Thị trường chuyển nhượng Trung Quốc đóng cửa sau khi kết thúc ngày hôm qua (28/2), xác nhận kỷ lục 331 triệu bảng chi tiêu, vượt 36 triệu bảng so với năm 2016, qua đó chính thức thiết lập kỷ lục mới.
Với con số 331 triệu bảng, Chinese Super League cũng vượt Premier League (218,49 triệu bảng) về tổng tiền chi mua sắm.
Tuy vậy trên thực tế, kỳ chuyển nhượng bóng đá Trung Quốc kéo dài hơn Premier League đến 28 ngày nên mới có chuyện vượt xa như vậy. Còn nếu tính trong cùng kỳ với giải Ngoại hạng Anh thì tổng chi của Chinese Super League chỉ khoảng 180 triệu bảng.
Nổi bật nhất trong kỳ chuyển nhượng mùa đông Trung Quốc năm nay là các thương vụ đưa Oscar tới Shanghai SIPG (giá 50 triệu bảng), Carlos Tevez tới Shanghai Shenhua (giá không tiết lộ, lương 615.000 bảng/tuần) và tiền đạo Odion Ighalo tới Changchun Yatai giá 20 triệu bảng (hợp đồng lớn thứ sáu lịch sử chuyển nhượng Trung Quốc).
Cả 4 giải Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha cộng lại (315 triệu bảng) không bằng giải Trung Quốc. Đồ họa: BBC. |
Nếu không bị LĐBĐ Trung Quốc (CFA) dựng rào ngăn cấm, chi tiêu của Chinese Super League có lẽ sẽ còn dữ dội hơn nữa. Hôm 15/1, tại thành phố Vũ Hán, để ngăn chặn thực trạng đốt tiền của các đại gia, LĐBĐ Trung Quốc chính thức sửa lại quy định về số cầu thủ ngoại được phép có mặt trên sân, từ 5 cầu thủ nước ngoài (bao gồm 1 cầu thủ châu Á), giảm xuống chỉ còn 3 cầu thủ nước ngoài. Quy định sẽ có hiệu lực từ mùa giải 2018.
Theo lý giải của CFA, việc làm này sẽ giúp bóng đá Trung Quốc phát triển lâu dài, kèm theo đó là công tác đào tạo trẻ và mang lại lợi ích cho ĐTQG. Hành động trên hứa hẹn cũng mang lại sự phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững cho các giải đấu ở đất nước này.
Ngoài ra, với mỗi trận đấu ở mùa giải mới, danh sách đăng ký thi đấu của các đội phải có tối thiểu 2 cầu thủ dưới 23 tuổi, nhằm thúc đẩy công tác đào tạo trẻ phục vụ đội tuyển quốc gia.