Ngày 28/12, phóng viên Zing.vn tiếp tục tìm hiểu những thông tin liên quan đến showroom H.A (Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Tuệ Dân) - nơi chỉ bán hàng cho người Trung Quốc.
Tương tự gia cảnh Trần Thị Yến Loan (23 tuổi, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam - người góp 4,5 tỷ đồng), gia đình của Nguyễn Hoàng Phú Yên (25 tuổi, quê Thừa Thiên Huế - Giám đốc Công ty Tuệ Dân) cũng thuộc diện cận nghèo. Người thân và chính quyền địa phương đều xác nhận, Yên không thể có 5,5 tỷ đồng góp vốn để trở thành nữ giám đốc khi mới 25 tuổi.
Cả xã bất ngờ vì con nhà nghèo làm giám đốc
Tại UBND xã Điền Hương, ông Trần Gia Duy (Phó chủ tịch xã Điền Hương) không tin Yên là giám đốc một công ty với số vốn góp hơn 5,5 tỷ đồng.
Ông Vinh kể về gia cảnh của nữ giám đốc Nguyễn Hoàng Phú Yên. Ảnh: Điền Quang. |
Vị lãnh đạo này dẫn chứng, Yên là con của ông Nguyễn Chơn - người bị khuyết tật (hiện là Phó chủ tịch Hội khuyết tật của xã). Yên là con út, 2 người chị đã lấy chồng và sống ở Đà Nẵng.
"Gia đình ông Chơn thuộc thuộc diện cận nghèo của xã, hoàn cảnh rất khó khăn. Cả nhà này bán hết tài sản cũng không có 1 tỷ đồng chứ nói gì đến số tiền lớn như vậy", ông Duy khẳng định.
Ông Trần Quang Vinh (dượng của Yên) cũng bất ngờ khi nghe tin cháu mình làm giám đốc công ty. "Yên làm ở một công ty của người Hoa với công việc là phiên dịch. Thu nhập không đáng kể, lấy đâu ra vốn để làm giám đốc công ty”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, từ khi đỗ đại học và tốt nghiệp, Yên chủ yếu sống ở Đà Nẵng, ít khi về nhà. "Số tiền 5,5 tỷ đồng góp vốn chắc của ai đó nhờ nó đứng tên", ông Vinh nói.
Ngôi nhà cấp 4 nơi Yên sinh ra và lớn lên đã cũ và xuống cấp. Hàng xóm kể, do tàn tật nên thu nhập từ nghề nông của ông Chơn không đủ tiền chữa bệnh.
Để có tiền cho Yên học ở Đà Nẵng, ông Chơn phải vay ngân hàng khoảng 50 triệu đồng, đến nay vẫn chưa trả được.
Ngôi nhà nơi Yên sinh ra và lớn lên ở Huế. Ảnh: Điền Quang. |
Lại từ chối bán hàng cho khách Việt
Cùng ngày, trong vai khách hàng, nhóm phóng viên đã đến showroom H.A của Công ty Tuệ Dân. Tuy nhiên, hai người đàn ông to cao liền chạy đến ngăn lại và chỉ về phía bảng thông báo: "Công ty đang đón khách đoàn, nếu quý khách có nhu cầu tham quan hoặc mua hàng thì quay lại sau...".
Một nhân viên nữ nói thêm: "Ở đây chúng em đang tiếp khoảng 20 người Trung Quốc. Do nhân viên không đủ phục vụ nên hẹn anh lúc khác". Một thanh niên không đeo biển tên, tự xưng là quản lý nói: "Giờ công ty không đón khách lẻ. Hẹn anh chiều quay lại".
Chiều cùng ngày, khi chúng tôi quay lại thì vẫn bị các nhân viên khéo léo từ chối với lý do tương tự.
Theo phản ánh của người dân sống gần đó, hai ngày qua, nhiều người Việt đến đây cũng bị các nhân viên cửa hàng từ chối.
Công ty Tuệ Dân đặt bảng thông báo để từ chối bán hàng cho người Việt. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Khi báo chí đưa tin thì họ miễn cưỡng mở cửa nhưng bán hàng với số lượng rất ít cho người Việt. Hôm nay, chúng tôi đến đây mua hàng thì liên tục bị từ chối với lý do đang bận đón tiếp khách Trung Quốc. Cũng là khách hàng như nhau, tại sao họ ưu tiên bán cho người Trung Quốc, còn khách Việt thì không", anh Hồng nói.
Để xác minh thông tin trên, phóng viên xuất trình Thẻ nhà báo đề nghị được làm việc với Giám đốc Công ty Tuệ Dân Nguyễn Hoàng Phú Yên. Tuy nhiên, người thanh niên tự xưng là quản lý cửa hàng nói: "Sếp không có ở đây. Chúng tôi cũng không trả lời báo chí nữa".
Người này cũng cho biết, Yên là giám đốc công ty nhưng ông chủ thực sự là người khác. "Thông tin về công ty, chúng tôi đã cung cấp cho Sở KH&ĐT Đà Nẵng. Còn ông chủ thực sự là bí mật, chúng tôi sẽ không nói".
Phóng viên gọi điện cho Yên nhiều lần nhưng người này không nghe máy. Trên Facebook cá nhân, Yên từng nhiều lần khoe với bạn bè rằng mình làm phiên dịch cho công ty có ông chủ người Trung Quốc.
Có 15 người Trung Quốc làm việc tại công ty
Trung tá Hồ Quốc Hải (Trưởng công an phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cho biết, có khoảng 15 người Trung Quốc làm việc tại Công ty Tuệ Dân. Những người này thuê nhà nghỉ ngay cạnh trụ sở công ty .
"Khi đến đây, họ đăng ký tạm trú theo đúng quy định của pháp luật. Qua xác minh, chúng tôi biết những người này đều làm giám sát chất lượng mút, nệm trước khi sản phẩm bán cho khách du lịch người Trung Quốc", trung tá Hải thông tin.
Theo hồ sơ Zing.vn có được, trong số 15 cá nhân nói trên có 4 người, gồm: Liu Ming Juan (33 tuổi), Qin Yue Xian (42 tuổi), Shao Can Hui (29 tuổi) và Zhou Jin Hua (42 tuổi) được Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cấp thị thực vào Việt Nam từ ngày 10/12/2015 đến 9/3/2016.
Mục đích 4 người này nhập vào Việt Nam là để giám sát tour theo yêu cầu của một công ty du lịch.
Tuy nhiên, theo giới thiệu của nhân viên Công ty Tuệ Dân, ông Shao Can Hui là Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nệm H.A Cao su Việt Nam.
Cửa hàng H.A cao su tự nhiên của Công ty Tuệ Dân. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này chỉ là "công ty ma". Trong danh mục tra cứu doanh nghiệp (trang thông tin của Bộ KH&ĐT) không có tên công ty này.
Một luật sư tại Đà Nẵng cho biết, các cá nhân Trung Quốc sang Việt Nam với visa du lịch nhưng lại làm việc khác là trái quy định của pháp luật.
"Tại sao ông Shao Can Hui lại tự xưng là tổng giám đốc của một doanh nghiệp không có thực để làm việc ở Công ty Tuệ Dân? Hành vi này nhất định có cái gì đó bất thường", vị luật sự nghi vấn.