Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giảm trạng thái ngoại tệ: Tỉ giá có căng?

Ngân hàng Nhà nước hôm 20/3 vừa qua đã ban hành Thông tư số 07 quy định giảm trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại từ +/-30% xuống còn +/-20%.

Giảm trạng thái ngoại tệ: Tỉ giá có căng?

Ngân hàng Nhà nước hôm 20/3 vừa qua đã ban hành Thông tư số 07 quy định giảm trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại từ +/-30% xuống còn +/-20%.

>> Lãi suất vượt trần: Không thèm tố cáo
>> 'Chặn cửa' trốn thuế và 'chạy' vốn

Thông tư 07 được ban hành nhằm thay thế Quyết định 1081 năm 2002 của Ngân hàng Nhà nước về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Giao dịch ngoại tệ sẽ mạnh hơn?

Thực tế quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Thông tư 07 đã kéo dài gần một năm nay và đã công bố dự thảo khá lâu để lấy ý kiến các bên liên quan. Điểm mới của Thông tư 07 là quy định giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ được tính bằng tỷ lệ giữa tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc tổng trạng thái ngoại tệ âm chia cho vốn tự có của tổ chức tín dụng. Vốn tự có để tính giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ là vốn tự có của tháng liền kề trước kỳ báo cáo; tổng trạng thái ngoại tệ dương của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có.

Tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 triệu đô la Mỹ trở xuống được phép áp dụng mức giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ như sau: tổng trạng thái ngoại tệ dương cuối ngày quy ra đô la Mỹ không được vượt quá 5 triệu đô la Mỹ; tổng trạng thái ngoaị tệ âm cuối ngày quy ra đô la Mỹ không được vượt quá 5 triệu đô la Mỹ. Như vậy, điểm mấu chốt của thay đổi vẫn là co hẹp lại trạng thái ngoại tệ tối đa của các tổ chức tín dụng, từ +/-30% xuống còn +-20%.

Trạng thái ngoại tệ có thể được xem như hạn mức tối đa cho các giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Khi các tổ chức thực hiện mua vào nhiều ngoại tệ mà chưa thực hiện bán ra số lượng tương ứng thì xuất hiện trạng thái dư thừa ngoại tệ (dương). Ngược lại, khi tổ chức bán ra mà chưa mua lại thì phát sinh trạng thái dư thiếu (âm). Việc giới hạn các mức dư thừa hay dư thiếu lớn cho phép các ngân hàng hoạt động giao dịch ngoại tệ mạnh hơn.

Tỉ giá sẽ ít biến động?

Điểm thay đổi trong quy định mới được chú ý nhiều hướng về con số +/-20% thay vì +/-30%. Tuy nhiên, một điểm thay đổi nữa là việc tổng trạng thái ngoại tệ được tính bằng tỷ lệ giữa tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc tổng trạng thái ngoại tệ âm chia cho vốn tự có của tổ chức tín dụng. So với thời điểm 2002, hiện tại vốn tự có của các tổ chức tín dụng đã tăng lên rất nhiều. Yêu cầu tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại khiến hạn mức +/-30% trở nên quá rộng. Do đó việc giảm xuống còn +/-20% cũng chỉ là co hẹp mang tính tương đối chứ không phải mang hàm ý siết chặt.

Trên lý thuyết thì việc thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đồng nghĩa với việc giảm mức độ linh hoạt trong giao dịch ngoại tệ của các tổ chức, cũng giống như việc quy định biên độ dao động tối đa đối với tỉ giá hàng ngày. Đây cũng là một trong những công cụ để điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Càng co hẹp trạng thái ngoại tệ, càng hạn chế được khả năng đầu cơ ngoại tệ, hạn chế việc chuyển đổi các đồng tiền. Do vậy, có quan điểm cho rằng quy định mới có thể khiến thị trường ngoại tệ biến động trong thời gian tới.

Điều này cũng có cơ sở vì khi khả năng duy trì trạng thái âm (bán ra) giảm đi, tức là nguồn cung ngoại tệ suy giảm. Mặt khác, việc các tổ chức tín dụng phải điều chỉnh lại trạng thái ngoại tệ theo hạn mức mới đồng nghĩa với việc tổ chức phải mua lại nếu đang ở trạng thái âm lớn hơn hạn mức. Nhu cầu mua lại có lẽ sẽ gây áp lực nhất định vì tình trạng chênh lệch lãi suất vay USD và VND thời gian qua đã khuyến khích hoạt động chuyển vốn, chẳng hạn bán USD ra để đổi sang VND nhằm cho vay. Tuy nhiên thực thế thị trường luôn khác so với lý thuyết. Đầu tiên là trạng thái âm của các tổ chức tín dụng đang ở mức nào? Chính sách mới không có nhiều bất ngờ, mà đúng hơn là đã được chính các ngân hàng thương mại và tổ chức đóng góp ý kiến suốt thời gian qua. Do đó các tổ chức tín dụng chắc chắn phải có sự chuẩn bị một cách chủ động. Đó là chưa kể thời gian có hiệu lực của quy định mới còn để dư địa hơn một tháng nữa (có hiệu lực từ 2-5-2012).

Biến động của tỉ giá tới đây không chỉ là từ ảnh hưởng của việc thay đổi trạng thái ngoại tệ mà còn từ năng lực điều hành và can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Đây mới là những căn cứ dài hơi và vững chắc để bình ổn thị trường ngoại tệ. Sau khi Thông tư 07 được ban hành, thị trường ngoại tệ không có phản ứng rõ rệt nào. Ngày 22-3, Vietcombank giảm 50 đồng với giá bán ra, chỉ còn 20.900 đồng/USD. BIDV giữ nguyên tỉ giá, chỉ có Eximbank điều chỉnh tăng 10 đồng, đẩy mức bán ra lên 20.910 đồng/USD.

Theo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Bạn có thể quan tâm