Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc bể bơi lên tiếng về việc rắc bột làm sạch nước

Ông Trần Huy Cương, Giám đốc trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định: "Hợp chất rắc xuống bể bơi là Clohydric không ảnh hưởng đến sức khỏe con người".

Trao đổi với phóng viên Zing.vn sáng 23/5, ông Trần Huy Cương, Giám đốc trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy khẳng định dù không thay nước nhưng với việc dùng hóa chất an toàn là Clohydric, chất lượng nước trong bể bơi vẫn hoàn toàn đảm bảo.

Trước đó, một đoạn clip xuất hiện trên mạng internet ghi lại cảnh nhân viên bể bơi tại Trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy sử dụng hoá chất biến nước trong bể bơi từ vẩn đục chuyển sang trong vắt. Ngay sau khi clip phát tán trên mạng xã hội, nhiều người đã tỏ thái độ bức xúc, bất bình trước sự việc này.

Bể bơi Hà Nội bị quay clip sục hóa chất không thay nước

Cư dân mạng đang xôn xao về clip ghi lại cảnh nhân viên của một bể bơi ở quận Cầu Giấy đổ hợp chất "biến hoá" khiến nước trong bể đang bẩn trở nên trong vắt chỉ sau vài tiếng.

Bể bơi mắc nghi án dùng hóa chất độc hại biến đổi màu nước.

Tuy nhiên, ông Trần Huy Cương, Giám đốc  trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy khẳng định: "Hợp chất rắc xuống bể bơi là Clohydric hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe con người".

Theo ông Cương, việc dùng hóa chất để làm sạch nước của bể bơi là phương pháp được Trung tâm vận dụng mấy năm nay. Phương pháp này tiết kiệm rất nhiều so với việc thay nước và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bơi.

Quy trình làm sạch bể bơi cũng được giám đốc này chia sẻ: Đầu tiên, đội xử lý sẽ cạo sạch rêu bám vào cạnh và đáy bể. Sau đó, khi máy bơm chạy, tất cả những chất bẩn sẽ được giữ lại ở máy hoặc sẽ chìm lắng xuống đáy. Tỷ lệ để diệt rêu tảo của chất Clohydric trong bể bơi luôn ở nồng độ đậm đặc để khi rêu chết sẽ bị giữ lại trong bộ lọc. Sau đó, đội xử lý sẽ tiếp tục dùng Clohydric ở mức độ thấp hơn.

“Chúng tôi làm với quy trình là nước phải đảm bảo độ trong và không có hại đến sức khỏe. Sau khi chúng tôi xử lý nước xong thì sẽ có đoàn y tế của quận, thành phố xuống kiểm tra, đạt yêu cầu thì chúng tôi mới được phép hoạt động”, ông Cương cho biết.

Ông Trần Huy Cương khẳng định tiêu chí cuối cùng vẫn là nước đảm bảo chất lượng và an toàn cho người đi bơi. Ảnh: Nguyễn Vũ

Ông Cương cho biết thêm, hiện không có tiêu chuẩn riêng cho nước bể bơi nên chỉ dùng mức tiêu chuẩn của nước sinh hoạt thông thường. Phương pháp này có thể xử lý nhiều loại nước bẩn khác nhau để thành nước sạch dùng được, vì thế nó không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bơi.

Giám đốc trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy tiết lộ thêm, năm nay, chi phí cho mỗi m3 nước khá cao. Nếu thay toàn bộ nước trong bể bơi có dung tích gần 2.000 m3 như clip bạn đọc phản ánh, tiền chênh sẽ khoảng 9 triệu đồng. Trong khi đó, việc không thay nước mà sử dụng luôn chất Clohydric để xử lý hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng nước trong bể bơi.

“Ngày nay khoa học tiên tiến, người ta có thể biến nước bẩn thành nước sạch để uống ngay, huống hồ là nước bể bơi. Tôi khẳng định việc thay nước hay không, cuối cùng tiêu chí vẫn phải đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Cương khẳng định.

Phiếu kết quả thử nghiệm hoá chất Clohydric. Ảnh: Nguyễn Vũ

Chia sẻ thêm, Giám đốc trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy cho biết, việc không “dám” thay 2.000 m3 nước trong bể cũng xuất phát từ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân những ngày nắng nóng tăng cao. Trong khi đó, năm nay, đường nước cung cấp đầu nguồn liên tục vỡ, hiện người dân nhiều quận đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

“Nếu tiết kiệm được nước sinh hoạt cho người dân mà vẫn đảm bảo chất lượng nước, không ảnh hưởng đến sức khỏe người đi bơi thì chúng tôi phải tính đến chứ”, ông Cương nói.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm