Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hợp. |
Chiều 3/7, tiếp tục chương trình chất vấn của HĐND TP Hà Nội, đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức) cho biết, năm 2022, Hà Nội ban hành nghị quyết về xử lý các cơ sở không đảm bảo về điều kiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở quận Thanh Xuân, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 26 về những biện pháp tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn, trong đó nêu ra 2 nhóm nhiệm vụ với các cơ quan của thành phố trong triển khai thực hiện…
Do kết quả hoàn thành chỉ tiêu và tỷ lệ xử lý các cơ sở không đảm bảo về điều kiện PCCC còn thấp nên đại biểu Dương đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội giải thích vì sao xảy ra thực trạng này, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Trả lời chất vấn, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trước và sau khi có Nghị quyết 05 quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn, Công an thành phố đã tiến hành rà soát vấn đề này. Kết quả cho thấy, có 2.980 cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC.
“So với chỉ tiêu thành phố giao năm 2024 hoàn thành khắc phục ít nhất 70% cơ sở (tương ứng với 2.086 cơ sở), hiện mới có 91 cơ sở hoàn thành (đạt 3,05%). Như vậy khả năng lớn năm 2024, các đơn vị không hoàn thành được chỉ tiêu thành phố”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhận định.
Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội là do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã đến thực trạng nêu trên. Cụ thể, một số UBND quận, huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm vấn đề này; công tác phối hợp giữa sở, ban ngành với quận huyện chưa chặt chẽ, chưa kịp thời.
Bên cạnh đó, một số người đứng đầu cơ sở chưa nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC; chưa thực hiện trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, chưa quan tâm đến công tác PCCC.
Liên quan đến Nghị quyết 26 về các biện pháp tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn, trong đó có các chỉ tiêu 100% được trang bị bình chữa cháy, 100% có lối thoát nạn thứ hai, theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, hiện có hơn 1,4 triệu hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; hơn 229 nghìn hộ gia đình đã mở lối thoát nạn thứ hai.
Ngoài ra, còn 13/30 quận, huyện chưa hoàn thành 100% hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai; 20 đơn vị chưa đảm bảo 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay.
Nguyên nhân do một số ngành, cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC; coi công tác PCCC là của riêng lực lượng công an; nhận thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, đặt mục tiêu lợi ích kinh tế lên trên hết.
Đề cập đến việc các hộ gia đình thực hiện mua sắm bình chữa cháy, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, tỷ lệ này tương đối cao, trong thời gian tới tiếp tục sẽ đôn đốc. Tuy nhiên, nhiều gia đình rất khó khăn khi trang bị 2 bình chữa cháy.
“Do đó, tôi đề nghị các quận, huyện nếu có điều kiện thì mua sắm cấp phát cho người dân, xã hội hoá được thì xã hội hoá. Người ta ăn còn chẳng đủ làm sao tính đến chuyện đó (mua bình chữa cháy - PV)”, ông Trung bày tỏ.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.