Ngày 6/11, bên hành lang Quốc hội, đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã chia sẻ với báo chí liên quan Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Trong đó, có quy định bỏ sổ hộ khẩu, các loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu như: Tách sổ hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú, đổi sổ tạm trú..., quản lý cư dân bằng mã định danh.
Không có áp lực khi thực hiện
- Ông nhìn nhận việc Chính phủ thông qua phương án bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân như thế nào?
- Theo tôi, đây là một quyết định rất hợp lòng dân và đúng đắn trong việc cải cách thủ tục hành chính, bỏ những loại giấy tờ không cần thiết cho người dân. Tuy nhiên việc bỏ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân không có nghĩa là chúng ta buông lỏng công tác quản lý
Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đang được hoàn tất toàn bộ. Giờ đang triển khai chủ trương làm căn cước công dân, hiện Hà Nội đang triển khai việc này. Riêng các tỉnh sau khi có chủ trương của Bộ Công an sẽ đồng loạt triển khai ngay. Trong cơ sở dữ liệu quốc gia đã rất đầy đủ nên khi quyết định bỏ các giấy tờ ấy không có vấn đề gì.
- Có áp lực gì cho các cơ quan quản lý khi thực hiện chính sách này không?
- Tôi thấy không có áp lực gì lớn cả. Hiện, cuộc cách mạng 4.0 phát triển rất mạnh, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư đang phát triển rất mạnh. Tôi nhận thức rằng trong tất cả các vấn đề quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thắng Quang. |
Tuy nhiên, chúng ta có công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn chứ không đến mức người dân đi ra đường phải mang theo mình rất nhiều giấy tờ để cùng một lúc phải kiểm tra mà chỉ cần tích hợp tất cả các dữ liệu lại và kiểm tra thì hệ thống máy có thể xác định được ngay. Cơ quan quản lý đã chuẩn bị chu đáo rồi.
- Khi bỏ hộ khẩu, chứng minh thư thì việc chuyển đổi, cho tặng đất đai sẽ được thực hiện như thế nào, liệu có xảy ra ra gian lận không?
- Các cơ quan chức năng Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm tra việc chuyển đổi, cho tặng đất đai khi bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân. Việc bỏ các loại giấy tờ không cần thiết không có nghĩa là không kiểm tra các loại dịch vụ khác, buông lỏng quản lý đất đai.
Khi người dân cung cấp dữ liệu, thông tin về việc chuyển đổi, cho tặng đất đai thì cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm tra lại thông qua cơ sở dữ liệu dân cư và phải trả lời chính xác...
Tiết kiệm được nhiều công sức và kinh phí
- Cần bao nhiêu thời gian để thực hiện việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân sang quản lý bằng hình thức mã số định danh cá nhân?
- Tất nhiên là chúng ta cần có thời gian để chuyển đổi nhưng không dài. Nhiều người lo lắng là người dân ở các tỉnh đổ dồn về thành phố lớn thì rất khó kiểm soát nhưng thực chất là kiểm soát được hết, kể cả với người nước ngoài sang Việt Nam.
Bỏ thủ tục sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân sẽ giảm công sức cho dân và kinh phí cho Nhà nước. Ảnh: Thắng Quang. |
Ví dụ như tỉnh Nghệ An có 3,2 triệu mã định danh. Chúng tôi yêu cầu tất cả các khách sạn, quán trọ hàng ngày, hàng giờ phải bấm lên và phải khai báo có bao nhiêu người. Sau đó, chúng tôi chỉ cần vào máy tính tra cứu là trả lời chính xác
Để quản lý dân cư một cách thuận lợi hơn, tôi nghĩ rằng với sự quyết liệt của Chính phủ, việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân sẽ được thực hiện sớm nhất.
- Việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân sẽ tiết kiệm cho người dân như thế nào?
- Chưa thể tổng kết hết được là việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư sẽ tiết kiệm cho người dân như thế nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ là tiết kiệm được rất nhiều về công sức cho người dân, kinh phí cho cơ quan Nhà nước khi phải in giấy để làm sổ, trả chi phí cho nhân viên.