trợn" các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an tăng cường các biện pháp thích hợp đối với Triều Tiên.

"Sự kiên nhẫn từ phía chúng tôi lẫn cộng đồng quốc tế đều đã chạm giới hạn", Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tuyên bố.

Nhật Bản gọi hành động của Triều Tiên là "tuyệt đối không thể chấp nhận được" trong khi Nga "quan ngại cực độ". Pháp thúc giục Hội đồng Bảo an thảo luận về "gói trừng phạt" mới cho Triều Tiên.

Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, cũng lên án vụ thử hạt nhân và yêu cầu Bình Nhưỡng không làm căng thẳng thêm tình hình. Tuy vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không nói rõ Bắc Kinh có đồng ý những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Bình Nhưỡng không.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Samantha Power kêu gọi sự thống nhất từ Hội đồng Bảo an. Bà Power, với sự ám chỉ rõ ràng đến Trung Quốc, nói rằng sự chia rẽ chỉ "kích thích các hành động khiêu khích khác của Triều Tiên trong tương lai".

Trieu Tien thu hat nhan anh 2
Vụ thử mới nhất được tiến hành tại cơ sở hạt nhân Punggye-ri, tỉnh Hamgyong Bắc, Triều Tiên. Ảnh: Reuters 

 

Vụ thử hạt nhân hôm 9/9 là lần thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên trong năm nay. Sau vụ thử hồi tháng 1, Hội đồng Bảo an đã áp đặt lên Triều Tiên lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nhất từ trước đến nay, đánh vào hoạt động buôn bán khoáng sản và các giao dịch ngân hàng của nước này.

Cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên - gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga - đã bị ngưng trệ từ năm 2009 do Triều Tiên rút ra.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm