Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giảm 2 tỷ USD khi làm đường sắt tốc độ 200 km/h

Tư vấn TEDI cho biết tổng mức đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giảm còn 56,7 tỷ USD nếu hạ tốc độ thiết kế từ 350 km/h xuống 200 km/h và cho chạy cả tàu hàng.

Trao đổi với Zing, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết đã gửi Bộ GTVT kết quả nghiên cứu bổ sung phương án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chạy 200 km/h theo yêu cầu của Bộ KH&ĐT.

Trong báo cáo, TEDI đã nghiên cứu lại hồ sơ dự án và tái khẳng định phương án đầu tư đường sắt Bắc - Nam tốc độ 350 km/h, tổng chi phí 58,7 tỷ USD, là phù hợp hơn phương án 200 km/h được Bộ KH&ĐT đề xuất.

duong sat toc do cao Bac - Nam anh 1

Mô hình đường sắt cao tốc của Trung Quốc được trưng bày tại một triển lãm ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters.

TEDI dẫn các số liệu cho thấy phương án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chạy 200 km/h không thể tiết kiệm được 32 tỷ USD như nhận định của Bộ KH&ĐT.

Theo tính toán của TEDI, tổng mức đầu tư theo phương án 200 km/h (chỉ chạy tàu khách) là 46 tỷ USD, giảm 12,7 tỷ USD so với phương án 350 km/h.

Nếu phải thiết kế để chạy chung tàu khách và tàu hàng như đề xuất của Bộ KH&ĐT, TEDI nhận định nhiều chi phí sẽ tăng như thay đổi kết cấu đường, cầu, xây kho bãi, depot... tổng chi phí phát sinh thêm là 10,7 tỷ USD.

Như vậy, tổng mức đầu tư cho phương án đường sắt 200 km/h chạy cả tàu khách và tàu hàng là 56,7 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với phương án đã nêu trong báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT.

Sở dĩ không tiết kiệm được nhiều, theo luận chứng của TEDI, là do chi phí đầu tư hạ tầng của 2 phương án không có chênh lệch lớn (chỉ giảm được 10%). Chênh lệch chủ yếu nằm ở chi phí đầu tư thiết bị như đoàn tàu, thông tin tín hiệu... (giảm được 26%).

Với thực trạng của công nghệ đường sắt Việt Nam, TEDI cho rằng ít có sự khác biệt về mức độ tự chủ công nghệ giữa việc xây mới một tuyến 200 km/h hay 350 km/h. Việc nhập khẩu công nghệ nước ngoài là khó tránh khỏi.

"Phương án tốc độ từ 160 đến 200 km/h, khai thác chung tàu khách và tàu hàng sẽ có chi phí đầu tư và khai thác lớn, nhu cầu vận tải thấp nên hiệu quả không cao, khai thác tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt khác, phương án này không phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển GTVT đã được Thủ tướng phê duyệt", báo cáo của TEDI nêu.

Trước đó, Bộ KH&ĐT khẳng định có thể xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc 200 km/h, tiết kiệm hơn 32 tỷ USD so với phương án tốc độ 350 km/h của Bộ GTVT.

Một số chuyên gia ủng hộ phương án đầu tư của Bộ KH&ĐT, song đề nghị giải trình chi tiết hơn về con số 26 tỷ USD - ít hơn tới 32 tỷ USD so với phương án Bộ GTVT đang xây dựng.

Với tính chất quan trọng của dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo phương án được Bộ GTVT đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500 km và đi qua 20 tỉnh, thành. Đường sắt điện khí hóa với 2 làn ray 1.435 mm. Tổng mức đầu tư 1,34 triệu tỷ đồng (tương đương 58,7 tỷ USD). Tốc độ thiết kế tàu chạy 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 dự kiến năm 2020-2032, xây trước đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang. Giai đoạn 2 dự kiến năm 2032-2050, xây nốt đoạn Vinh - Nha Trang.

Trong đó, ngân sách chi ra 80% tổng vốn đầu tư hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư bằng 20% tổng vốn vào đầu máy toa xe và nhà ga để khai thác thu hồi vốn.

Ưu tiên làm đường sắt tốc độ cao đoạn TP.HCM - Long Thành

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể bắt đầu triển khai từ năm 2021 (ưu tiên đoạn TP.HCM - Long Thành) nếu được Quốc hội thông qua.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm