Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giám đốc Công an Hà Tĩnh: 'Xử lý vi phạm về pháo đã khó sẽ càng khó'

“Pháo nổ và pháo không tiếng nổ có ranh giới rất mong manh nên việc phát hiện, xử lý người vi phạm đã khó sẽ càng khó hơn”, đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an Hà Tĩnh, nói.

phao lau dem giao thua anh 1

Hà Tĩnh là một trong những địa phương nhiều năm qua xảy ra tình trạng đốt pháo lậu đêm giao thừa.

Cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, đã chia sẻ với Zing về những khó khăn trong việc xử lý vi phạm này.

- Hà Tĩnh từng nhiều năm liên tiếp được nhắc đến là điểm nóng về đốt pháo lậu, pháo hoa nổ đêm giao thừa. Để hạn chế tình trạng này, dịp Tết Nguyên đán 2022, công an tỉnh đã có phương án gì?

Công tác phòng chống pháo lậu lâu nay được Công an tỉnh Hà Tĩnh triển khai thường xuyên, không phải chỉ đến dịp Tết mới xử lý. Tuy nhiên, tội phạm sẽ biết và dự đoán được thời điểm nào công an tấn công mạnh để tránh bị phát hiện.

Lâu nay, qua theo dõi và xử lý các vụ việc liên quan về pháo, chúng tôi nhận thấy cứ ra Tết, các nhóm đối tượng lại bắt đầu mua pháo lậu từ khắp nơi để tàng trữ, cất giấu, tiêu thụ vào năm sau.

Các năm trước, cứ dịp Tết Dương lịch, Noel pháo lậu nổ rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay hầu như cơ bản, rất ít, thậm chí không có. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo lậu cũng giảm mạnh.

Để đạt được kết quả đó, từ đầu năm, Công an Hà Tĩnh đã giao cho công an chính quy các xã, phường, thị trấn đến cơ quan đơn vị trên địa bàn và từng hộ gia đình để tuyên truyền, viết cam kết không sử dụng pháo lậu.

phao lau dem giao thua anh 2

Pháo lậu rực trời đêm giao thừa 2021 ở TP Hà Tĩnh. Ảnh: P.T.

Các đối tượng từng vi phạm, sử dụng pháo lậu vào các năm trước cũng được mời lên trụ sở để nhắc lại bản cam kết, không để tiếp diễn tình trạng này. Ngoài ra, tỉnh còn giao chỉ tiêu cho các đơn vị phải lập chuyên án, xác minh, điều tra, bắt giữ xử lý nghiêm các trường hợp có liên quan đến pháo.

Đối với các tòa giám mục trên địa bàn, công an tỉnh cũng phối hợp tuyên truyền các giáo xứ, giáo họ chấp hành nghiêm việc không nổ pháo lậu đêm giao thừa hay các lễ hội khác.

Một nguyên nhân khác khiến tình trạng pháo nổ đêm giao thừa giảm mạnh trong 2 năm trở lại đây là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng lớn pháo lậu từ nước ngoài xâm nhập vào địa bàn bị hạn chế. Ví dụ như pháo trước đây từ Lào về, con buôn có thể thỏa thuận với tài xế, người vận chuyển hàng. Tuy nhiên, dịch bệnh nên các đơn vị vận tải phải đổi lái để đảm bảo phòng dịch, từ đó, tài xế khi biết có hàng cấm hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc họ sẽ không nhận chở.

- Theo ông, việc tuyên truyền kết hợp xử lý quyết đoán các trường hợp vi phạm liên quan pháo lậu đã mang lại kết quả gì cho Hà Tĩnh?

Trong năm 2021, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 718 vụ, 827 người có liên quan hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo, thu giữ hơn 1,3 tấn pháo, hàng chục kg thuốc pháo, tiền chất chế tạo pháo (tăng 182 vụ so với năm 2020).

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng vận động thu hồi 390 khẩu súng, 640 viên đạn các loại, 35 lựu đạn cùng vật liệu nổ... Hơn 400 hồ sơ liên quan các vụ việc được lập, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; cơ sở giáo dục đặc biệt, trại cai nghiện bắt buộc.

Đặc biệt, đợt cao điểm từ 15/12 đến 28/1, Công an Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 146 vụ, 226 đối tượng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép; 74 vụ, 88 đối tượng sử dụng pháo trái phép; thu giữ 26,6 kg tiền chất pháo, 460 kg pháo các loại. Trong đó, có nhiều người bị khởi tố, bắt giam về tội Buôn bán hàng cấm khi buôn bán hàng chục kg pháo lậu.

Qua những số liệu này, có thể nói rằng việc xử lý người vi phạm liên quan về pháo lậu đang thực hiện nghiêm, quyết đoán.

- Với các trường hợp bị bắt quả tang tàng trữ, sử dụng pháo hoa nổ và pháo nổ trái phép trong đêm giao thừa, lực lượng chức năng có gặp khó khăn trong xử lý?

Pháo hoa đêm giao thừa, lễ hội hay sự kiện lớn đã trở thành tập quán từ lâu đời, ăn vào máu thịt con người chúng ta, nên muốn xử lý triệt để vấn nạn này là điều rất khó khăn nhưng hạn chế mức cao nhất thì phải làm được.

Trong các đợt truy quét cao điểm tội phạm và đặc biệt về pháo, ngành chức năng còn phát hiện ngoài các loại pháo hoa nhập lậu, trên thị trường còn có các loại pháo tự chế. Việc tự chế pháo lại nằm phần lớn ở lứa tuổi học sinh, các em sẽ mua thuốc pháo, tự tìm hiểu trên mạng để tự cuốn, điều này rất nguy hiểm.

Ngoài ra, thị trường có các loại pháo điện, tạo âm thanh mà pháp luật chưa có quy định xử lý cụ thể nên nếu có phát hiện cũng khó xử lý.

phao lau dem giao thua anh 3

Pháo hoa nổ rực trời huyện Hương Sơn vào đêm giao thừa năm 2020. Ảnh: D.H.

Trong các năm trước, để tránh bị công an phát hiện, nhiều người dân còn rất tinh vi khi đứng trên các khu nhà cao tầng, cơ quan công sở rồi châm pháo ném xuống đường khiến khó phát hiện, xử lý. Một số trường hợp khác còn chống đối, thiếu hợp tác khi bị bắt quả tang sử dụng pháo nổ trái phép.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao như các năm trước, thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán 2022, 100% cán bộ các phòng ban của công an tỉnh sẽ tiếp tục được tăng cường xuống cơ sở để phối hợp với công an, chính quyền tuần tra, kiểm soát dọc các ngã đường, khu dân cư để phát hiện, xử lý nghiêm các nhóm tội phạm.

- Hiện nay, người dân được phép mua, sử dụng một số loại pháo không tiếng nổ do nhà máy Z121 (Bộ Quốc phòng) sản xuất. Vậy có dễ để phân biệt người đốt pháo nổ với người sử dụng các loại pháo được cơ quan chức năng cấp phép?

Năm 2022, có một nét đặc thù riêng khi Nghị định của Chính phủ cho phép người dân mua, sử dụng một số loại pháo không gây tiếng nổ của Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu giải trí.

Thực tế, giữa pháo lậu, pháo hoa nổ và pháo không gây nổ được cấp phép có ranh giới rất mong manh, rất khó kiểm soát, phát hiện và xử lý người vi phạm. Việc phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến pháo vì thế đã khó sẽ càng khó hơn.

phao lau dem giao thua anh 4

Một số loại pháo của nhà máy pháo hoa Z121 (Bộ Quốc phòng) được sản xuất, bán cho người dân. Ảnh: Hội pháo hoa Z121.

- Vì sao Hà Tĩnh luôn được xem là một trong những địa bàn phức tạp về mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo lậu?

Hà Tĩnh có khu vực giáp biên dài, địa hình phức tạp, có các tuyến quốc lộ bắc - nam đã tạo điều kiện cho việc buôn bán pháo và các loại hàng cấm cho các nhóm tội phạm.

Song nhiều năm gần đây, vấn nạn pháo lậu đã giảm nhiều, chỉ còn một số địa bàn trọng điểm như thành phố, khu vực đồng bào thiểu số hay các khu vực nhạy cảm thì việc kiểm tra, xử lý còn gặp khó khăn. Chính vì điều đó, Công an Hà Tĩnh cần sự phối hợp tích cực từ các lực lượng, người dân trong đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết.

Trong năm qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường, điều động hơn 1.000 công an chính quy về các xã, phường, thị trấn làm việc. Điều này phần nào phát huy năng lực trong đảm bảo an ninh trật tự, xử lý, trấn áp các loại tội phạm.

Công an chính quy cũng bám sát địa bàn, cùng ăn, cùng ở và đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, cam kết không sử dụng pháo lậu đêm giao thừa, giúp nhân dân đón Tết an toàn, vui vẻ.

Ngoài ra, việc xử lý người vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ cũng được xử lý nghiêm. Tôi cũng tin rằng dịp giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình trạng pháo lậu sẽ không còn diễn ra hoặc diễn ra với số lượng không đáng kể.

Xin cám ơn ông!

Pháo nổ vang trời Hà Tĩnh đêm giao thừa Hàng chục điểm pháo hoa, pháo nổ tự phát được người dân châm đốt thời khắc giao thừa năm Tân Sửu. Công an Hà Tĩnh đã ghi hình và đang triệu tập người vi phạm để xử lý.

Pháo lậu nổ sáng rực trời đêm giao thừa

Dù có lệnh cấm, chính quyền vận động không đốt pháo, người dân vẫn bắn pháo rợp trời đêm giao thừa Tết Tân Sửu.

Pháo hoa Z121 'cháy hàng'

Trên mạng, nhiều người rao bán giàn phun hoa và giàn phun viên có giá cao gấp 2-3 lần mức giá nhà máy pháo hoa Z121 công bố.

Phạm Trường

thực hiện

Bạn có thể quan tâm