Hiến binh Pháp ứng phó với cuộc biểu tình trước Tòa thị chính Paris ngày 14/4. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Emmanuel Macron đã ký ban hành luật cải cách lương hưu gây tranh cãi vào ngày 15/4, bất chấp 3 tháng biểu tình và nhiều kiến nghị từ các tổ chức nghiệp đoàn, Guardian đưa tin.
Việc ký ban hành luật được thực hiện sau khi Tòa án Hiến pháp Pháp thông qua các phần chính trong dự luật cải cách hưu trí được ông Macron đề xuất, vào ngày 14/4.
Theo đó, Tòa án Hiến pháp gồm 9 thành viên đã ra phán quyết ủng hộ các điều khoản chính của dự luật, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và kéo dài số năm làm việc cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ.
Sáu đề xuất nhỏ bị từ chối, bao gồm việc buộc các công ty lớn công bố số lượng người trên 55 tuổi mà họ tuyển dụng và tạo ra một hợp đồng đặc biệt cho những lao động lớn tuổi.
Ngay sau khi phán quyết được công bố, nhiều cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra ở một số thành phố tại Pháp. Các nghiệp đoàn cũng kêu gọi biểu tình rầm rộ trong Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Trong đêm 14/4, những người biểu tình tại thủ đô Paris đã đốt cháy xe đạp, xe điện mini (e-scooter) và rác thải. Cảnh sát Paris cho biết 112 người đã bị bắt tính đến 22h30 ngày 14/4 (giờ địa phương).
Trong khi đó, các cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm người nổ ra ở các thành phố khác, bao gồm Marseille và Toulouse. Ở thành phố Rennes, những người biểu tình đã đốt cháy lối vào một đồn cảnh sát và trung tâm hội nghị.
Theo Guardian, quyết định của Hội đồng Hiến pháp có thể mang đến một chiến thắng lớn cho ông Macron. Tuy nhiên, cá nhân tổng thống Pháp đã phải trả giá đắt. Xếp hạng tín nhiệm của ông Macron gần chạm mức thấp nhất từ trước đến nay.
Sau khi phán quyết được đưa ra, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne viết trên twitter rằng "không có người thắng, kẻ thua", và chính quyền Pháp đã hoàn thành các quy trình dân chủ với dự luật.
Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu”. Là hồi ký về cuộc đời nhà văn Stefan Zweig, cuốn sách đưa độc giả đi qua thời kỳ hoàng kim của thế kỷ XIX, tiếp đến sự tàn phá kinh hoàng của Thế chiến I và thời kỳ trỗi dậy của Đức quốc xã.