Phận chìm nổi của những QBV
Giải U20 thế giới hay còn gọi là World Cup trẻ ra đời từ năm 1977 và đều đặn tổ chức sau mỗi chu kỳ 2 năm. Cho đến nay giải đã qua 19 lần tổ chức. Argentina là đội giàu thành tích nhất với 6 lần đăng quang (1979, 1995, 1997, 2001, 2005, 2007); Brazil đứng thứ 2 với 5 lần (1983, 1985, 1993, 2003 và 2011). Châu Á chưa có quốc gia nào đăng quang và thành tích tốt nhất thuộc về Nhật Bản khi đứng hạng 2 năm 1999.
Maradona tỏa sáng tại giải U20 thế giới năm 1979 và ngay lập tức được xem là ông vua của bóng đá thế giới. Trước đó, Maradona từng suýt được gọi vào ĐT Argentina dự World Cup 1978 trên sân nhà. |
U20 thế giới là giải đấu mà tài năng của Diego Maradona được biết đến rộng rãi. Ông ghi 6 bàn, đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải (Golden Ball - QBV), giúp Argentina vô địch năm 1979. Chỉ 7 năm sau đó, Maradona là đội trưởng của Argentina vô địch World Cup 1986. Tuy nhiên, không phải QBV nào cũng phát triển được tài năng rực rỡ sau khi tỏa sáng ở giải U20 thế giới như Maradona.
Thống kê cho thấy chỉ có 8/19 QBV là phát triển tài năng đúng như kỳ vọng là Bessonov (1977), Maradona (1979), Prosinecki (1987), Javier Saviola (2001), Lionel Messi (2005), Sergio Aguero (2007), Paul Pogba (2013) và phần nào đó là Seydou Keita (1999 - cầu thủ từng thi đấu cho Sevilla, Barcelona và giờ là AS Roma).
Số còn lại hầu hết đều xa lạ với người hâm mộ như Romulus Gabor, Bismarc, Ismail Mata hay Henrique... Nếu tính cả những cầu thủ đoạt danh hiệu vua phá lưới thì mức độ thành công càng ít hơn. Messi (2005), Aguero (2007), Oleg Salenko (1989, sau đó danh thủ này còn đoạt danh hiệu vua phá lưới World Cup 1994) là những trường hợp thành danh hiếm hoi.
Paul Pogba là QBV giải U20 thế giới mà tài năng của anh được thừa nhận 1 cách rộng rãi. Tương lai của tiền vệ trẻ này là rất hứa hẹn. |
Argentina có thể xem là đội bóng hưởng lợi nhiều nhất từ giải U20 thế giới. Không kể chức VĐTG năm 1986 với Maradona là đầu tàu thì rất nhiều trụ cột của Argentina hiện tại trưởng thành từ giải đấu này như: Messi, Sergio Aguero, Pablo Zabaleta, Ezequiel Garay, Sergio Romero, Lucas Biglia, Javier Mascherano... Trong khi đó, những trường hợp thành công của bóng đá châu Á là rất hiếm hoi.
QBV Ismail Mata từng khóc hận trước ĐTVN
Ismail Mata là cầu thủ châu Á duy nhất từng đoạt QBV U20 thế giới ở giải đấu năm 2003 được tổ chức tại quê hương của cầu thủ này là UAE. Bốn năm sau đó, Mata là hạt nhân trong lối chơi mà HLV nổi tiếng Bruno Metsu (từng dẫn dắt Senegal vào tứ kết World Cup 2002) xây dựng cho UAE. Tuy nhiên, ở trận đấu với ĐTVN tại Asian Cup 2007, Mata đã không thể giúp UAE tránh được thất bại 0-2 dù đã chơi rất hay.
Ismail Mata từng được xem là số 10 đầy hứa hẹn của bóng đá thế giới nhưng rốt cuộc không thể giúp ĐT UAE bay cao. Trong trận đấu với ĐTVN năm 2007, Mata bị Như Thành và Huy Hoàng khóa chặt. Ảnh: Vietnamnet. |
U20 Hàn Quốc dù là khách quen của giải U20 thế giới (tham dự từ năm 1991 đến nay) nhưng đội tuyển quốc gia nước này không có nhiều bước đột phá về thành tích ở đấu trường World Cup ngoài vị trí hạng 4 đầy tai tiếng ở giải đấu được tổ chức trên sân nhà năm 2002.
Nhật Bản có thể xem là trường hợp thành công thông qua giải U20 nhưng không lâu bền. Năm 1999, họ giành ngôi á quân sau khi để thua U20 Tây Ban Nha 0-4 trong trận chung kết. Những cầu thủ trẻ của Nhật khi đó như Shinjo Ono, Takahara, Ogasawara, Koji Nakata... về sau đều là những trụ cột tại ĐQTG. Tuy nhiên, ở giải U20 thế giới gần đây nhất, Nhật Bản đều không thể góp mặt.
U19 Việt Nam rất tài năng nhưng việc có duy trì được nó sau 5-7 năm nữa hay không là điều không thể nói trước. |
Có thể thấy rằng, cái đích dự giải U20 thế giới của U19 Việt Nam hiện tại là rất đúng đắn nhưng cũng không nên quá kỳ vọng, mơ tưởng cao xa trong trường hợp Guillaume Graechen và các học trò đạt được mục tiêu dự giải U20 thế giơi.