Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc điều hành làm thay đổi giải Ngoại hạng Anh

Scudamore mang tới cho giải Ngoại hạng Anh nhiều công việc thuộc lĩnh vực kinh doanh. Với kinh nghiệm trong ngành bán hàng, ông biến giải đấu thành sản phẩm thể thao hấp dẫn.

Lần đầu tiên bóng đá Anh chinh phục thế giới là từ cuối thế kỷ XIX, khi những điều luật thi đấu do Hiệp hội Bóng đá Anh đặt ra được truyền bá rộng rãi và phổ biến khắp năm châu. Xét một cách toàn diện, chuyện đó phải được ghi nhận là một thành công không thể chối cãi.

Phần còn lại của thế giới nhanh chóng tiếp thu trò chơi này: Một môn thể thao sử dụng quả bóng và tấm lưới. Thế rồi, họ đã trở nên “hơi bị quá giỏi”.

Chẳng bao lâu sau, vị trí vô địch của Anh tại môn thể thao do họ sáng tạo ra đã bị nghi ngờ, thách thức rồi cuối cùng bị lật đổ khi những cầu thủ giỏi nhất của họ phải nhận lấy những thất bại đau đớn trước các đội tuyển Hungary, Mỹ, và đương nhiên là cả đội tuyển Đức.

Kể từ đó trở đi, người Anh nhìn nhận môn bóng đá ở các quốc gia khác một cách ngờ vực, như là tách trà Earl Grey được pha bởi một người Mỹ vậy.

Đến năm 1992, khi giải Ngoại hạng Anh được thành lập, tất cả câu lạc bộ của họ cũng chỉ có tổng cộng 13 cầu thủ nước ngoài. Phần còn lại của thế giới đã bắt đầu theo dõi bóng đá Anh trên truyền hình, nhưng bóng đá Anh vẫn không quan tâm lắm tới phần còn lại của thế giới.

Trên sân cỏ, điều này đã dần dần thay đổi cùng với sự xuất hiện ngày một nhiều những cầu thủ ngoại quốc từ quãng giữa thập niên 1990.

Còn trong giới lãnh đạo của bóng đá Anh, sự thay đổi này có một cột mốc cụ thể hơn: Năm 1999, khi giải Ngoại hạng Anh thuê một cựu nhân viên của "Những trang vàng" (Yellow Pages) tên là Richard Scudamore về làm vị giám đốc điều hành thứ ba trong lịch sử giải.

Sử dụng lối ăn mặc trang nhã kết hợp với khung người quắc thước và những sợi tóc bạc lưa thưa, Scudamore trông không khác gì mấy so với hai con người trước đó đã giữ cương vị giám đốc điều hành của giải Ngoại hạng Anh.

Tuy vậy, ông ta chưa từng làm nhân viên kế toán như Rick Parry, và cũng không giống như Peter Leaver - người đã quay trở lại hành nghề tư pháp sau hai năm làm giám đốc điều hành.

Ngoai hang Anh anh 1

Richard Scudamore - người mang tới thay đổi cho Premier League. Ảnh: Mike Egerton/PA.

Scudamore mang tới cho giải nhiều công việc thuộc lĩnh vực kinh doanh hơn hẳn. Với kinh nghiệm trong ngành bán hàng, ông ta đã sử dụng hai thập kỷ tiếp theo để biến giải Ngoại hạng Anh thành sản phẩm thể thao hấp dẫn nhất trên hành tinh, đồng thời nghĩ ra nhiều cách thức mới để vơ vét từng đồng doanh thu cho bóng đá Anh từ gần 200 quốc gia khác.

Thực ra kinh nghiệm chuyên môn trước đó của Scudamore cũng không hẳn là tập trung hướng tới mục tiêu vận hành công việc kinh doanh toàn cầu cho một sản phẩm hấp dẫn như bóng đá Anh.

Từ rất lâu trước khi tới với bóng đá, ông ta vốn làm công việc bán số điện thoại. Scudamore theo học ngành luật tại Đại học Nottingham, nhưng rồi nhận ra bản thân chẳng thích ngành học ấy, khi ra trường ông ta đã chọn công việc quảng cáo bán hàng cho Những Trang Vàng vào năm 1980.

Ông ta thăng tiến dần trong công việc, được lên chức tám lần đều đặn trong tám năm, và vươn tới vị trí giám đốc bán hàng. Khi đưa ra quyết định chuyển sang kinh doanh một thứ gì đó hấp dẫn hơn những cuốn danh bạ điện thoại, Scudamore đã về với hãng báo Thomson Newspapers hồi năm 1989 để giữ chức vụ giám đốc bán hàng và tiếp thị tại Anh, sau đó lại sang New York để làm phó tổng giám đốc cho hãng này, phụ trách vận hành công việc báo chí tại miền nam và miền đông nước Mỹ.

Là con người nhã nhặn và lịch thiệp, Scudamore đã vươn lên mạnh mẽ trong môi trường doanh nghiệp Mỹ, thích ứng với tính chất cạnh tranh, hiệu quả và cởi mở với đổi mới sáng tạo. Không lâu sau đó, ông ta đã phụ trách hoạt động kinh doanh của hơn 200 tờ báo tại 40 tiểu bang của Mỹ, đem lại doanh số bán hàng 560 triệu bảng.

Tuy nhiên, tới năm 1997, Scudamore cùng vợ Catherine mong muốn được quay về quê hương. Khi đang trên đường về nước Anh, ông ta phát hiện một mẩu quảng cáo trên báo The Times đăng tuyển vị trí giám đốc điều hành cho Football League - cơ quan quản lý ba giải đấu dành cho các câu lạc bộ xếp dưới giải Ngoại hạng.

Scudamore đã ứng tuyển rồi trúng tuyển, sau đó nhanh chóng xây dựng được danh tiếng của một nhà lãnh đạo nhạy bén và tinh tường, khác biệt hẳn với những con người vật vờ thường làm trong giới quản lý bóng đá Anh.

Thế nên, sau hai năm làm việc cho Football League, Scudamore thấy giải Ngoại hạng Anh cử người tới gõ cửa nhà ông ta. Xét về nhiều mặt, ông ta là một ứng cử viên lý tưởng đối với họ.

Kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vốn đã khiến ông ta tách biệt hẳn so với những ứng cử viên khác, và lý lịch cá nhân của Scudamore lại càng khiến cho ông ta nổi bật. Thứ nhất là ông ta từng được cấp chứng chỉ trọng tài, thể hiện một khả năng hữu ích trong việc sắp xếp và dàn hòa trong các cuộc tranh cãi căng thẳng chắc chắn sẽ nổ ra giữa 20 ông chủ tỷ phú của các câu lạc bộ.

Lại còn cả chi tiết về quê quán của ông ta nữa. Scudamore sinh ra và lớn lên tại Bristol.

“Sơ yếu lý lịch của tôi cho thấy rằng tôi không sinh ra tại vùng London hay vùng Tây Bắc - vốn là những vùng trung tâm truyền thống của bóng đá”, Scudamore sau này tiết lộ với tạp chí Management Today. “Vậy là trong thế giới bóng đá ấy, tôi được coi như một kẻ trung lập".

Có thể Scudamore là ứng cử viên hoàn hảo cho vị trí người đứng đầu của giải Ngoại hạng Anh, nhưng khi đã có được vị trí đó rồi, ông ta còn có quyền tự xác định ranh giới công việc và vai trò cụ thể của bản thân.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, bóng đá Anh sẽ phải lo chuyện liên tục bành trướng ra toàn cầu, lo về những khoản đầu tư khổng lồ từ nước ngoài, và lo đủ mọi loại vấn đề rắc rối - từ phân biệt chủng tộc cho tới những thế lực môi giới mờ ám.

Scudamore vì thế sẽ có cơ hội để định hình công việc giám đốc điều hành của giải Ngoại hạng như một vị đại sứ hướng ngoại, đại diện cho hạng đấu cao nhất của bóng đá Anh.

Joshua Robinson và Jonathan Clegg / Alphabooks và NXB Lao động

SÁCH HAY