Chủ động phát hiện, sàng lọc ca bệnh, thực hiện nghiêm 5K, sớm tiêm phủ vaccine và phát huy lực lượng chống dịch ở cơ sở… là những giải pháp trọng tâm để bảo vệ “vùng xanh” được PGS.TS Trần Đắc Phu (chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) chỉ ra khi trao đổi với Zing.
Ông nhấn mạnh việc bảo vệ, giữ vững và dần mở rộng vùng xanh, thu hẹp các vùng cam, vàng, đỏ là rất quan trọng.
Không thể cắt chuỗi lây nhiễm nếu không có ý thức
Giải pháp đầu tiên để giữ “vùng xanh”, theo ông Phu, là chủ động phát hiện, sàng lọc các ca bệnh nghi ngờ với dấu hiệu như sốt, ho, khó thở hoặc người có dấu hiệu dịch tễ… Như vậy, nếu có ca mắc cũng không trở thành nguồn lây cho cộng đồng.
Tiếp đó, ông Phu lưu ý người dân trong vùng xanh phải thực hiện lối sống an toàn, áp dụng 5K nghiêm ngặt vì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn rất cao, chỉ cần lơ là cũng có thể bị lây nhiễm.
PGS.TS Trần Đắc Phu nêu nhiều giải pháp để giữ vững "vùng xanh" an toàn, trong đó vẫn cần thực hiện nghiêm 5K và sớm tiêm phủ vaccine. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hơn nữa, các hoạt động trong vùng xanh cũng phải đảm bảo an toàn, ví dụ siêu thị, chợ hay hoạt động của nhà máy, xí nghiệp… Nếu lơ là nguyên tắc an toàn, dịch sẽ bùng lại ngay.
“Nếu mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, đơn vị không có ý thức thì không thể cắt đứt được chuỗi lây nhiễm, luôn hình thành các chuỗi mới”, ông Phu nói.
Bên cạnh đó, phải rút ra bài học và xây dựng những mô hình, cách làm an toàn, bền vững mà các địa phương đã áp dụng, ví dụ mô hình chợ an toàn, siêu thị an toàn, vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa “ít tiếp xúc”, mô hình xí nghiệp an toàn… sao cho phù hợp với hoàn cảnh của từng vùng, từng địa phương.
Giải pháp thứ ba để giữ vững vùng xanh, theo ông Phu, phải phát huy mô hình người dân tự quản vì đây mới là giải pháp bền vững. Ông đánh giá mô hình dân tự quản rất hiệu quả vì ai ra vào khu vực đó người dân biết và nắm được ngay.
Thứ tư, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh phải kiểm tra, giám sát đi đôi với xử phạt những hành vi sai phạm và những cá nhân, tổ chức không có ý thức chấp hành quy định an toàn trong phòng, chống dịch.
Một giải pháp quan trọng khác được ông đề cập là tiêm vaccine với tinh thần “tiêm càng sớm càng tốt”. Theo ông Phu, lúc này vaccine chưa có nhiều nên cần ưu tiên cho những vùng có nguy cơ cao. Nhưng thời gian tới, khi có lượng vaccine lớn cần nhanh chóng tiêm phủ ở tất cả “vùng xanh” để chủ động hơn trong chống dịch, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Song ông Phu cũng lưu ý việc tổ chức tiêm phải an toàn, chặt chẽ, tránh tạo nguy cơ lây nhiễm.
Phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hoà Bình) dẫn câu chuyện thực tế từ việc bảo vệ, giữ vững vùng xanh ở Hòa Bình.
Ông cho biết chính quyền tỉnh chỉ đạo bằng mọi giá phải kiểm soát triệt để người vào/người đi qua địa phương bằng cách duy trì hoạt động của tất cả chốt kiểm soát dịch; rà soát toàn bộ đường mòn, lối mở để thành lập các tổ/chốt kiểm soát; bố trí kinh phí để đảm bảo điều kiện thiết yếu, bảo vệ sức khỏe cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát. Đồng thời, phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng.
