Trong đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều ý tưởng, sản phẩm được lựa chọn nhất với 5 dự án trong các lĩnh vực: Viễn thông, giáo dục, IoT, và thương mại điện tử (gồm Graam, VVN, Appa, Vuihoc, MultiGlass). Các sản phẩm còn lại đến từ các quốc gia: Agrobot (Tanzania), TiMobile (Indonesia), Ipification (Peru), Innova Solutions (Mozambique) và LaundryKH (Cambodia). Các ý tưởng này được lựa chọn từ hơn 200 bài dự thi của các startup đến từ 10 quốc gia trên thế giới.
VAS Track 2019 đã chính thức chọn được 10 đội lọt vào chung kết được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia), ngày 15/8. |
Bên cạnh các sản phẩm, ý tưởng hỗ trợ cho nông nghiệp, giáo dục, các giải pháp IoTs, tăng cường bảo mật hay sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ mục đích nâng cao trải nghiệm người dùng cũng là những chủ đề hấp dẫn của cuộc thi.
Hai ý tưởng gia tăng trải nghiệm người dùng và IoT dưới đây một là dự án của đội đại diện cho Việt Nam (Multiglass ) và một đến từ quốc gia phía tây nam Mỹ Peru (Ipification) là minh chứng cho sức hút của những chủ đề này với các startup công nghệ trong cuộc thi Tìm kiếm Giải pháp Sáng tạo toàn cầu.
Multiglass - Internet vạn vật (IoT)
Thiết bị dự thi mang tính nhân văn tới từ Công ty CP Multi Việt Nam là cái tên sáng giá trong lĩnh vực Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT).
MultiGlass với tính năng điều khiển mọi vật từ xa đã gây ấn tượng với ban giám khảo (BGK) vì khả năng ứng dụng cao và sự nhân văn. Phần lớn thiết bị được dùng để hỗ trợ người khuyết tật, giúp họ có thêm công cụ tiếp cận với các sản phẩm công nghệ cao.
Đại diện MultiGlass cho biết, họ nhận thấy sự phát triển của khoa học công nghệ mang đến sự tiện lợi cho đại bộ phận xã hội. Đồng thời, chính điều đó lại tạo ra một thiệt thòi vô hình cho ngừoi khuyết tật khi khiếm khuyết của họ tạo nên một rào cản cho sự tiếp nhận những nền tảng công nghệ mới. Chính vì vậy, nhóm đã lên ý tưởng và phát triển thiết bị thông minh có tên Multiglass để giúp đỡ những người khuyết tật.
Với mong muốn trợ giúp cho những người khuyết tật. CEO và nhà sáng lập công ty, Lê Hoàng Anh chia sẻ: “Theo thống kê tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM, mỗi năm có khoảng 100.000 người bị tai nạn mất khả năng sử dụng tay. Chính vì vậy, nhóm đã lên ý tưởng và phát triển MultiGlass để giúp đỡ những người khuyết tật. Thông qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, nhóm đã đưa ra ba giá trị cốt lõi cho một sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật. Đó là dễ sử dụng, thuận tiện và phù hợp với khả năng chi trả. Giá thành của thiết bị dao động khoảng 700.000 đồng - 1 triệu đồng/chiếc. Hiện tại ở Việt Nam chưa có dòng sản phẩm tương tự”.
Bên cạnh đó, thiết bị này còn trở thành trợ thủ đắc lực giúp các tài xế giữ tỉnh táo khi lái xe đường dài, giảm thiểu nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.
Ipification - giải pháp xác thực di động
Giải pháp sáng tạo này đến từ các kỹ sư công nghệ trẻ tuổi của Peru. Họ là một đội gồm rất nhiều nhân tài từ các quốc gia và ngành nghề khác nhau. Theo đại diện của Ipification, đây là một giải pháp xác thực di động liền mạch duy nhất trên thị trường hiện nay.
Team Ipification từ Peru. |
Thực tế cho thấy người dùng ngày nay trải nghiệm nhiều ứng dụng di động hơn, nhưng cũng khắt khe hơn trong việc cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin về nhân khẩu học, tài chính. Do đó, giải pháp xác thực người dùng không khai thác cá nhân là một điểm sáng cho ngành công nghệ, đặc biệt mở ra một hướng đi cho các công ty phát triển ứng dụng di động.
“Giải pháp Ipification xác thực di động kết hợp sự an toàn, tính năng bảo mật thông tin cá nhân và trải nghiệm không gián đoạn. Giải pháp của chúng tôi được vận hành dựa trên sự hợp tác với những nhà khai thác ứng dụng di động, cho phép người dùng xác thực tài khoản an toàn, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bằng cách khai thác những thông tin có thể biết được như thiết bị đăng nhập, thẻ SIM, chứ không truy cập sâu hơn vào các thông tin cá nhân khác.
Chúng tôi tin rằng trải nghiệm người dùng sẽ liền mạch hơn, thay vì sử dụng OTP - không an toàn và khiến UX xấu. UX xấu sẽ ngăn mọi người sử dụng các ứng dụng và dịch vụ, mang lại tỷ lệ đăng ký và sử dụng thấp hơn”, đại diện Ipification chia sẻ.
Chia sẻ về cảm nhận khi là một trong 10 đội lọt vào chung Kết, Ipification cho biết: “Tham gia Viettel Advanced Solution Track 2019 là cơ hội lớn để chúng tôi giới thiệu giải pháp của mình, cũng như những thành tựu đã đạt được cho hội đồng thẩm định - gồm nhiều chuyên dày dặn kinh nghiệm. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình phát triển và luôn trân trọng cũng như ghi nhận tất cả sự đóng góp, đánh giá và thử thách từ những người đi trước, những người dày dặn kinh nghiệm trong tất cả lĩnh vực khác nhau. Nếu chiến thắng, đó sẽ là một cơ hội để được hướng dẫn xuyên suốt và học được những kỹ năng cần thiết, tạo nên một công ty phát triển”.
Bùng nổ công nghệ mang đến những khái niệm hoàn toàn mới như AI (trí tuệ nhân tạo) hay IoT (Internet kết nối vạn vật), đồng thời khiến cuộc sống ngày càng biến chuyển thần tốc. Trong bối cảnh đó, đời sống con người đòi hỏi nhiều trải nghiệm hơn và cũng khắt khe hơn với các dịch vụ và sản phẩm được tạo ra, đồng thời các giá trị xã hội, cộng đồng cũng dần được quan tâm nhiều hơn.
Chính điều đó đã trở thành động lực cho rất nhiều startup, mang đến các giải pháp sáng tạo và ứng dụng vào thực tiễn, giúp giải quyết các lỗ hổng về bảo mật, thu hẹp các khoảng cách, tạo nên thế giới số an toàn và công bằng với mọi người.
3 đội thi vượt qua vòng chung kết tới đây sẽ lên đường sang Mỹ để tham dự chung kết VietChallenge, được tổ chức vào tháng 9, với giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng; được tham vấn 1-1 từ các giáo sư tại các trường đại học lớn như Harvard, MIT, Boston; các chuyên gia tại thung lũng Silicon; tham gia tuần tập huấn kỹ năng thuyết trình; tham quan hệ sinh thái khởi nghiệp Boston và tiếp cận với các nhà đầu tư uy tín tại Mỹ và hưởng những lợi ích độc quyền: Ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Viettel và chia sẻ doanh thu lên tới 75%.