Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Gián điệp búp bê' bán rẻ chiến hạm Mỹ (kỳ 1)

Bà chủ cửa hàng búp bê ngoại ngũ tuần âm thầm nhận hàng chục ngàn USD từ chính phủ Nhật Bản để cung cấp những thông tin sống còn về chiến hạm Mỹ cho quân phát xít khi Thế chiến II bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

'Gián điệp búp bê' bán rẻ chiến hạm Mỹ (kỳ 1)

Bà chủ cửa hàng búp bê ngoại ngũ tuần âm thầm nhận hàng chục ngàn USD từ chính phủ Nhật Bản để cung cấp những thông tin sống còn về chiến hạm Mỹ cho quân phát xít khi Thế chiến II bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

Một buổi chiều 21/4/1944, 2 nhân viên Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lặng lẽ theo chân bà chủ cửa hàng búp bê nhỏ trên đường Madison tới ngân hàng ở trung tâm Manhattan, New York. Người phụ nữ ngoài 50 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, áng chừng chỉ cao tầm 1,54m, đầu đội mũ xanh, khoác một chiếc áo choàng nâu đang rảo bước khá nhanh. Sau một cuộc đối thoại chớp nhoáng, nhân viên ngân hàng đưa bà xuống căn hầm ký gửi để nhận lại đồ. Đó là một chiếc hộp nhỏ đựng rất nhiều tiền mặt và séc. Bà Velvalee Dickinson vừa mới mở hộp ra kiểm tra thì FBI ập vào bắt giữ và tịch thu toàn bộ tài sản trong chiếc hộp.

Chân dung người phụ nữ có biệt danh "Gián điệp búp bê".

Chưa rõ lý do nhưng bà Dickinson nhanh chóng bị giải tới văn phòng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đặt tại Manhattan. Tại đây, các đặc vụ Mỹ tiến hành cuộc điều tra lấy lời khai sơ bộ và kiểm kê lại toàn bộ số tiền thu được. Tổng số tiền mặt và séc trị giá lên tới 15.900 USD, một số tiền quá lớn so với một chủ cửa hàng búp bê có thể kiếm được so với thời điểm bấy giờ. Đặc biệt, trong số đó có tới 10.000 USD mệnh giá 100 USD được cho là có nguồn gốc từ chính phủ Nhật.

Không ai ngờ, bà chủ tiệm búp bê cổ có cuộc sống khá bình lặng lại là kẻ bán thông tin mật cho phát xít Nhật trong Thế chiến thứ II. FBI phải bỏ ra gần 2 năm để theo dõi và điều tra các hoạt động bí mật của người phụ nữ này. Mọi manh mối về nữ gián điệp dưới vỏ bọc bà chủ tiệm đam mê sưu tầm búp bê cổ bắt nguồn từ những bức thư thất lạc.

Những bức thư bí ẩn

Tháng 2/1942, một lá thư có nội dung bất thường nói về búp bê bị bộ phận kiểm duyệt thư thời chiến phát hiện và gửi tới cho Cục điều tra liên bang Mỹ. Đây là một bức thư cá nhân được gửi từ một phụ nữ sống ở thành phố Portland, Oregon cho một người ở thủ đô Buenos Aires, Argentina. Trong bức thư có đề cập tới một “bệnh viện búp bê cao cấp”, người viết đã mang  “3 búp bê Anh cũ”  tới tiệm sửa chữa. Ngoài ra, trong bức thư cũng nhắc tới chi tiết “lưới cá” và “khinh khí cầu”.

Bức thư tưởng chừng có nội dung cá nhân lại không qua mắt được nhân viên liên bang. Bộ phận giải mã FBI sau khi phân tích kỹ kết luận “3 búp bê Anh cũ” ám chỉ 3 tàu chiến được mang tới “bệnh viện búp bê” tức là xưởng đóng tàu để sửa chữa. Ngoài ra, chi tiết “lưới đánh cá” trong bức thư ý nói đến các lưới chống tàu ngầm bảo vệ cảng bên bờ biển Tây. “Khinh khí cầu” chính là các hệ thống phòng thủ quốc phòng khác đặt trên bờ biển phía Tây.