Các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ người dân trong công tác kiểm soát người ra vào tại chốt bảo vệ. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dần khôi phục các hoạt động ở "vùng xanh", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc này trước hết nhằm “tự cung tự cấp” lương thực, thực phẩm và nhu cầu thiết yếu trong khu vực đó, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Sau đó, khi tình hình ổn định, "vùng xanh" bắt đầu khôi phục lại hoạt động kinh tế, tạo ra nguồn lực hỗ trợ các khu vực khó khăn hơn.
“Chính quyền cần tạo điều kiện cho vùng xanh hoạt động kinh doanh, trước mắt là việc sản xuất mặt hàng thiết yếu”, ông Hòa nêu quan điểm. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng triển khai chiến lược vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Tính toán mở lại hoạt động cần thiết
Dưới góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng việc mở dần các hoạt động sản xuất kinh doanh ở vùng xanh còn phụ thuộc vào tình hình dịch ở từng khu vực. Nhận định đây là việc cần thiết, song ông lưu ý phải đảm bảo tính an toàn, bền vững do dịch còn phức tạp, nguy cơ hiện hữu, khó lường.
“Phải tìm cách sống an toàn, còn cấm đoán chỉ là nhất thời. Ví dụ cấm chợ thì dễ, tốt cho chống dịch, nhưng lại khiến người dân khó khăn từ sản xuất đến cung ứng và hàng hóa khan hiếm, giá cả bị đẩy lên… và người dân cũng không thể chịu đựng được mãi nếu việc cấm kéo dài", ông Phu nêu quan điểm và gợi ý có thể tính toán mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh cần thiết để những vùng xanh dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Ảnh: Đức Anh. |
Từ góc độ của doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Nam) nhận định dịch Covid-19 kéo dài chưa thể xác định khi nào kết thúc, vì vậy, vấn đề phát triển kinh tế ở vùng xanh có ý nghĩa rất quan trọng.
Để các hoạt động kinh tế dần khôi phục, nữ đại biểu cho rằng ở “vùng xanh” cần thực hiện nghiêm 5K, ưu tiên các doanh nghiệp trong vùng này được tiêm đủ 2 mũi vaccine để yên tâm sản xuất.
Doanh nghiệp muốn hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” phải đảm bảo sức khỏe, nhu yếu phẩm cho công nhân. Trường hợp không bố trí được chỗ ăn ở, phải chuẩn bị xe đưa đón công nhân đảm bảo an toàn. Cùng với đó, lên lịch xét nghiệm cho nhóm công nhân tham gia sản xuất để sớm phát hiện ca nhiễm và khoanh vùng kịp thời.
Theo bà Hiền, việc tháo gỡ, hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng giải pháp như miễn thuế, giảm tiền điện chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp đang hoạt động, còn với doanh nghiệp không hoạt động, không có doanh thu thì chính sách đó không khả thi. "Trường hợp này cần có chính sách khoanh nợ, không để nợ quá hạn ảnh hưởng đến xếp hạng doanh nghiệp với ngân hàng", nữ đại biểu nói.
Để tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đại biểu Nguyễn Cao Sơn đề nghị đẩy nhanh, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là lao động trong khu công nghiệp, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa thiết yếu hay có công nhân làm theo dây chuyền, ưu tiên tiêm đồng loạt.
Hiện nay, do nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 16, ông Sơn nêu thực tế chỉ có xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu đăng ký luồng xanh mới được lưu thông, còn xe vận chuyển nguyên liệu sản xuất bị hạn chế. Hơn nữa, xe chở hàng hóa chạy trên quốc lộ, tỉnh lộ phải qua nhiều trạm kiểm soát của các tỉnh dẫn đến mất nhiều thời gian, tăng thêm chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, ông Sơn đề nghị có giải pháp kịp thời tháo gỡ tình trạng này.
Nhận định dịch còn phức tạp, kéo dài, vị đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi giãn, hoãn, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản...