Gắn chip vào hành lý có thể tiết kiệm cả đống tiền cho hãng hàng không. |
Việc làm này có thể rút ngắn thời gian di chuyển của hành khách, đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngành hàng không. Trên thế giới, việc áp dụng công nghệ gắn chip cho hành lý đã được triển khai từ khá lâu. Các hãng hàng không như Air France (Pháp), Lufthansa (Đức) và Qantas (Australia) từng thử nghiệm công nghệ gắn chip hành lý, nhưng ở quy mô lớn và quyết liệt nhất phải kể đến các hãng hàng không Mỹ.
Gắn chip vào hành lý giúp tăng tỉ lệ hài lòng của hành khách. |
Đứng đầu là Delta với việc đầu tư 50 triệu USD cho thiết bị quét, máy in và gắn chip. Hệ thống này cũng sử dụng mã vạch nhưng trông khác biệt với hệ thống thông thường. Hiện Delta đã triển khai hệ thống quản lý hành lý thông minh này tại 344 sân bay mà hãng đang khai thác hoặc dự kiến sẽ khai thác tới cuối tháng này.
Hay như sân bay quốc tế McCarran ở Las Vegas, Mỹ đã gắn chip cho toàn bộ hành lý và băng chuyền từ năm 2005. Hơn 10 năm qua, hệ thống này đã xử lý tới 160 triệu hành lý với tỉ lệ chính xác lên tới 99,5%.
Tỉ lệ mất hoặc thất lạc hành lý cực thấp nếu gắn chip vào hành lý. |
Lợi ích mang lại là rất lớn. Ngoài chỉ số hài lòng của khách hàng tăng lên, nghệ này còn giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển của hàng khách – đồng nghĩa với tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Hãng hàng không cũng dôi ra khá nhiều tiền do hành lý được xử lý nhanh, chính xác và hiệu quả hơn, giúp giảm bớt chi phí chuyến bay và các khâu trung gian.
Mặc dù nghe có vẻ cao siêu nhưng công nghệ R.F.I.D. không phải mới mẻ gì. Nó đã được sử dụng hàng thập kỷ qua trong ngành vận chuyển hàng hóa. Thế nên nhiều người mới ngạc nhiên không hiểu tại sao ngành hàng không lại chậm chễ đến thế.
Những hệ thống như Amazon và ngành công nghiệp logistics đang đưa công nghệ quản lý hàng hóa lên tầm … nghệ thuật. Sau khi đặt hàng, bạn chỉ cần lên mạng kiểm tra là đã biết món đồ hoặc kiện hàng của mình đang được vận chuyển tới đâu rồi.
Chip gắn vào thẻ giấy đang được sử dụng tại sân bay Las Vegas để đảm bảo rằng hành lý qua kiểm tra được vận chuyển qua hệ thống nhanh hơn và chính xác hơn, giúp đưa hành lý lên đúng máy bay chuyên chở, giảm tối đa tỉ lệ thất lạc. |
Thế nhưng không hiểu sao việc gắn thẻ chip trong ngành hàng không lại tỏ ra khó khăn mặc dù Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế (IATA) đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy.
IATA từng đề ra hạn chót tới hè năm 2018, tất cả 265 hãng hàng không thành viên phải có khả năng theo dõi và truy dấu hành lý – không chỉ trên các chuyến bay của họ và còn trên các chuyến bay khác khi hành khách transit.
Thực tế, việc triển khai công nghệ theo dấu hành lý trong ngành hàng không chậm chạp vì một số lý do. Nâng cấp lên công nghệ mới nhất đòi hỏi thay đổi hạ tầng, mà việc này lại rất tốn kém và gây đứt quãng trong quá trình khai thác dịch vụ.
Các hãng hàng không đang chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý hành lý. |
Ngoài ra, hầu hết các sân bay đều để các hãng hàng không tự triển khai hệ thống kiểm tra hành lý riêng nên công nghệ và thủ tục cũng rất khác nhau.
Thực tế, các hãng hàng không và sân bay có thể sử dụng chip theo nhiều cách khác nhau. Năm 2010, Qantas trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên thế giới ứng dụng công nghệ này. Hãng đã bán các thẻ chip hành lý tái sử dụng bằng nhựa với giá 60USD. Hơn 1,5 triệu thẻ tag này đã được quay vòng trong 6 năm qua.
Trong khi đó, Delta và McCarran lại sử dụng thẻ tag bằng giấy dùng một lần với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Công nghệ này giúp các hãng hàng không có quy mô như Delta tiết kiệm rất nhiều tiền. Năm ngoái, trong số 120 triệu hành lý mà hãng này vận chuyển, chỉ có khoảng 270.000 hành lý bị trục trặc, tương đương với tỉ lệ 0,23%. Tỉ lệ này khá thấp so với mức 0,65% trung bình của thế giới.
Việc hạn chế thấp nhất tỉ lệ sai sót trong vận chuyển hành lý có tác động lớn tới hình ảnh hãng hàng không. Với tốc độ lan truyền của mạng xã hội hiện nay, bất cứ sai sót nào cũng dẫn tới thiệt hại đáng kể, nhất là với các hãng hàng không.