Dựa trên những thông tin kiểm định trên, FBI bắt tay vào một cuộc điều tra mới xác định liệu các thông tin quốc phòng Mỹ có phải đang bị chuyển cho đối phương. Trong khi đó, lại thêm 4 bức thư nữa gửi tới cùng một địa chỉ người nhận ở Buenos Aires bị bưu điện gửi trả lại người gửi với lý do “không tìm thấy địa chỉ người nhận”. Những bức thư đó lại được chuyển tới cho FBI. Các nhân viên liên bang lập tức tiến hành điều tra chủ nhân của những bức thư trên. Có điều lạ là cả 4 người đều xác nhận chữ ký trong thư rất giống với chữ ký của họ. Nội dung trong thư cũng có nhiều điểm tương đồng với những con búp bê mà họ mang đến cửa hàng của bà Dickinson nhưng họ chưa bao giờ gửi bức thư nào tới Argentina.

Một trong những lá thư này có tiêu đề “phá hủy” được gửi bởi một người phụ nữ ở Springfield, Ohio. Bức thư nhắc đến việc ông Shaw nào đó bị ốm nhưng sẽ sớm làm việc trở lại. Không lâu sau đó, chiến hạm Destroyer Shaw bị đánh sập trong trận Trân Châu Cảng, đưa vào một xưởng sửa chữa tại quân cảng này, được đưa trở lại hạm đội của Mỹ.

Một bức thư khác được cung cấp cho FBI vào tháng Tám năm 1942 bởi một người phụ nữ ở Colorado Springs, Colorado đóng dấu bưu điện Oakland, California. Theo đó nó nhắc đến 7 con búp bê nhỏ mà người viết cho biết, bà ta sẽ biến chúng giống như gia đình “7 con búp bê Trung Quốc” bao gồm ông bà, cha mẹ và 2 đứa trẻ. Sự việc sẽ chẳng có gì nếu như các nhân viên FBI không phát hiện ra sự trùng hợp đáng ngạc nhiên giữa chuyện những con búp bê với 7 chiến hạm vừa được đưa vào sửa chữa tại Vịnh San Francisco. Việc 7 chiến hạm này được đưa vào sửa chữa khiến thế trận của Mỹ và kẻ thù trở nên mất cân bằng, mang lại những lợi ích to lớn cho kế hoạch tác chiến của đối phương.

Một lá thư được gửi ngày 20/5/1942 bị FBI chặn lại kể về một con búp bê bị hư hại nhưng đang được sửa chữa và sắp sử dụng lại được. Tuy nhiên, khi giải mã người ta phát hiện ra nội dung bức thư kể về hàng không mẫu hạm bị trúng ngư lôi của Mỹ sắp hoàn tất sửa chữa và sớm đưa vào hoạt động trở lại. Nó còn tiếp lộ thêm một tàu chiến khác đang được sửa thành tàu sân bay. Bức thư cuối cùng tiết lộ lịch trình hoạt động của tàu sân bay USS Saratoga, một ngày sau khi nó rời Puget Sound tới San Diego 26/1/1942.

Phát hiện ra tất cả các chữ ký trên thư đều là giả mạo khiến FBI đau đầu truy tìm tung tích người gửi thư. Phân tích những dòng máy chữ trong từng bức thư, người ta nhận ra chúng rất khác nhau nhưng đặc tính gõ các bức thư là của cùng một người. Kẻ này cố tình gửi hàng loạt thông tin về lực lượng vũ trang, đặc biệt là chiến hạm của Hải quân Mỹ tới kẻ thù. Những chiến hạm bị thiệt hại trong trận Trân Châu Cảng lịch sử được ưu tiên nhắc đến nhiều hơn so với những thông tin khác.

Những bức thư gián điệp bị bại lộ chỉ ra một vấn đề khá nan giải mà chính phủ Mỹ đang phải đối mặt. Theo đó, hàng loạt thông tin bí mật về hạm đội tàu chiến hùng hậu của Mỹ đã bị rò rỉ và nhiều khả năng lọt vào tay Phát xít Nhật. Nó đẩy những chiến hạm triệu đô còn hoạt động của Mỹ rơi vào tầm ngắn của quân đội Nhật, nhất là khi lực lượng này chưa kịp hồi phục sau trận Trân Châu Cảng lịch sử.

Còn nữa...!

Hồng Minh

Theo Infonet

Hồng Minh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm