Hãy bình tĩnh đối mặt với thử thách, bạn sẽ tìm ra hướng đi đúng đắn cho riêng mình. Ảnh: N.L.Đ. |
"Vì trong tay có tấm bản đồ nên phải nghìn dặm ra đi...". Mình đọc được ý này từ thầy Viên Minh và rất tâm đắc.Tâm đắc vì quả thực mình cũng đã loay hoay và nghìn dặm ra đi rồi mới chịu quay lại chính nơi bản tánh.
Đầu năm ngoái, một người chị trong lúc trò chuyện nói bây giờ có nhiều người bị chấp vào thiền quá, hay như các bạn có thiên hướng về tâm linh, tìm hiểu năng lượng Vũ trụ xong cứ kêu gọi quay về thế giới nội tâm, ngồi im để “lẩn tránh” cuộc sống dù ở thời điểm đó, bạn ấy nhiều khi còn chưa tích lũy được gì về cuộc đời này, vậy thì lấy gì để quan sát?
Một vị thiền sư cũng chia sẻ ý tương tự trong một pháp thoại về thiền, đại ý nhắc là đọc kinh điển cũng phải thực hành mới biết, chứ đừng đọc như con vẹt. Rồi thầy chỉ vào ly trà trên bàn, nói vì rất thích chiếc ly uống trà này nên tâm mới khởi lên ý muốn uống thêm ly nữa.
Tâm tham khởi khi duyên khởi, cũng chính là chiếc ly uống trà. Chứ cứ ngồi thiền kiểu “thụ động” hoài thì sao thấy được cái tâm tham hay đối tượng quan sát.
Với tâm sân cũng vậy, nếu cứ ngồi im mà quan sát tâm sân thì làm gì có sân mà quan sát. Lúc tâm chiếu rọi thì làm gì có “sát na” nào khởi lên cho được. Ngược lại, tự nhiên nghe một tiếng chửi, là duyên tới, tâm lập tức khởi, nghe lùng bùng, khó chịu, nóng nảy, bực bội, tức giận. Lúc đó mới biết sân là gì. Khi đã có “kinh nghiệm”, lúc thiền ta mới hiểu đối tượng quan sát.
Có thể mình chưa hiểu hết nghĩa trong lời giảng giải của sư nhưng quả thật, nếu trên hành trình tỉnh thức mà cứ lẩn tránh hiện thực, lẩn tránh cuộc sống, chui rúc vào vỏ bọc bản thân tự tạo rồi xem đó là lối sống an vui thì chưa chắc đã là an vui thật sự.
Vì khi chưa va vấp, chưa trải qua sự đời thì tới chừng gặp chuyện lại lúng túng. Như trong quyển sách Nhà giả kim, nhân vật chính du hành một chặng đường dài từ quê hương sang nhiều vùng đất để tìm kho báu, rồi cuối cùng kho báu lại được chôn ngay dưới điểm xuất phát, bạn sẽ thấu được những dạng bài học mà cuộc đời muôn hình muôn vẻ mang tới.
Hành trình bạn nghe mình kể từ đầu quyển sách này có đôi nét tương tự với hành trình ấy, phải không? Cũng từng lắng nghe “tín hiệu Vũ trụ”, mang theo hành lý đi từ Đông sang Tây, chu du khắp chốn để xem ở nơi đó có gì.
Đi, mở mang tầm mắt, đối mặt với khổ, bệnh, sinh, tử, đụng chuyện với bao người, bao vật, tự nhiên quay ngược trở về đọc kinh điển, ngồi tĩnh tâm lại xâu kết ra được những góc nhìn sâu hơn. Nếu chỉ ngồi im một chỗ, thu mình và tự tách biệt với thế giới bên ngoài, có lẽ mình sẽ không bao giờ hiểu được một phần ngữ nghĩa khác ở trong kinh sách.
Cuốn sách Đúng hay sai sau cùng đều là trưởng thành của tác giả Soul. Ảnh: S.B. |
Khi bạn đang trên hành trình tỉnh thức, các giá trị cuộc đời và mối nhân duyên hiện hữu quanh bạn đều là chuỗi những bài học, dù thuận lợi hay khó khăn thì đều là sự gom góp để hoàn thành “tấm bản đồ” dẫn đến kho báu.
Mỗi người có một “tấm bản đồ” khác nhau, hành trình đương nhiên cũng khác nhau, chỉ mong bạn sớm nhận ra để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Đừng chỉ nghe ý áp đặt rằng cứ quay về thế giới nội tâm sẽ thấy tất cả, để rồi bỏ lỡ những bước đi đầu tiên, bỏ lỡ một cuộc sống nhân tình thế thái với đủ mọi điều kiện để bạn hoàn thiện bản thân và tu tập. Đừng cố quay về thế giới nội tâm khi chưa biết vì sao phải làm vậy.
Ngồi im chưa chắc đã an, lao xao ngoài đời chưa chắc đã động. Đi đứng nằm ngồi đều là bài học, đưa bạn quay về thế giới nội tâm ở mỗi khoảnh khắc khi bạn đã tích lũy đủ vốn. Lúc đó bạn sẽ tự nhiên có nội lực, “kho báu” cũng sẽ tự xuất hiện.