Là cuốn tiểu thuyết đã bán được 100.000 bản, giành nhiều giải thưởng và được dịch ra nhiều thứ tiếng của Milena Michiko Flašar, một nữ tác giả mang trong mình hai dòng máu Áo - Nhật, Mr. Cà Vạt không đơn giản chỉ là hành trình chữa lành những thương tổn tâm hồn của những kẻ yếm thế mà còn là sự giải phóng khỏi những ràng buộc thít chặt, như chiếc thòng lọng của đời sống khiến người ta đánh mất nhân dạng của chính mình.
Taguchi Hiro, chàng trai 20 tuổi trong đó có 2 năm làm một Hikikomori (1) trốn trong phòng riêng, lánh xa thế giới, khước từ giao tiếp với con người. Lần đầu tiên bước ra ngoài, dừng chân tại công viên, ngồi hàng giờ trên ghế đá, cậu đã nhìn thấy một người đàn ông “chốn công sở”, cũng dành hàng giờ, từ sáng đến tối trên ghế đá giống cậu.
Hai con người, cách biệt thế hệ nhưng đều gặp nhau nơi giao điểm những tổn thương trong quá khứ, khiến hiện tại họ trống rỗng đến nỗi mất phương hướng. Để rồi trên băng ghế đá, trước dòng người đến rồi đi, họ mở lòng mà sẻ chia với nhau những mâu thuẫn, vấp ngã, thương tổn đã qua, nhẹ nhàng khích lệ nhau cùng tiến bước.
Một chàng trai mắc chứng Hikikomori
Mr. Cà Vạt, dưới điểm nhìn của ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, trước hết đã khắc họa nên đời sống hiện thực lẫn thế giới nội tâm từ chính chủ thể tự sự ấy. Một chàng trai tuổi 20 tên Taguchi Hiro nhưng đã có tới hai năm sống dưới thân phận một Hikikomori "không chịu rời nhà cha mẹ, khóa cửa phòng mình lại và chỉ giữ liên lạc ở mức tối thiểu với gia đình".
Cho đến ngày, có niềm thôi thúc Taguchi vượt ra khỏi căn phòng với "vết rạn li ti trên tường chạy ngang bên trên giá sách" để tái hòa nhập cộng đồng. Mặc dù, việc cậu làm hàng ngày cũng chỉ là ngồi hàng giờ trên ghế đá ngoài công viên, lặng nhìn dòng người đổi thay. Và với Taguchi, dường như việc thay đổi địa điểm chỉ mang ý nghĩa như sự chuyển dịch không gian bó mình của một Hikikomori mà thôi.
"Có những không gian mà ta không bao giờ thoát ra khỏi". Bởi chàng trai trẻ ấy, vẫn khước từ giao tiếp với con người, sợ hãi thiết lập sự hình thành mối quan hệ giữa bản thân với những người xung quanh. Hay, có thể nói chăng, Taguchi sợ hãi sự tổn thương, khi những mối quan hệ thân thiết cậu tạo dựng cứ lần lượt vỡ vụn mà cậu không thể níu giữ.
Mr. Cà Vạt do NXb Kim Đồng ấn hành, bản dịch của Lê Quang. |
Trên trang viết của Milena Michiko Flašar, Taguchi Hiro hiện lên, như bóng hình một Hikikomori trẻ tuổi điển hình tại xứ sở mặt trời mọc. Kẻ mất đi mục đích, động lực sống, từ chính bản thân đã tỏa ra "khao khát được chết" một cách mãnh liệt, nhưng lại vẫn tồn tại qua ngày trên cõi đời.
Một kẻ tưởng chừng không có bất kì khát khao, hi vọng nào vào tương lai. Một kẻ vị kỉ tới ích kỉ khi luôn ơ thờ và đặt bản thân nằm ngoài "nỗi đau khổ của người khác." Và một người trẻ ngay lúc còn đang độ tuổi trưởng thành đã chỉ hướng đến một cuộc sống lánh xa rắc rối, lánh xa thế sự.
Cho nên, một Taguchi như vậy, đâu cần đến lúc tự nhốt mình trong phòng hay tới ngày ngồi lặng hàng giờ ở ghế đá tại công việc mới là một Hikikomori? Mà bản thân chàng trai đó, đã luôn mang tư tưởng Hikikomori trước cuộc đời này. Bởi áp lực "thành tích" nơi trường lớp và ngoài xã hội ư? Cụ thể đến vậy chăng? Hay chỉ đơn thuần, người ta yêu thương rất nhiều, gắn bó, thân thiết rất nhiều nên càng trân trọng bao nhiêu người ta lại càng thêm đau đớn, hoang mang, hoài nghi, lạc lối bấy nhiêu trước những đổi thay, tan vỡ.
Người ta hiểu sự mong manh trong mối quan hệ giữa người với người, cũng hiểu sự yếu đuối của sinh mệnh con người. Mà càng hiểu thì lại càng thêm thu mình lại, vì sợ cô đơn, vì sợ thương tổn bản thân, và có lẽ, cả nỗi sợ vô hình sẽ thương tổn cả những người họ yêu mến. "So với mọi người, tôi là người không muốn nhìn thấy tôi nhất."
Cái tôi tuổi trẻ nhạy cảm, đầy rẫy mâu thuẫn, sớm chứng kiến và trải đủ sự kì thị, định kiến của đời người, áp lực vô hình về hai từ "tương lai", "kì vọng" người ta đè nặng lên bờ vai con trẻ. Và cái tôi đó, trốn chạy bằng tất thảy sự đồng cảm, day dứt, dằn vặt đến quặn đau của một con người chỉ biết bất lực nhìn từng thứ, vuột khỏi kẽ tay.
Vì thế, hành trình trở thành một Hikikomori đóng cửa trái tim đến quá trình mở lòng, tái hòa nhập cộng đồng của chàng trai Taguchi Hiro, có lẽ vừa mang tính "chuộc lỗi", vừa mang ý nghĩa như sự "chữa lành".
"Chuộc lỗi" với chính sự hèn yếu của cậu khi xưa và "chữa lành" những vết thương buổi quá khứ, dù có trốn chạy đến đâu, vẫn luôn làm nhức nhối một "cái tôi" phức tạp nhưng chắc chắn, giàu tình yêu thương.
Một ông chú thuộc về miền quá vãng
Nếu như Taguchi Hiro là đại diện cho lớp Hikikomori trẻ tuổi của xã hội Nhật Bản thì ông chú độ tuổi trung niên được cậu gọi bằng biệt danh Mr. Cà Vạt (mà tên thật là Ohara Tetsu) chính là đại diện cho một lớp người thuộc về miền quá vãng trên nước Nhật. Vì tuổi tác, vì sai lầm, họ dần bị cuộc sống bộn bề cuộn trôi như vũ bão cuốn ra ngoài bánh răng xã hội. Họ dần bị lãng quên.
Nhưng bản thân họ, với nỗi hoài tiếc một thời vàng son đã qua lẫn gánh nặng về hai tiếng “trách nhiệm” trước gia đình, người thân vẫn đè nghiến lên vai khiến một kẻ đã bị đẩy ra ngoài rìa xã hội như họ cũng phải gồng mình lên những mong vớt vát lại chút lòng tự trọng hư ảo đã vỡ nát.
“Chú không chỉ mất việc. Cái mất mát trầm trọng nhất là lòng tự trọng. Mất nó là khởi đầu cho sự lụn bại”. Hay nói cách khác, đó chính là sự “mất mát cái tôi” của một con người đã từng có thể ngẩng cao đầu sống suốt mấy mươi năm cuộc đời.
Nên một chàng trai mắc chứng Hikikomori hay một ông chú đã bước sang sườn dốc phía bên kia cuộc đời, đã nếm đủ hư vinh, hi sinh lẫn sự ê chề thất bại của đời người; từ những người xa lạ vô tình gặp nhau trên hai ghế đá đối diện chốn công viên, họ dần mở lòng. Tất cả, bởi họ tìm thấy ở nhau giao điểm mang tên “đánh mất cái tôi”, “sống mà chỉ như sự tồn tại yếu ớt trước cuộc đời”.
Và, đây hẳn, chính là một thứ tình bạn “vong niên” chứa đựng những nỗi tâm sự, góc khuất tâm hồn đầy đớn đau. Khi hai kẻ cùng mất phương hướng, thuộc về phần “thiểu số” trong xã hội, tìm tới nhau như lực hút từ trường của những kẻ sống cùng thế giới. Một thế giới trống rỗng khi quá khứ và hiện tại chỉ là khổ đau với những mối quan hệ rạn nứt tới bờ vực tan vỡ, còn tương lai lại tựa một mảng trắng xóa mịt mờ.
Tác giả Milena Michiko Flašar. |
Tuy nhiên, dù có là một nhân viên thất nghiệp bị lãng quên ngoài rìa xã hội thì tới tận cùng, Mr. Cà Vạt Ohara Tetsu vẫn là người đi trước với kinh nghiệm sống phong phú của một gã đàn ông như đã đi qua trọn nỗi thăng trầm đời người, cả trong công việc lẫn chính đời sống gia đình.
Nên, trên cương vị vừa là “bạn” đồng cảm, vừa là người đi trước dạy dỗ, truyền đạt, Mr. Cà Vạt vẫn đủ trải nghiệm mà nói: “Chúng ta đâu có tự do, tất cả chúng ta. Tuy nhiên điều đó không miễn trừ trách nhiệm cho ta. Dù không tự do, ta vẫn tiếp tục phải đưa ra quyết định và phải chịu trách nhiệm cho hệ quả của chúng. Và vì thế mà sau mỗi quyết định ta lại mất thêm tự do nữa”.
Bởi thế, có thể nói chăng, nếu hành trình tái hòa nhập cộng đồng của chàng trai trẻ Taguchi Hiro là sự chuộc tội và chữa lành thì hành trình ông chú Ohara Tetsu, có đủ dũng khí đối diện với sự thật đã thất nghiệp, là sự chữa lành và giải phóng. Giải phóng cho thứ trách nhiệm lẫn đời sống như một cái máy chốn công sở, tựa chiếc cà vạt, thít chặt người ta như một chiếc thòng lọng, tới phân nửa cuộc đời.
Nhưng đến cuối cùng, Mr. Cà Vạt không phải câu chuyện mang thông điệp “chữa lành” được tác giả Milena Michiko Flašar viết ra một cách dễ dãi nhằm chiều lòng độc giả. Cả cuốn sách được viết bằng ngôi kể thứ nhất với sự tương tác qua lại gần như chỉ xoay quanh giữa hai cá nhân, mỗi chương truyện được chia nhỏ những tưởng tới vụn vặt.
Tất thảy, đều tựa cách Milena Michiko Flašar xoáy sâu vào vụn vỡ của tâm hồn những con người bị đẩy ra phần ngoại biên xã hội. Một câu chuyện như được tạo dựng trên nền tảng sự mặc cảm, nỗi ẩn ức, cùng ý thức mãnh liệt về sự đánh mất nhân dạng: “Thương thằng bé quá, cả đời nó không tìm được khuôn mặt”. Và đặc biệt là cái chết lẩn quất đến cả những chương cuối cùng, tới cả khi người ta đã quyết định hướng tới tương lai.
Song, dường như càng đớn đau thì cảm xúc con người vượt qua thương tổn lại càng thanh thản. “Vượt qua” và “thanh thản” ở đây, không phải là cách họ tiếp tục lẩn tránh vào “sự quên” mà vì người ta có thể thẳng thắn đối diện đau đớn bằng sự mạnh mẽ của việc sẵn sàng thử và sai nhiều hơn nữa. Bởi tương lai, còn ở phía trước. Và giữa dòng chảy cuộn trôi, người ta chẳng hề cô độc.
------------------
(1) Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, hội chứng Hikikomori là hiện tượng những người không tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giam mình trong phòng, không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài gia đình. Sự không tiếp xúc này kéo dài từ 6 tháng trở lên.